Yên Bái thu hút đầu tư – bước đột phá ấn tượng – Bài 2: Nhận diện những khó khăn, tồn tại

Mặc dù công tác thu hút đầu tư đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng, song trong thực tế vẫn còn những khó khăn, tồn tại khiến số lượng dự án đầu tư được triển khai chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Vì vậy, trong thời gian tới Yên Bái cần tập trung tháo gỡ khó khăn và giải quyết các điểm nghẽn về thu hút đầu tư.


Nhờ tiềm năng, lợi thế sẵn có và nỗ lực của các cấp, các ngành trong cải thiện môi trường đầu tư theo hướng thuận lợi, thông thoáng, công tác thu hút đầu tư của tỉnh Yên Bái đã có nhiều chuyển biến tích cực. Yên Bái hiện là điểm dừng chân của gần 3.000 doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế với 600 dự án, “hút” một lượng vốn lớn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.


Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận quy mô, chất lượng một số dự án chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Dù được đánh giá có nhiều tiềm năng lớn trong phát triển nông – lâm nghiệp, song nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực này còn rất hạn chế. Đến nay, ngành nông – lâm nghiệp, thủy sản thu hút được 47 dự án, tổng vốn đăng ký 5.245,7 tỷ đồng và 78,6 triệu USD, chiếm 7,8% số dự án, 19,4% tổng vốn đầu tư.

Ông Nguyễn Thái Bình – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Bái cho biết: “Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn tỉnh mới có 8 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đã được cấp chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, chủ yếu các nhà đầu tư nhỏ, quy mô nhỏ, chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn, doanh nghiệp lớn vào lĩnh vực nông – lâm nghiệp và thủy sản, đặc biệt các doanh nghiệp “đầu tàu” có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường dẫn dắt chuỗi giá trị để nâng cao giá trị sản phẩm nông – lâm nghiệp. Khó khăn nhất là các dự án đòi hỏi quỹ đất rất lớn, trong khi đó quỹ đất của tỉnh chủ yếu là đất lâm nghiệp và đất lúa, thế nhưng việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc”.

Ở góc độ địa phương, ông Mai Mộng Tuân – Bí thư Huyện ủy Văn Chấn cho biết: Huyện xác định thu hút đầu tư là nhiệm vụ rất quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trên địa bàn thu hút được 14 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 2.042 tỷ đồng, lĩnh vực nông – lâm nghiệp 5 dự án với tổng vốn đầu tư 209 tỷ đồng; lĩnh vực công nghiệp 7 dự án, tổng mức đầu tư 1.395 tỷ đồng; lĩnh vực du lịch 2 dự án, tổng mức đầu tư 438 tỷ đồng.


Tuy nhiên, các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông – lâm nghiệp – lĩnh vực được xác định thế mạnh của huyện, song mới chỉ thu hút được các dự án chăn nuôi là chính mà các dự án này có phần ảnh hưởng đến môi trường, tạo ra công ăn việc làm ít và gần như không có sự đóng góp vào ngân sách của địa phương.

Lĩnh vực công nghiệp chủ yếu là các dự án khai thác khoáng sản và đầu tư thủy điện, cũng chưa có dự án nào đầu tư vào chế biến nông – lâm sản có quy mô lớn, chất lượng cao như gỗ rừng trồng, cây ăn quả, sản phẩm chăn nuôi.

Hạn chế nữa là hệ thống quy hoạch trên địa bàn chưa đầy đủ và thiếu sự đồng nhất giữa quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch chung xây dựng xã, thị trấn dẫn đến gây khó khăn cho nhà đầu tư. Hiện trên địa bàn có Cụm công nghiệp Sơn Thịnh,\ song chưa đầu tư hoàn chỉnh, kém hấp dẫn nhà đầu tư; năng lực của một số nhà đầu tư còn hạn chế dẫn đến triển khai dự án kéo dài không đảm bảo tiến độ đề ra.

Theo ông Trần Nhật Tân – Bí thư Huyện ủy Trấn Yên, ngay từ đầu nhiệm kỳ, địa phương đã xây dựng và ban hành các nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển nông nghiệp, công nghiệp, đô thị, dịch vụ và nguồn nhân lực; điều chỉnh quy hoạch về sử dụng đất, quy hoạch chung, chi tiết, các chương trình phát triển đô thị, đầu tư cơ sở hạ tầng làm cơ sở tiền đề cho thu hút đầu tư vào lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của huyện; chủ động phối hợp với các sở, ngành trong các hoạt động xúc tiến đầu tư, tuyên truyền quảng bá tiềm năng, thế mạnh của huyện để thu hút đầu tư.

Do vậy, công tác thu hút đầu tư đạt kết quả tích cực, môi trường đầu tư kinh doanh đã được cải thiện, việc thu hút đầu tư đã góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế và động lực đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, trên địa bàn huyện Trấn Yên có 12 dự án cấp mới chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư là 193 tỷ đồng. Đến nay, huyện có 85 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 12 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, công tác thu hút đầu tư trên địa bàn huyện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh địa phương; mặt bằng sạch và hạ tầng kỹ thuật các khu cụm công nghiệp còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu.


Đúng như nhìn nhận từ các địa phương, thực tế hiện nay gây khó trong công tác thu hút đầu tư là quy hoạch chưa theo kịp thực tế nên nhiều dự án muốn triển khai được phải điều chỉnh quy hoạch, tốn thêm nhiều thời gian. Hệ thống quy hoạch hiện nay chưa đầy đủ (quy hoạch tỉnh đang lập; quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia đang lập).

