Yên Bái phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 22 đô thị

Tỉnh Yên Bái phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 22 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại II là thành phố Yên Bái; 1 đô thị loại III là thị xã Nghĩa Lộ; 3 đô thị loại IV là thị trấn Cổ Phúc, thị trấn Yên Bình, thị trấn Mậu A và 17 đô thị loại V.

Thành phố Yên Bái có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất là 76,39% và được công nhận là đô thị loại II vào năm 2023

Tỉnh Yên Bái hiện có 12 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại II là thành phố Yên Bái; 1 đô thị loại IV là thị xã Nghĩa Lộ và 10 đô thị loại V. Các đô thị phân bố không đồng đều giữa các huyện, mật độ phân bố đô thị trên toàn tỉnh là 5,32 đô thị/1.000 km².

Hiện nay, thành phố Yên Bái có mật độ dân số cao nhất, đạt 993 người/km²; thị xã Nghĩa Lộ có mật độ dân 647 người/km²; thị trấn Sơn Thịnh có mật độ thấp nhất (280,1 người/km²), các đô thị còn lại có mật độ trung bình là 600 – 700 người/km².

Trong thời gian qua, các đô thị đều được đầu tư nâng cấp, xây dựng kết cấu hạ tầng khang trang hơn, tạo điều kiện thuận lợi đáp ứng vai trò trung tâm, hạt nhân thu hút, lan tỏa phát triển kinh tế – xã hội trong tỉnh và các huyện, phát triển các đô thị văn hóa, đô thị du lịch.

Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh năm 2023 đạt 23,3%, cao hơn tỷ lệ trong vùng trung du và miền núi phía Bắc (22%), thấp hơn tỷ lệ đô thị hóa của cả nước (42,6%). Thành phố Yên Bái có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất là 76,39%, tiếp theo là thị xã Nghĩa Lộ 32,1%, Văn Chấn 16,3%, Yên Bình 13,61%….

Qua đánh giá, công tác quản lý đô thị, đầu tư xây dựng dần đi vào nề nếp theo quy hoạch; năng lực đội ngũ cán bộ, công chức quản lý về quy hoạch được nâng lên. Quy mô, chất lượng các đô thị được cải thiện, một số đô thị có bước phát triển trở thành hạt nhân, động lực phát triển của vùng, miền; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đóng góp tích cực vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh.

Kết cấu hạ tầng đô thị được quan tâm đầu tư; hạ tầng xã hội, hệ thống dịch vụ công cộng và nhà ở từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhân dân.

Hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sự nghiệp y tế, giáo dục tại các đô thị từng bước được đầu tư đồng bộ. Các trung tâm văn hóa – thông tin – thể dục thể thao, các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng, nâng cấp. Hạ tầng thương mại, dịch vụ phát triển. Văn hóa – xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước hình thành nếp sống văn hóa, văn minh đô thị.

Chất lượng cuộc sống người dân khu vực đô thị ngày càng được cải thiện. Kinh tế khu vực đô thị đã có sự tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành dịch vụ và công nghiệp, giảm dần tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp.

Hạ tầng kỹ thuật, hệ thống hạ tầng giao thông khung của các đô thị, giao thông diện rộng của huyện được đầu tư xây dựng; hình thành mạng lưới giao thông liên hoàn giữa các tuyến quốc lộ với tuyến tỉnh lộ. Các tuyến đường đô thị, đường huyện, đường xã, giao thông công cộng được quan tâm đầu tư, khai thác, kết nối hiệu quả giữa các vùng kinh tế, đô thị với nông thôn.

Hệ thống cấp nước sinh hoạt được đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng, cải thiện chất lượng. Hệ thống nghĩa trang nhân dân, hệ thống thu gom, xử lý nước thải đang được đầu tư xây dựng tại các đô thị. Hệ thống cấp điện, thông tin liên lạc ngày càng đáp ứng nhu cầu phát triển của các đô thị.

Tỉnh Yên Bái phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 22 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại II là thành phố Yên Bái; 1 đô thị loại III là thị xã Nghĩa Lộ; 3 đô thị loại IV là thị trấn Cổ Phúc, thị trấn Yên Bình, thị trấn Mậu A và 17 đô thị loại V.

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất: