Năm 2024, toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo nghề cho 20.716; giải quyết việc làm cho 22.970 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo của toàn tỉnh đạt 69,1%.
Triển khai thực hiện Kế hoạch số 39/KH-UBND ngày 07/02/2024 của UBND tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành các văn bản triển khai thực hiện, kế hoạch kiểm tra, giám sát tại các các huyện, thị xã, thành phố về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp; đồng thời đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện đổi mới phương thức đào tạo, tuyển sinh, tổ chức đào tạo linh hoạt, hiệu quả; tiếp tục triển khai tuyển sinh, đào tạo học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở theo mô hình vừa học nghề, vừa học văn hóa trung học phổ thông. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với các địa phương, các trường tổ chức tư vấn hướng nghiệp – tuyển sinh – việc làm năm 2024, Ngày hội việc làm tại các huyện, thị xã, thành phố; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp, tăng cường hoạt động liên kết, phối hợp với doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo nghề, thực hành, thực tập; đào tạo gắn với việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động.
Các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động được giao; cụ thể hóa thành các kế hoạch chi tiết xuống các xã, phường, thị trấn để triển khai thực hiện chỉ tiêu về đào tạo nghề, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động năm 2024; chú trọng công tác tuyển sinh học nghề; hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tuyên truyền, hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế; tư vấn giải quyết việc làm.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tích cực tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, qua đó tạo thuận lợi trong quá trình tuyển sinh đào tạo, thu hút học sinh học nghề ở các cấp trình độ; thực hiện kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để liên kết, phối hợp trong công tác đào tạo nghề về thực hành, thực tập và tuyển dụng sau khi tốt nghiệp tại các trường.
Các doanh nghiệp đã phối hợp, cung cấp thông tin về nhu cầu đào tạo, nhu cầu tuyển dụng, ngành nghề tuyển dụng cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trả công cho nhà giáo, học sinh, sinh viên khi tham gia thực tập, thực hành tại doanh nghiệp và làm ra sản phẩm, tạo ra hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp; ký hợp đồng tuyển dụng học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường.
Năm 2024, toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 20.716 người (đạt 115,1% kế hoạch, tăng 0,9% so với năm 2023); trong đó: Cao đẳng 1.751 người, trung cấp 3.235 người, trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng 15.730 người (trong đó hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 2.723 người).
Tỷ lệ lao động qua đào tạo của toàn tỉnh hết năm 2024 đạt 69,1%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ đạt 38,4%.
Giải quyết việc làm cho 22.970 lao động (đạt 114,9% kế hoạch, tăng 0,43% so với năm 2023); trong đó từ chương trình phát triển kinh tế xã hội 10.099 người, vay vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm 3.387 người, xuất khẩu lao động 901 người, cung ứng lao động tỉnh ngoài 8.583 người.
Chuyển dịch được 8.206 lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp (đạt 117,2% kế hoạch, tăng 1,4% so với năm 2023); lĩnh vực chuyển dịch chủ yếu gồm: sản xuất công nghiệp, xây dựng, du lịch, kinh doanh, bán hàng… Tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản là 51,95% (giảm 1,91% so với năm 2023); lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ là 48,05%.
Năm 2025, tỉnh đề ra mục tiêu giải quyết việc làm cho 20.000 lao động. Tuyển mới đào tạo nghề 18.000 người, trong đó: Trình độ cao đẳng 2.100 người; Trình độ trung cấp 3.000 người; Trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 12.900 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70,2%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ đạt 40,1%. Chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp 7.000 người.
Để đạt được mục tiêu đề ra, các nhiệm, giải pháp được đưa ra gồm: Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức đoàn thể trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động; thực hiện tốt công tác hướng nghiệp phân luồng, tuyển sinh học sinh từ THCS và THPT vào học nghề trình độ cao đẳng, trung cấp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động.
Khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp; khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, nhất là đầu tư thành lập các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng lao động nông thôn, lao động người dân tộc thiếu số và chuyển dịch cơ cấu lao động; chú trọng đào tạo nghề cho lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, đào tạo nghề cho lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tăng cường tổ chức các lớp đào tạo nghề theo nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở lĩnh vực phi nông nghiệp gắn với quy hoạch phát triển ngành nghề, lĩnh vực, nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với định hướng phát triển của từng địa phương và yêu cầu tạo việc làm sau đào tạo
Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền bằng các hình thức phù hợp qua các phương tiện thông tin đại chúng, ấn phẩm; thực hiện công tác đào tạo nghề, ngoại ngữ, tạo nguồn lao động để đưa đi xuất khẩu lao động ở các thị trường có thu nhập cao, ổn định; phù hợp với trình độ, kỹ năng của người lao động.
Thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế – xã hội, chính sách thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn vào phát triển công nghiệp, du lịch và dịch vụ nhằm thu hút, tuyển dụng, sử dụng nguồn lao động tỉnh, góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập, tạo việc làm bền vững cho người lao động trên địa bàn tỉnh.
Theo Cổng TTĐT tỉnh