Yên Bái thu hút đầu tư – bước đột phá ấn tượng- Bài cuối: Nhất quán mục tiêu, đồng bộ giải pháp

Để hiện thực hóa mục tiêu đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá của vùng trung du và miền núi Bắc bộ, Yên Bái đặt mục tiêu cụ thể mỗi năm mỗi huyện, thị phải thu hút ít nhất 2 dự án đầu tư; mỗi ngành, mỗi lĩnh vực ưu tiên thu hút ít nhất 5 dự án đầu tư và mỗi năm tỉnh thu hút 60 – 80 dự án đầu tư.


Với quan điểm thu hút đầu tư phải gắn với quan điểm và triết lý phát triển “nhanh, bền vững theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, cùng với việc nỗ lực khắc phục những tồn tại, hạn chế, tỉnh Yên Bái tập trung triển khai nhiều giải pháp mang tính đột phá để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư…

Để hiện thực hóa mục tiêu đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá của vùng trung du và miền núi Bắc bộ, tỉnh Yên Bái xác định thu hút đầu tư là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Tỉnh đặt mục tiêu cụ thể mỗi năm mỗi huyện, thị phải thu hút ít nhất 2 dự án đầu tư; mỗi ngành, mỗi lĩnh vực ưu tiên thu hút ít nhất 5 dự án đầu tư và mỗi năm tỉnh thu hút 60 – 80 dự án đầu tư.

Tuy nhiên, tỉnh Yên Bái xác định rõ: không thu hút đầu tư bằng mọi giá. Tại Hội nghị chuyên đề mới đây về thu hút đầu tư, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy nêu rõ quan điểm: thu hút đầu tư phải gắn với quan điểm và triết lý phát triển tỉnh Yên Bái “nhanh, bền vững theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc. Thu hút đầu tư phải có chương trình, kế hoạch cụ thể, chỉ tiêu rõ ràng, đồng thời phải xác định trọng tâm, trọng điểm, phấn đấu mở rộng quy mô, song phải hết sức coi trọng chất lượng và hiệu quả thu hút đầu tư…”.


Theo đó, trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái ưu tiên thu hút đầu tư các dự án có công nghệ cao, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, thân thiện với môi trường. Tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực, kinh nghiệm triển khai thực hiện các dự án đầu tư có quy mô lớn, có tính định hướng, dẫn dắt, tạo sức lan tỏa trong các lĩnh vực công nghiệp, du lịch, dịch vụ, nông nghiệp. Đồng thời kiên quyết không cấp chủ trương đầu tư cho các dự án sử dụng lãng phí tài nguyên, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Ông Luyện Hữu Chung – Bí thư Huyện ủy Văn Yên cho biết: “Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện thu hút được 14 dự án với tổng vốn đầu tư là 3.743 tỷ đồng. Hiện trên địa bàn huyện có 76 dự án được cấp chứng nhận đầu tư, chủ trương đầu tư với tổng số vốn đầu tư là 9.235 tỷ đồng, trong đó 46 dự án hoàn thành đầu tư và đi vào sản xuất, chiếm khoảng 60% dự án.

Sản xuất tấm plywood tại Công ty cổ phần Thương mại và Sản xuất Kim Gia, Khu Công nghiệp phía Nam.

Trong thời gian tới, huyện Văn Yên tập trung khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hạ tầng vào các khu, cụm công nghiệp; thu hút các dự án trong lĩnh vực công nghiệp, chế biến nông – lâm sản, chế biến khoáng sản, công nghiệp phụ trợ; các dự án tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động địa phương.