Còn có sự chưa đồng bộ giữa các quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, các quy hoạch chuyên ngành nên việc thực hiện thủ tục đầu tư còn gặp nhiều khó khăn và tốn nhiều thời gian; chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý để các nhà đầu tư đề xuất dự án, đặc biệt là các dự án bất động sản, khu du lịch. Kế hoạch sử dụng đất hàng năm cũng như việc đền bù giải phóng mặt bằng tái định cư tạo quỹ đất sạch kêu gọi đầu tư của tỉnh còn nhiều khó khăn, thực hiện chưa đồng bộ, dẫn đến việc triển khai các dự án đầu tư chậm.

Nhìn nhận vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Trúc – Chủ tịch UBND thành phố Yên Bái cho biết: “Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, ngoài các dự án của tỉnh về phát triển đô thị tại thành phố thu hút được 9 dự án đầu tư, trong đó có 4 dự án đi vào triển khai hoạt động, 5 dự án trong quá trình giải phòng mặt bằng. Khó khăn lớn nhất trong quá trình triển khai là công tác giải phóng mặt bằng”.

Là địa bàn trung tâm của tỉnh, được tỉnh quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng hết sức thuận lợi rồi, vậy nhưng hiện không có mặt bằng sạch nên khó hấp dẫn các nhà đầu tư. Thời gian tới, cùng với tiếp tục công tác xúc tiến đầu tư, tăng cường quảng bá tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thành phố sẽ cố gắng cân đối trong điều kiện cho phép để bố trí nguồn lực nhất định trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo mặt bằng sạch thu hút nhà đầu tư.


Một khó khăn nữa trong thu hút đầu tư là tại các cụm, khu công nghiệp chưa đảm bảo các quỹ đất sạch theo quy hoạch đã duyệt của các khu, cụm công nghiệp. Cơ sở hạ tầng còn hạn chế, chưa được đầu tư hoàn thiện, chưa đồng bộ, đặc biệt là hệ thống đường giao thông, cấp thoát nước, điện và xử lý chất thải… nên chưa đáp ứng được yêu cầu hoạt động đầu tư, sản xuất của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh có 3 khu công nghiệp với diện tích khoảng 620 ha. Theo đánh giá, tốc độ đầu tư vào khu công nghiệp tăng hơn so với trước, tuy nhiên sức thu hút nhà đầu tư còn chậm. Hiện nay, tại các khu công nghiệp chưa có nhà đầu tư sơ cấp đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng nên mọi hoạt động tại đây đều phải đầu tư từ ngân sách Nhà nước.

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đồng bộ. Trong ảnh: Một góc Khu công nghiệp Minh Quân, huyện Trấn Yên.

Đồng thời, do Yên Bái chưa có đủ kinh phí để giải phóng mặt bằng cho toàn bộ khu công nghiệp nên các nhà đầu tư còn cân nhắc khi đầu tư vào đây, vì khi đến, họ phải ứng vốn ra để giải phóng mặt bằng. Để các dự án đi vào hoạt động đòi hỏi chi phí rất lớn. Điều này khiến cho các khu công nghiệp thiếu sức hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư.

Một thực tế nữa là hiện nay, đội ngũ cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư còn thiếu về số lượng, tính chuyên nghiệp chưa cao; đầu tư cho công tác xúc tiến đầu tư chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ; một số chính sách Nhà nước thay đổi thường xuyên, không thống nhất, chồng chéo… gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Bên cạnh những điểm nghẽn kể trên, khách quan nhìn nhận năng lực của một số nhà đầu tư còn yếu kém. Có dự án xây dựng dở dang rồi để đó, có dự án xin cấp giấy chứng nhận chủ trương đầu tư rồi liên tục điều chỉnh thời gian thực hiện, xin gia hạn với nhiều lý do. Đặc biệt, vẫn còn những dự án tồn đọng và không có hoạt động đầu tư theo chủ trương đầu tư đã được cấp, phần nào gây bức xúc trong nhân dân.

Điển hình như dự án sản xuất linh kiện điện tử EDGEGLASS khởi công tháng 2/2018. Nhà máy này có tổng vốn đầu tư 4.994 tỷ, do 3 công ty TNHH của Hàn Quốc: PNTECH, KUMYOUNGENG và TRUWIN đầu tư, được xây dựng trên diện tích 6,5 ha, dự kiến có doanh thu 800 triệu USD/năm, tạo việc làm cho 3.000 lao động, mỗi năm sản xuất trên 50 triệu sản phẩm, dự kiến tới cuối tháng 10/2018 nhà máy sẽ đi vào vận hành thử. Thế nhưng, đến nay nhà máy này chỉ là bãi đất trống.

Trước thực trạng trên, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo tăng cường việc kiểm tra, rà soát, kiên quyết xử lý chấm dứt hoạt động, thu hồi chủ trương đầu tư đối với các dự án chậm tiến độ không đảm bảo như cam kết.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh Yên Bái đã rà soát, kiên quyết xử lý chấm dứt hoạt động, thu hồi chủ trương đầu tư 27 dự án, trong đó có 2 dự án FDI. Qua đó đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư; tạo môi trường đầu tư trong sạch, bình đẳng giữa các doanh nghiệp; tạo cơ hội và tiềm năng thu hút các nhà đầu tư có đảm bảo năng lực theo đúng định hướng phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 650539
  • Truy cập hôm nay: 141
  • Đang trực tuyến: 4