Công nghiệp Yên Bái tăng tốc cuối năm

Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đang chủ động tìm kiếm đơn hàng, thay đổi phương thức sản xuất, tìm nguồn nguyên liệu sản xuất để tăng tốc hoàn thành kế hoạch năm và tạo đà cho thời gian tới. Ngành công thương đang tích cực các biện pháp hỗ trợ.

Công nhân Công ty TNHH Unico Global YB trong giờ sản xuất.

Tại Công ty TNHH Unico Global YB, Khu Công nghiệp Âu Lâu, thành phố Yên Bái, hơn 1.300 công nhân đang ra sức thi đua sản xuất để hoàn thành các đơn hàng. Bà Lê Thị Hậu – Trưởng phòng Nhân sự – Hành chính Công ty cho biết: “Từ đầu năm 2022 tới nay, nhu cầu tiêu thụ hàng may mặc tăng trở lại, các doanh nghiệp có đơn hàng khá dồi dào. Từ đầu năm tới nay, Công ty đã sản xuất được 549.686 sản phẩm, doanh thu đạt trên 175 tỷ đồng, trong đó doanh thu xuất khẩu đạt 159 tỷ đồng”.

Trái ngược với sự khởi sắc của doanh nghiệp may mặc, một số doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây dựng gặp không ít khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất gạch tuynel khi nhiều công trình sử dụng vốn ngân sách xây dựng bằng gạch không nung, nhằm bảo vệ môi trường và tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có.

Ông Nguyễn Văn Tài – Phó Giám đốc Công ty cổ phần Vật liệu chịu lửa và Xây lắp điện Việt – Trung thuộc Cụm công nghiệp Thịnh Hưng, huyện Yên Bình cho biết: “Năm nay, doanh nghiệp chịu sự cạnh tranh gay gắt của thị trường, sản phẩm tiêu thụ của Công ty giảm mạnh, doanh thu từ đầu năm tới nay tiêu thụ 5 triệu viên gạch, doanh thu đạt 7,5 tỷ đồng. Hiện tại, chúng tôi đang chủ động các giải pháp như: nỗ lực trong việc tìm kiếm khách hàng mới, mở rộng mạng lưới thị trường để mở rộng sản xuất, kinh doanh tạo việc làm cho nhiều lao động”.

Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã chủ động tìm kiếm đơn hàng, thay đổi phương thức sản xuất, tìm nguồn nguyên liệu sản xuất để tăng tốc hoàn thành kế hoạch năm và tạo đà cho thời gian tới.

Theo đánh giá, năm 2022, sản xuất công nghiệp duy trì ổn định và có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước do hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và dần phục hồi. Tuy vẫn còn nhiều khó khăn về chi phí nguyên vật liệu, phí đầu vào, nhân công,… nhưng các doanh nghiệp đã nỗ lực khắc phục để tăng doanh số, tạo việc làm cho lao động địa phương.

Theo Sở Công Thương, 11 tháng của năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá hiện hành) ước đạt 19.357 tỷ đồng, ước theo giá so sánh 2010 đạt 14.150 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2021, bằng 100,3% kịch bản, đạt 91,3% kế hoạch năm; chỉ số công nghiệp toàn ngành tăng 9,8% so với cùng kỳ.

Trong đó, ghi nhận nhiều sản phẩm chủ lực trên đà phục hồi và tăng cao so với cùng kỳ như: điện thương phẩm ước đạt 1.064,3 triệu kWh, tăng 4,3%; điện sản xuất ước đạt 2.162,5 triệu kWh tăng 50%; đá CaCO3 hạt + bột ước đạt 1.645.463 tấn tăng 19,2%; ván ép ước đạt 519.750 m3 tăng 26,9%…

Tuy nhiên, một số sản phẩm có mức giảm so với cùng kỳ như: xi măng + clinker ước đạt 2.177.665 tấn, giảm 8,2%, quặng sắt và tinh sắt chưa nung kết giảm 43,97%; ống thép cán đạt 19.180 tấn, giảm 27%… Nguyên nhân do một số nhà máy tuyển quặng tạm dừng hoạt động do không tiêu thụ được sản phẩm, tạm dừng để khắc phục về môi trường; sản phẩm xi măng tiêu thụ chậm, nhu cầu thị trường về ống thép giảm.

Để hoàn thành vượt kế hoạch năm, tháng 12, các doanh nghiệp, công ty, các địa phương phải nỗ lực cao độ, phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 1.390 tỷ đồng, lũy kế cả năm ước đạt 15.540 tỷ đồng, vượt 0,26% kế hoạch.

Để đạt mục tiêu này, Sở Công Thương tiếp tục rà soát, kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, dự án sản xuất thuộc lĩnh vực công nghiệp, nhất là dự án công nghiệp chế biến, chế tạo nhằm nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã được cấp chủ trương đầu tư để sớm hoàn thành đi vào sản xuất, phát huy tối đa công suất thiết kế, nhất là đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thủy điện, lưới điện sớm đưa vào vận hành như: Dự án Thủy điện Sài Lương, Thủy điện Phìn Hồ, các dự án lưới điện truyền tải, phân phối; tiếp tục thúc đẩy các hoạt động về xúc tiến thương mại và thương mại – điện tử nhất là tổ chức hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu trong nước; các phiên chợ đưa hàng việt về miền núi… để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, giá cả, cung cầu hàng hóa, định hướng cho doanh nghiệp chủ động phát triển sản xuất cũng là trọng tâm ưu tiên của ngành trong thời gian còn lại của năm.

Theo Báo Yên Bái

Bài viết mới nhất: