Thành phố Yên Bái: Tăng cường quản lý các doanh nghiệp xây dựng, tư vấn, khảo sát thiết kế

Những năm gần đây, hoạt động xây dựng phát triển mạnh trên địa bàn thành phố Yên Bái, nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh tham gia hoạt động xây dựng ngày càng tăng, đóng góp nguồn thu cho ngân sách Nhà nước (NSNN). Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình thực hiện thu thuế đối với hoạt động này còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ dự án kè chống sạt lở sông Hồng đoạn qua khu vực đền Tuần Quán, thành phố Yên Bái.
Các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ dự án kè chống sạt lở sông Hồng đoạn qua khu vực đền Tuần Quán, thành phố Yên Bái.

Riêng 9 tháng năm 2021, thành phố có 9 doanh nghiệp (DN) ngừng, nghỉ, giải thể; 6 DN thành lập mới; 135 DN không phát sinh thuế; 171 DN phát sinh thuế phải nộp thuế 9 tháng với số thuế phát sinh là 77 tỷ đồng. Trong đó, quốc doanh là 16 tỷ đồng, ngoài quốc doanh là 61 tỷ đồng, giảm 2,5% so với cùng kỳ; số thuế đã nộp là 48,5 tỷ đồng (quốc doanh 9,5 tỷ đồng, ngoài quốc doanh là 39 tỷ đồng), tăng 4% so với cùng kỳ. 

Cùng với những ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid -19, các DN xây dựng còn đối mặt với một khó khăn khác: giá cả vật liệu tăng đột biến, đặc biệt là giá thép tăng cao đã ảnh hưởng lớn tới chi phí sản xuất. Cụ thể, tỷ trọng chi phí thép xây dựng trong tổng giá trị công trình chiếm khoảng 20%, tùy quy mô và loại hình xây dựng. 

Theo Cục Thống kê, đến tháng 8/2021, giá vật liệu xây dựng tăng khoảng 30%, có loại thép đã tăng tới 40 – 45% so thời điểm cuối năm 2020. Ngoài ra, cát và đá tăng giá từ 15 – 20%, gạch xây dựng tăng 10%, xi măng, gạch ốp lát và bê tông tăng khoảng từ 5 – 10%. 

Giá nguyên vật liệu tăng vọt đã ảnh hưởng rất lớn đến các DN, nhà thầu xây dựng bởi chi phí xây dựng tăng sẽ làm giảm lợi nhuận, thậm chí nhiều đơn vị thua lỗ. Với những công trình thực hiện bằng nguồn vốn NSNN, hợp đồng trọn gói, đơn giá cố định, khi giá cả thị trường của vật liệu xây dựng tăng cao khiến các DN xây dựng thực sự gặp rất nhiều khó khăn, rơi vào tình trạng làm thì lỗ, không làm thì vi phạm hợp đồng đã ký với chủ đầu tư, nhiều DN phải tạm giãn tiến độ thi công để xem xét biến động giá cả thị trường. 

Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên nhiều tỉnh, thành phố nằm trong vùng đỏ, vùng vàng nên rất khó khăn trong việc vận tải, giữ giá cước vận tải… dẫn đến không có khối lượng nghiệm thu để thanh toán. Thực tế, kết quả kinh doanh của một số công ty xây dựng lớn đã giảm trong quý II/2021,  nhất là khối DN quốc doanh. 

Đánh giá về thu ngân sách đối với các DN hoạt động xây dựng, tư vấn, khảo sát, thiết kế, ông Trần Quốc Toản – Chi cục trưởng Chi cục Thuế thành phố cho biết: Tổng doanh thu 9 tháng năm 2021 của các DN xây dựng trên địa bàn thành phố là 2.092 tỷ đồng, bằng 98% so với cùng kỳ. Trong đó có 81 DN có doanh thu tăng từ 3 – 7%, có 58 DN có doanh thu giảm từ 1 – 3% và 32 DN có doanh thu gần tương ứng so với năm 2020. Ước doanh thu cả năm 2021 của các DN xây dựng, khảo sát, tư vấn, thiết kế là 2.935 tỷ đổng, tăng 6% so với năm 2020. 

Như vậy, tổng thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào 9 tháng năm 2021 là 131 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ; tổng thuế GTGT đầu ra 9 tháng là 210,3 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ; tổng thuế GTGT phải nộp 9 tháng là 77 tỷ đồng, bằng 97,4% so với cùng kỳ. Số thuế thu nhập DN phát sinh đã nộp 9 tháng năm 2021 là 2,7 tỷ đồng, bằng 123% so với cùng kỳ (DN quốc doanh 795 triệu đồng; ngoài quốc doanh là 1,9 tỷ đồng); ước tổng nộp NSNN năm 2021 khối DN xây dựng là 81 tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm 2020 (78 tỷ đồng).

Để thu đúng, thu đủ, kịp thời đối với các DN xây dựng, tư vấn, khảo sát, thiết kế, từ nay đến cuối năm, Chi cục Thuế thành phố sẽ phối hợp với Ban Quản lý Dự án đầu tư và xây dựng thành phố và các chủ đầu tư thực hiện thu nợ trước khi giải ngân thanh toán đối với các trường hợp chây ì, dây dưa nợ đọng tiền thuế (nếu có); đề xuất với UBND thành phố ưu tiên giải ngân đối với các DN chấp hành tốt chế độ, chính sách, phát sinh số thuế phải nộp lớn để kịp thời nộp vào NSNN.

Đồng thời, chủ động nắm bắt, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình tài chính, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN thuộc phạm vi ảnh hưởng của dịch bệnh; tập trung hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền để giải quyết vướng mắc cho DN, ổn định sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn thu bền vững cho NSNN; nắm chắc các công trình dự kiến nghiệm thu, tiến độ giải ngân, dự kiến phát sinh số thuế phải nộp để chủ động xây dựng và thực hiện dự toán.

Bên cạnh đó tăng cường quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, rà soát phân loại nợ thuế; tập trung quyết liệt trong quản lý thu nợ đọng thuế, thực hiện giao chỉ tiêu thu nợ đến đội thuế, công chức thuế; thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện, đảm bảo đạt chỉ tiêu thu nợ được giao làm căn cứ bình xét thi đua…

Chi cục Thuế thành phố đang theo dõi, quản lý 306 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, tư vấn, khảo sát, thiết kế, chiếm 36% trên tổng số doanh nghiệp đang quản lý. Trong đó có 18 DN quốc doanh, 288 DN ngoài quốc doanh. 


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 600328
  • Truy cập hôm nay: 320
  • Đang trực tuyến: 4