Yên Bái: Thêm “điểm tựa” cho doanh nghiệp vượt khó

Thực hiện Nghị định số 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 19/4/2021 về việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 (viết tắt là Nghị định 52), Cục Thuế tỉnh Yên Bái đã triển khai chính sách này bảo đảm kịp thời, hiệu quả, góp phần giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Ngành Thuế tỉnh luôn tạo thuận lợi cho người nộp thuế.
Ngành Thuế tỉnh luôn tạo thuận lợi cho người nộp thuế.

Ông Nông Xuân Hùng – Cục trưởng Cục Thuế tỉnh chia sẻ: Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 52, Cục Thuế tỉnh đã chỉ đạo các phòng chức năng và các chi cục thuế khu vực đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin đầy đủ, chi tiết để người nộp thuế (NNT) được biết và thụ hưởng chính sách này. 

Các chi cục thuế hỗ trợ, hướng dẫn NNT cách thức, thủ tục gửi giấy đề nghị gia hạn đến cơ quan thuế bảo đảm thuận lợi, kịp thời. Các bộ phận chức năng chủ động phân loại, lập danh sách NNT được gia hạn theo các nhóm đối tượng quy định tại Nghị định số 52; tổ chức rà soát, đối chiếu, kiểm tra xác định đúng đối tượng khi NNT nộp hồ sơ gia hạn. 

Trên cơ sở đó, thực hiện các thủ tục gia hạn theo đúng quy định, không để sai sót. Ngành thuế Yên Bái chủ động xây dựng các giải pháp quản lý rủi ro, có biện pháp giám sát nhằm tránh tình trạng trục lợi chính sách. Tính từ khi  trong nước xuất hiện dịch Covid-19, đây là lần thứ hai NNT được hưởng chính sách ưu đãi của Chính phủ về gia hạn thuế và tiền thuê đất. 

Năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất (Nghị định số 41). So với Nghị định số 41, Nghị định số 52 có nhiều điểm mới, tạo nhiều cơ hội hơn cho NNT được tiếp cận với chính sách ưu đãi của Chính phủ để vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 như: bổ sung thêm nhiều lĩnh vực được hưởng ưu đãi (xuất bản; điện ảnh, sản xuất chương trình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; lập trình máy tính, dịch vụ tư vấn và các hoạt động khác liên quan đến máy tính; sản xuất mô tô, xe máy; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị); có thủ tục đơn giản hơn, NNT chỉ nộp giấy đề nghị gia hạn 1 lần cho toàn bộ các kỳ gia hạn và các sắc thuế được gia hạn; NNT có thể nộp hồ sơ gia hạn bằng phương thức điện tử thông qua các ứng dụng thuế của cơ quan thuế hoặc thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia (đối với NNT là hộ gia đình, cá nhân chưa có tài khoản giao dịch điện tử về thuế). Theo quy định của Nghị định số 52, thời hạn chậm nhất để NNT gửi giấy đề nghị gia hạn là ngày 30/7/2021.

Để được gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất, NNT phải nộp đủ các khoản tiền thuế, tiền thuê đất đã được gia hạn nộp thuế theo Nghị định số 41 của Chính phủ và tiền chậm nộp phát sinh tương ứng (nếu có) vào ngân sách Nhà nước trước ngày 30/7/2021.

Nghị định số 52 quy định cụ thể: Đối với các doanh nghiệp, tổ chức đáp ứng theo quy định thì được gia hạn 5 tháng đối với số thuế GTGT từ tháng 3 đến tháng 6/2021 (đối với trường hợp kê khai thuế GTGT theo tháng) và quý I, quý II năm 2021 (đối với trường hợp kê khai thuế GTGT theo quý); gia hạn 4 tháng đối với số thuế GTGT tháng 7/2021, gia hạn 3 tháng đối với số thuế GTGT tháng 8/2021.

Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, gia hạn 3 tháng đối với số thuế tạm nộp của quý I, quý II kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 của doanh nghiệp, tổ chức thuộc đối tượng được quy định.

Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thì gia hạn thực hiện nộp thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân đối với số tiền thuế phát sinh phải nộp năm 2021 (thời gian gia hạn chậm nhất là 31/12/2021). Nghị định 52 cũng quy định gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất đối với số tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2021 của doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân thuộc đối tượng quy định, thời gian gia hạn là 6 tháng kể từ ngày 31/5/2021.

Như vậy, cho thấy việc giãn thời gian nộp thuế, hoãn nộp các khoản thuế sẽ giúp doanh nghiệp, NNT giảm áp lực tài chính, dành tiền vốn tái đầu tư để vượt qua khó khăn. Bản chất của Nghị định số 52 đó là không miễn, không giảm thuế mà chỉ là tạm lùi thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, là trợ sức giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn phát sinh trước mắt. Vì thế, sau khi hết thời hạn gia hạn, NNT vẫn phải hoàn thành đầy đủ số tiền thuế được gia hạn theo đúng quy định.

Điều này, có thể sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách nếu như NNT không có phương án, chiến lược kinh doanh hiệu quả, cuối năm không bảo đảm nghĩa vụ nộp thuế. Do đó, đòi hỏi các cơ quan thuế ngoài việc tăng cường tuyên truyền để NNT nắm rõ về thời hạn gia hạn các loại thuế và tiền thuê đất, trình tự, thủ tục gia hạn, cần nhấn mạnh về bản chất của Nghị định số 52 để NNT hiểu về sự ưu việt của chính sách. Trên cơ sở đó, có phương án kinh doanh phù hợp, bảo đảm nguồn lực tài chính để chi trả đầy đủ, kịp thời các loại thuế sau khi hết thời hạn gia hạn. 

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất: