Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của kinh tế hợp tác xã (HTX) trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, những năm gần đây, tỉnh đã quan tâm chỉ đạo xây dựng, phát triển HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chủ lực. Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội, xây dựng nông thôn mới (XDNTM).

Xã viên HTX quế hồi xã Đào Thịnh, Trấn Yên phơi quế.

HTX 6/12, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên là một trong những điển hình về kinh tế tập thể (KTTT). Thời gian qua, HTX đã liên kết, hợp tác với HTX Dịch vụ tổng hợp Công Tâm và Công ty An Thịnh Cường Phát, huyện Văn Yên cùng nhau liên kết phát triển chuỗi sản phẩm quế trong chế biến tinh dầu quế. Để thực hiện liên kết, HTX đầu tư máy móc, dây chuyền chưng cất tinh dầu hiện đại, nâng tỷ lệ và chất lượng sản phẩm thu được.

Cùng đó, HTX này cũng đầu tư dây chuyền băm, nghiền ép cành, lá quế tận dụng cành, lá đã chiết xuất tinh dầu ép thành chất đốt, phục vụ các nhà máy sản xuất nhiệt tại một số khu công nghiệp tại Hà Nội và Bắc Ninh, sản xuất phân bón hữu cơ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản… nâng giá trị cây quế lên 40% so với trước.

Nhờ liên kết, doanh thu của HTX năm 2021 đạt trên 33 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 35 thành viên và trên 50 lao động tại địa phương với mức lương bình quân 6,5 triệu đồng/người/tháng. Các thành viên HTX nhận được giá trị sản xuất trên mỗi đơn vị diện tích sản xuất quế cao hơn so với các hộ không tham gia liên kết.

Tương tự, HTX Thái Sơn, huyện Lục Yên, mặc dù gặp không ít khó khăn sau khi thành lập, song với hướng đi đúng theo mô hình HTX kiểu mới, HTX Thái Sơn đã quan tâm đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến phục vụ cho sản xuất, chế biến sản phẩm; tổ chức liên doanh, liên kết và ký kết bao tiêu các sản phẩm: lạc, vừng, đỗ tương cho bà con trong vùng; tiến hành đăng ký chất lượng sản phẩm; xây dựng thương hiệu sản phẩm, nên các sản phẩm của HTX Thái Sơn đã được tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 đến 4 sao và được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Yên Bái các năm 2018 và 2021.

Có thể khẳng định, việc xây dựng và phát triển các HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh là hướng đi đúng, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế thị trường. Do đó, thời gian qua, để thúc đẩy kinh tế HTX phát triển, tỉnh đã xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện nhiều cơ chế, chính sách như: Nghị quyết số 06 ngày 19/4/2021 về một số chính sách về hỗ trợ phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021 – 2025; Nghị quyết số 69 ngày 16/12/2020 quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông – lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 – 2025; Nghị quyết số 10 ngày 19/4/2021 quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch phát triển KTTT tỉnh giai đoạn 2021 – 2025…

Cùng đó, tăng cường huy động nguồn lực xã hội để phát triển HTX; bố trí kinh phí từ nguồn Ngân sách trung ương và địa phương để hỗ trợ các địa phương thực hiện chính sách phát triển HTX; nâng cao hiệu quả các hoạt động chuyển đổi số; đổi mới khoa học, công nghệ trong sản xuất; tăng cường xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu các sản phẩm chủ lực; thực hiện lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển HTX của tỉnh để hỗ trợ tích cực cho HTX.

Nhờ có sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của tỉnh nên đến hết quý II năm 2022, toàn tỉnh thành lập được 610 HTX với 30.544 thành viên. Trong đó, các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông – lâm, ngư nghiệp trên địa bàn tỉnh chiếm khoảng 60%.

Đến thời điểm hiện tại, có khoảng 30 sản phẩm đặc sản, nổi tiếng của tỉnh được bảo hộ nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý. Hầu hết chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể do các HTX sản xuất và kinh doanh sản phẩm tại các địa phương đảm nhận.

Một số sản phẩm do các HTX tổ chức sản xuất đã xuất khẩu đến thị trường nước ngoài như: sản phẩm chè của HTX Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận, huyện Văn Chấn và của HTX Chè Tân Hương, huyện Yên Bình; sản phẩm măng tre Bát độ của HTX Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành, huyện Trấn Yên; sản phẩm quế vỏ và tinh dầu quế của HTX Dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp Công Tâm, huyện Văn Yên…

Để tiếp tục thúc đẩy các HTX tham gia chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh, thời gian tới, tỉnh ưu tiên lựa chọn các sản phẩm đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ do HTX sở hữu hoặc được trao quyền sử dụng tham gia Chương trình OCOP; đẩy mạnh đào tạo tăng cường năng lực quản trị, điều hành cho các HTX chủ sở hữu hoặc được trao quyền sử dụng nhãn hiệu; nâng cao điều kiện, tiêu chuẩn trao quyền sử dụng nhãn hiệu cho các HTX gắn với yêu cầu của thị trường.

Ngoài ra, các địa phương cần tiếp tục khai thác tối ưu lợi thế đa dạng hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các HTX; hỗ trợ HTX thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu sản phẩm trên bao bì, nhãn mác, câu chuyện sản phẩm, công cụ truyền thông gắn với các bản sắc văn hóa, lịch sử, truyền thống, cảnh quan của địa phương; kết hợp tổ chức quảng bá, giới thiệu sản phẩm được bảo hộ trong các lễ hội truyền thống của địa phương; đa dạng hóa các hình thức và thường xuyên tổ chức hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm bảo hộ để tăng cường sự quan tâm, hiểu biết của xã hội và người tiêu dùng; xây dựng liên kết tiêu thụ và quản lý sản phẩm bảo hộ sở hữu trí tuệ theo chuỗi giá trị…

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất: