Ngân hàng Yên Bái hoàn thành tốt vai trò trợ lực nền kinh tế

Với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, năm 2022, ngành ngân hàng tỉnh Yên Bái tập trung mọi nguồn lực góp phần hỗ trợ các thành phần kinh tế tiếp cận vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, góp phần thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Agribank Yên Bái trong những ngày đầu năm.

Tiếp vốn kịp thời cho nền kinh tế
 
Với vai trò là “huyết mạch của nền kinh tế”, năm 2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh huy động vốn, thực hiện kiểm soát tín dụng phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, định hướng của ngân hàng cấp trên và các biện pháp kiểm soát tín dụng theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam. 
 
Đồng thời, cân đối nguồn vốn, tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ về hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; khuyến khích các tổ chức tín dụng cắt giảm tối đa chi phí để hạ lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. 
 
Với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của NHNN tỉnh và sự nỗ lực của cả hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2022, ngành ngân hàng đã hoàn thành xuất sắc vai trò trợ lực cho nền kinh tế. 
 
Đến 31/12/2022, nguồn vốn huy động các chi nhánh ngân hàng và quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn đạt đến 41.638 tỷ đồng, tăng 21,98% so với cùng kỳ; trong đó, nguồn vốn huy động tại địa phương đạt 26.559 tỷ đồng, tăng 15,7%, chiếm 63,78% trên tổng nguồn vốn. 
 
Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 36.804 tỷ đồng, tăng 21,25% so với cùng kỳ, vượt hơn 7% so với kế hoạch chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ tối thiểu đặt ra trong năm 2022 là 12 – 14%. 
 
Mức tăng trưởng tín dụng này góp phần đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế. Dòng vốn tín dụng tiếp tục chảy vào các lĩnh vực ưu tiên; trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ đạt 18.072 tỷ đồng, chiếm 49,1% tổng dư nợ; dư nợ cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt 11.600 tỷ đồng, tăng 27,11%, chiếm 31,52% tổng dư nợ; dư nợ cho vay lĩnh vực xuất khẩu đạt 1.212 tỷ đồng, tăng 11,29%, chiếm 3,29% tổng dư nợ; dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 4.172 tỷ đồng, tăng 16,05%; dư nợ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 6.550 tỷ đồng, tăng 18,12%, chiếm 17,8% tổng dư nợ. 
 
Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tiếp tục được chú trọng. Lũy kế đến nay, các chi nhánh ngân hàng thương mại đã cam kết hỗ trợ vốn vay đối với 1.408 khách hàng, số tiền cam kết cho vay là 19.949 tỷ đồng; cam kết hỗ trợ giảm lãi suất cho 7.381 khách hàng với dư nợ 6.406 tỷ đồng; gia hạn nợ cho 47 khách hàng với số tiền 550 tỷ đồng và cơ cấu lại nợ vay cũ về mức phù hợp cho 198 doanh nghiệp với dư nợ 1.967 tỷ đồng. Kết quả này đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh.
 
Thực thi hiệu quả các chính sách hỗ trợ
 
Bên cạnh tiếp vốn kịp thời cho nền kinh tế, NHNN Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các chính sách theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN và các thông tư sửa đổi, bổ sung, qua đó, góp phần tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. 
 
Theo số liệu của NHNN Chi nhánh tỉnh Yên Bái, đến 30/6/2022 (thời điểm kết thúc hỗ trợ), các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn đã tháo gỡ khó khăn với tổng giá trị nợ được cơ cấu lại tại thời hạn trả nợ và miễn giảm lãi vay là 1.250 tỷ đồng với 631 khách hàng và doanh số cho vay mới là 19.579 tỷ đồng. Các ngân hàng chủ động giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu cho 54.403 lượt khách hàng, dư nợ được giảm lãi suất là 24.455 tỷ đồng. 
 
Năm 2022 cũng ghi dấu ấn của ngành ngân hàng trong việc thực thi các chính sách tín dụng ưu đãi phục hồi phát triển kinh tế – xã hội. Ông Trần Xuân Tùng – Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh cho biết: Ngoài các chương trình tín dụng chính sách thường niên, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tập trung triển khai các gói hỗ trợ khách hàng ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 11/NQ-CP. 
 
Đến 31/12/2022, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh đã giải ngân cho 3.623 lượt khách hàng với tổng số tiền 186,4 tỷ đồng; trong đó, cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 2.276 lao động, số tiền 150 tỷ đồng, đạt 99,4% kế hoạch được giao; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn mua máy tính, thiết bị học tập 1.278 hộ (1.796 học sinh, sinh viên), số tiền 17,9 tỷ đồng, đạt 100%; cho vay nhà ở xã hội cho 45 hộ, số tiền 17,6 tỷ đồng, đạt 99%; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập 11 cơ sở với số tiền 0,9 tỷ đồng, đạt 90% kế hoạch được giao. 
 
Các chính sách hỗ trợ góp phần giải quyết “cơn khát vốn” cho các đối tượng thụ hưởng. Cùng với hệ thống ngân hàng chính sách tỉnh, các ngân hàng thương mại cũng dành nhiều tâm huyết cho hoạt động hỗ trợ khách hàng bằng gói cho vay bù lãi suất 2%/năm theo Nghị định số 31/2022/ NĐ-CP. 
 
Đây được xem là “phao cứu sinh” trong bối cảnh hậu Covid-19 và là chính sách được cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đặc biệt quan tâm. Đáp lại kỳ vọng đó, các ngân hàng thương mại đã hỗ trợ lãi suất cho 3 khách hàng với dư nợ là 32,6 tỷ đồng. 
 
Những giải pháp trên đã giúp người dân và cộng đồng doanh nghiệp giảm bớt phần nào áp lực về tài chính cũng như có thêm nguồn lực để vượt qua giai đoạn khó khăn, tiếp tục đầu tư cho sản xuất, kinh doanh sau đại dịch, góp phần phục hồi, phát triển nền kinh tế.
 
Năm 2023, ngành ngân hàng tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế từ 14% trở lên, tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 2%. 
 
Để đạt mục tiêu này, NHNN chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và các dự án trọng điểm của tỉnh; tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng dịch Covid-19.
 
Đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp. Cùng đó, đẩy mạnh phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt và đảm bảo an toàn hoạt động thanh toán; tăng cường quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối. Chủ động kết nối các hoạt động an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ có hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế địa phương.

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 605570
  • Truy cập hôm nay: 750
  • Đang trực tuyến: 1