Yên Bái từng bước hoàn thiện hạ tầng số

Trong 6 tháng đầu năm, Yên Bái đã hoàn thành xóa 39 vùng “lõm” sóng, “trắng” sóng 3G, 4G; hạ tầng mạng cố định băng rộng được phủ tới 100% xã/phường, thị trấn; dịch vụ mạng di động 4G được phủ sóng trên 98,5% thôn, bản, tăng 0,7% so với năm 2023.

Đội ngũ cán bộ ở xã vùng cao Lao Chải, huyện Mù Cang Chải đã được trang bị máy tính kết nối mạng phục vụ công việc.

Mức độ, tốc độ, hiệu quả xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của hạ tầng số. Với quyết tâm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, việc xây dựng hạ tầng số theo hướng mở với chất lượng tốt, an toàn, tỉnh Yên Bái đã có nhiều nỗ lực, giải pháp để chỉ đạo, khuyến khích mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp viễn thông tham gia đầu tư, mở rộng hạ tầng, mạng lưới, phổ cập Internet băng rộng, đặc biệt là mở rộng đến các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, bảo đảm mọi người dân đều được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ số tiên tiến với chất lượng cao, giá cước phù hợp.

Tỉnh đã tổ chức cho các doanh nghiệp viễn thông đăng ký và ký cam kết thực hiện các phần việc như: xóa vùng trắng sóng, lõm sóng; thanh thải, bó gọn cáp viễn thông; chia sẻ hạ tầng viễn thông thụ động; lắp đặt đường truyền mạng Internet và trợ giá cước dịch vụ cho các nhà văn hóa thôn, bản từ 230 nghìn đồng/tháng xuống còn 100 nghìn đồng/tháng…

Đồng thời, đề nghị bổ sung các thôn “trắng” sóng di động chưa có trong danh sách được thụ hưởng chương trình, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực viễn thông nhằm cung dịch vụ thông tin liên lạc với chi phí hợp lý và tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến.

Đến nay, toàn tỉnh đã có tổng số 228 điểm phục vụ bưu chính. 100% xã có điểm bưu chính có người phục vụ, trong đó có 142 điểm phục vụ bưu chính đảm bảo cung ứng dịch vụ bưu chính công ích, đảm nhận một phần công việc trong quá trình hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Yên Bái đã hoàn thành xóa 39 vùng “lõm” sóng, “trắng” sóng 3G, 4G; hạ tầng mạng cố định băng rộng được phủ tới 100% xã/phường, thị trấn; dịch vụ mạng di động 4G được phủ sóng trên 98,5% thôn, bản, tăng 0,7% so với năm 2023. Chất lượng dịch vụ Internet tại khu đô thị, khu công nghiệp, điểm du lịch, khu tập trung dân cư được cải thiện đảm bảo tốc độ tối thiểu 40 Mbps.

Mạng di động 4G hiện nay đã được phủ sóng tới 98,5% thôn, bản trên toàn tỉnh, phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân.

Anh Sùng A Chư ở bản Pú Vá, xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải chia sẻ: “Tháng 5 vừa qua, người dân chúng tôi rất phấn khởi, vui mừng khi được Nhà nước quan tâm đầu tư cho 1 trạm phát sóng để có sóng di động và truy cập được mạng Internet. Bao năm tù mù như được khai sáng vậy, người dân trong bản đã dễ dàng kết nối được với bạn bè người thân, với chính quyền địa phương. Tôi cũng sẽ khai thác hiệu quả thông tin trên mạng Internet để áp dụng phát triển mô hình chăn nuôi của gia đình để nhanh chóng thoát nghèo”.

Cùng với hạ tầng bưu chính, viễn thông, hạ tầng công nghệ thông tin cũng được quan tâm đầu tư, xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và sẵn sàng cho các mục tiêu chuyển đổi số. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến triển khai tại 210 điểm cầu, kết nối từ Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh đến Văn phòng cấp huyện và được mở rộng đến 173 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, vừa nâng cao khả năng tiếp cận thông tin, vừa hạn chế thời gian, chi phí đi lại cho cơ sở. 100% các cơ quan Nhà nước có hệ thống mạng LAN, kết nối Internet băng thông rộng; 93/173 đài truyền thanh cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông; tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan Nhà nước được trang bị máy tính phục vụ công việc tại cấp tỉnh đạt 100%, cấp huyện đạt 99,08% (tăng 0,4% so với năm 2023), cấp xã đạt 94,46% (tăng 10% so với năm 2023).

Tỉnh cũng đang tiếp tục triển khai Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số cho cơ quan Nhà nước với các hạng mục lắp đặt mạng LAN, trang thiết bị công nghệ thông tin cho 10 sở, ngành, 9 huyện, thị xã, thành phố và 71 xã, phường, thị trấn. Nền tảng liên thông tích hợp (LGSP) kết nối, chia sẻ với 23 cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương qua trục liên thông dữ liệu (LGSP) của tỉnh. Các đường truyền số liệu, kênh truyền dẫn đều được đảm bảo ổn định và thông suốt.

Có thể khẳng định, hạ tầng số của tỉnh đang từng bước hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu phát triển của chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Dự kiến đến hết năm 2024, toàn tỉnh sẽ có 57 trạm phát sóng 5G, 80% nhà văn hóa có mạng Internet, tỷ lệ điện thoại/100 dân ước đạt 83%, trong đó có khoảng 85% thuê bao điện thoại sử dụng điện thoại thông minh; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng dịch vụ truyền hình và các dịch vụ hạ tầng, ứng dụng số có trả phí đạt 60%…

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 650822
  • Truy cập hôm nay: 424
  • Đang trực tuyến: 2