Sáng 30/10, các đại biểu Nguyễn Quốc Luận và Nguyễn Thành Trung (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái) đã tham gia ý kiến vào dự án luật sửa đổi, bổ sung 4 luật.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 30/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo đối tác công tư, Luật Đấu thầu (gọi tắt là dự án luật sửa đổi, bổ sung 4 luật) và dự thảo Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.
Đối với dự án luật sửa đổi, bổ sung 4 luật, đại biểu Nguyễn Quốc Luận và đại biểu Nguyễn Thành Trung (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái) đã tham gia một số ý kiến về quy định điều chỉnh cục bộ các quy hoạch ngành quốc gia theo trình tự thủ tục rút gọn đối với Luật Quy hoạch.
Đối với Luật Đầu tư, các đại biểu tham gia các nội dung: về dự án sử dụng khu vực biển; thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư có sử dụng khu vực biển có phạm vi từ 6 hải lý đến hết các vùng biển Việt Nam; về đối tượng áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt; về quy định trách nhiệm cấp giấy phép môi trường khi áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt; về hồ sơ trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM); nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi dự án PPP; về hồ sơ trình phê duyệt dự án PPP…
Ý kiến về quy định trách nhiệm cấp giấy phép môi trường khi áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt, đại biểu Nguyễn Quốc Luận cho rằng Dự thảo Luật đang chỉ quy định nội dung “Nhà đầu tư thực hiện thủ tục cấp giấy phép môi trường (GPMT) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường”. Quy định này chưa bảo đảm đồng bộ, thống nhất do theo Luật Bảo vệ môi trường sẽ có nhiều dự án không phải thực hiện ĐTM mà được cấp GPMT ngay trong giai đoạn nghiên cứu khả thi (một số dự án đầu tư nhóm II và các dự án đầu tư nhóm III).
Do đó, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị sửa là “Nhà đầu tư thực hiện thủ tục cấp GPMT trước khi đưa dự án vào vận hành trong trường hợp thuộc đối tượng phải cấp GPMT theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Trường hợp dự án thuộc đối tượng phải thực hiện ĐTM theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, cơ quan có thẩm quyền cấp GPMT là cơ quan có thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM của dự án”.
Tham gia vào Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), đại biểu Nguyễn Thành Trung nêu rõ: Điểm c khoản 1 Điều 36 Luật Bảo vệ môi trường quy định quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM là một trong các căn cứ để cơ quan có thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đối với dự án PPP. Điểm b, khoản 2, Điều 42, Luật Bảo vệ môi trường quy định thời điểm cấp GPMT như sau: “Dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường phải có giấy phép môi trường trước khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy định tại các điểm a, b, c, d và g, khoản 1, Điều 36 của Luật này”.
Do đó, theo đại biểu Nguyễn Thành Trung, cần thiết có quy định về quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM và GPMT (đối với trường hợp không phải đánh giá tác động môi trường) của dự án là một trong các tài liệu của hồ sơ đề nghị phê duyệt dự án PPP tại Điều 22 và khoản 3 Điều 27 Luật PPP (nội dung này hiện không được đề xuất sửa đổi trong Dự thảo Luật)…
Tại buổi thảo luận, đại biểu Nguyễn Quốc Luận và đại biểu Nguyễn Thành Trung nhất trí luật sửa đổi, bổ sung 4 luật thông qua quy trình tại một kỳ họp để sớm giải quyết các khó khăn, vướng mắc, bất cập hiện nay trong thực tiễn.
Đối với dự thảo Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự, các đại biểu nhất trí với dự thảo Nghị quyết.