Yên Bái thu hút 20 dự án chế biến nông lâm, thủy sản

Trong 3 năm qua (từ 2021 – 2023), tỉnh Yên Bái đã thu hút được 20 dự án vào lĩnh vực chế biến nông lâm, thủy sản với tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác thăm Nhà máy ươm tơ tự động của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái đóng tại thôn Làng Qua, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên.

Trong số đó có một số dự án lớn như: Dự án chế biến gỗ xuất khẩu Yên Bái của Công ty cổ phần JUNMA Yên Bái, công suất 100.000m³/năm; Dự án đầu tư nhà máy sản xuất ván sàn SPC và các sản phẩm chế tạo từ gỗ, công suất ván sàn nhựa 2 triệu m²/năm, ván lát sàn gỗ 800.000m², đồ gỗ nội thất 250.000 bộ/năm của Công ty TNHH Một thành viên China Qiuanfu Wood Co.limitted; Dự án đầu tư Nhà máy sản xuất giấy Kiến Phát công suất 25.000 tấn sản phẩm/năm; Dự án đầu tư Nhà máy sản xuất đồ gỗ nội thất công suất 400.000 bộ tủ bếp/năm của Công ty TNHH Xinghua Hồng Kông; Dự án đầu tư Nhà máy sản xuất viên nén nhiên liệu công suất 168.000 tấn sản phẩm/năm, ván ghép thanh 28.000 m3/năm của công ty TNHH Đầu tư lâm nghiệp Hòa Phát.

Cùng đó là Dự án đầu tư Nhà máy sản xuất tủ bếp công suất 100.000 bộ/năm, của Công ty TNHH sản xuất Mộc Viên; Dự án đầu tư Nhà máy sản xuất ván ghép thanh có công suất tương đương 36.000m3/năm, sản xuất viên nén gỗ công suất 60.000 tấn/năm của Công ty cổ phần Lâm nghiệp Hòa Phát; Dự án đầu tư Nhà máy sản xuất đồ gỗ nội thất 5.000 tấn/năm, sản phẩm viên nén nhiên liệu 100.000 tấn/năm của Công ty TNHH chế biến gỗ Mai Lâm Yên Bái; Nhà máy chế biến măng Yamazaki Việt Nam có công suất 500 tấn măng muối lên men và 150 tấn măng khô/năm…

Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thủy sản, thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã từng bước cơ cấu lại và phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, nâng cao chất lượng nguyên liệu; đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, rừng có chứng chỉ FSC; thâm canh tăng năng suất và chất lượng các sản phẩm chè, sắn, quế, măng tre… tạo nguồn nguyên liệu ổn định.

Đồng thời, tỉnh thu hút và hoàn thành đầu tư một số nhà máy chế biến gỗ công nghệ cao, sản xuất một số sản phẩm mới tơ tằm, viên nén gỗ). Một số doanh nghiệp chủ động trong đầu tư cải tạo dây chuyền sản xuất, nâng cao được sản lượng, chất lượng sản phẩm sản xuất một số sản phẩm chủ lực theo mô hình liên kết chuỗi: chè, quế, măng tre, gỗ, dược liệu, dâu tơ tằm, sơn tra…. tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động công nghiệp, phát triển các vùng nguyên liệu trong nông thôn tạo việc làm, thu nhập cho nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới, đóng góp quan trọng cho ngân sách địa phương.

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 668609
  • Truy cập hôm nay: 618
  • Đang trực tuyến: 9