Trong đó, ưu tiên các dự án chế biến sâu các sản phẩm từ quế, trong đó tinh dầu quế và chế biến vỏ quế thành các sản phẩm đa dạng có chất lượng và giá trị kinh tế cao, đảm bảo đủ tiêu chuẩn xuất khẩu thị trường cao cấp; thu hút các dự án chế biến gỗ rừng trồng và gỗ quế, tạo ra sản phẩm gỗ thành phẩm, bán thành phẩm xuất khẩu ra thị trường trong nước và quốc tế; hình thành các hệ thống nhà máy sơ chế khoáng sản, nông – lâm sản nhằm cung cấp cho các nhà máy và các khu cụm công nghiệp của tỉnh; khuyến khích các ngành dịch vụ có giá trị tăng cao như dịch vụ vận tải, logistics kho bãi; khuyến khích thu hút đầu tư phát triển trên cơ sở các sản phẩm du lịch đặc sắc riêng có của huyện như: du lịch khám phá bản sắc văn hóa dân tộc người Dao, người Phù Lá, người Mông, du lịch sinh thái khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu…

Bên cạnh thu hút đầu tư có chọn lọc, gắn với quan điểm và triết lý phát triển tỉnh Yên Bái “nhanh, bền vững theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, tỉnh đang tích cực triển khai rất nhiều giải pháp đột phá để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư. Đó là nhanh chóng hoàn thành quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng, huyện, điều chỉnh bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các quy hoạch có liên quan như quy hoạch lâm nghiệp, khoáng sản…


Trên cơ sở đó, xây dựng danh mục dự án ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh, địa phương, ngành, các lĩnh vực. Đồng thời, tập trung ưu tiên các nguồn lực để phát triển hạ tầng và giải phóng mặt bằng. tạo quỹ đất sạch phục vụ cho thu hút đầu tư, trong đó ưu tiên phát triển hạ tầng và giải phóng mặt bằng các khu, cụm công nghiệp; phát triển hạ tầng giao thông kết nối các địa bàn, các vùng nguyên liệu.

Nghiên cứu, phân vùng trọng điểm thu hút đầu tư gắn với điều kiện, tiềm năng, lợi thế, thế mạnh của tỉnh, các vùng trong tỉnh: sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; vùng sản xuất nông – lâm nghiệp và thủy sản; hàng hóa đặc trưng; phát triển cây dược liệu; chăn nuôi đại gia súc; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch cộng đồng gắn với các danh thắng, bản sắc văn hóa dân tộc… để thu hút đầu tư.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng thực hiện đồng bộ và hiệu quả các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư của trung ương và của tỉnh, đảm bảo cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư được tiếp cận đầy đủ các chính sách, tạo động lực cho triển khai các dự án đầu tư và phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, tỉnh tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; trong đó công khai, minh bạch toàn bộ thủ tục hành chính; tiếp tục cải cách hành chính theo hướng “3 giảm”: giảm đầu mối, giảm thủ tục giải quyết, giảm thời gian chờ đợi; phấn đấu giảm 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho đến khi cấp được quyết định chủ trương đầu tư so với hiện nay.


Không chỉ thu hút các nhà đầu tư mới mà quan điểm của tỉnh là, sẽ đồng hành, hỗ trợ tích cực những nhà đầu tư hiện hữu trên địa bàn. Bởi vậy, tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình “Ngày thứ Bảy cùng dân và doanh nghiệp”, Chương trình “Cà phê doanh nhân”; thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp để nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp.

Đồng thời, duy trì các tổ công tác do các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách từng lĩnh vực trực tiếp kiểm tra, nắm bắt, rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp nhà đầu tư theo thẩm quyền.

Với tiềm năng lợi thế tài nguyên, truyền thống văn hóa và con người, khát vọng và quyết tâm đổi mới vươn lên cùng với những chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, Yên Bái đang mời gọi các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đến thăm quan, khảo sát và thực hiện đầu tư.

Golden Field Nghĩa Lộ là dự án khu đô thị thương mại – dịch vụ đầu tiên tại thị xã Nghĩa Lộ.

Hiện các ngành, địa phương đang tích cực hỗ trợ các tập đoàn, doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư trọng điểm trên địa bàn như: Dự án Khu đô thị nhà ở liền kề tại phường Yên Ninh do Tập đoàn Eurowindow làm chủ đầu tư; Dự án đầu tư Công viên Văn hóa, Thể thao, Du lịch và phụ trợ hồ Thác Bà… Xem thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh, Yên Bái thực sự sẽ là điểm đến hấp dẫn và an toàn đối với các nhà đầu tư.

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất: