Tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, thị trường biến động, đơn hàng sụt giảm đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của các doanh nghiệp (DN). Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho tăng trưởng tín dụng (TTTD) của ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh Yên Bái chưa như kỳ vọng…
Năm 2023, ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh đặt mục tiêu TTTD đối với nền kinh tế từ 14% trở lên. Để thúc đẩy TTTD, hỗ trợ các thành phần kinh tế tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy kinh tế – xã hội của địa phương, ngành ngân hàng tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ vốn.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại giảm từ 0,5 – 2%/năm so với năm trước. Lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên của các chi nhánh ngân hàng ở mức 4%/năm; cho vay ngắn hạn SXKD từ 7,0%/năm đến 11,5%/năm; cho vay trung, dài hạn ở mức từ 8,7%/năm đến 13,05%/năm; cho vay tiêu dùng ở mức từ 8,0%/năm đến 14,8%/năm.
Đồng thời, với giảm lãi suất, NHNN Chi nhánh tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách tín dụng tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Trong đó, tiếp tục có giải pháp đẩy mạnh giải ngân theo Chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ, gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản và tích cực triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo đúng quy định tại Thông tư số 02/2023/TT-NHNN.
Theo số liệu của NHNN, đến 31/10/2023, các ngân hàng trên địa bàn đã hỗ trợ lãi suất cho 6 khách hàng với dư nợ là 97,8 tỷ đồng, số tiền lãi được hỗ trợ là 660 triệu đồng, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất từ đầu chương trình là 186,6 tỷ đồng; hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay nhà ở xã hội đạt 67 tỷ đồng; cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến đạt 16,4 tỷ đồng; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập đạt 0,2 tỷ đồng; các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với 19 lượt khách hàng với tổng dư nợ (gốc, lãi) được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ là 103.67 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các ngân hàng giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ DN phục hồi và phát triển SXKD; liên tục triển khai các gói tín dụng ưu đãi, đưa ra các chương trình giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng hiện hữu.
Ông Nguyễn Hữu Hồng – Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Yên Bái cho biết: Chi nhánh đã tổ chức triển khai tốt các gói hỗ trợ lãi suất của Chính phủ của Agribank với lãi suất giảm từ 1% đến 2% so với lãi suất cho vay trên thị trường. Bên cạnh tích cực triển khai gói hỗ trợ theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, từ đầu năm tới nay, Chi nhánh đã liên tiếp triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi đối với các đối tượng khách hàng như: gói hỗ trợ với lĩnh vực lâm, thủy sản; gói cho vay ưu đãi dành cho DN xuất nhập khẩu; chương trình cho vay tiêu dùng đối với cán bộ, công nhân viên ngành y tế: gói cho vay tiêu dùng đối với khách hàng là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hưởng lương từ ngân sách Nhà nước; ưu đãi tài trợ khách hàng xuất nhập khẩu… Từ 1/11/2023, Agribank tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất đối với toàn bộ dư nợ hiện hữu của khách hàng có nợ cơ cấu, nợ nhóm 2 về bằng với sàn lãi suất cho vay hiện hành của Agribank”.
Mặc dù có nhiều giải pháp quyết liệt được NHNN triển khai, song TTTD năm 2023 vẫn chưa như kỳ vọng. Theo NHNN Chi nhánh tỉnh Yên Bái, đến 31/10, tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 40.195 tỷ đồng, tăng 9,21% so với 31/12/2022; trong khi đó, cùng kỳ năm 2022 tăng 17,85%.
Việc TTTD thấp cũng là điều dễ lý giải khi nền kinh tế vẫn đang gặp khó khăn chung, lĩnh vực bất động sản vẫn trầm lắng, sức khỏe DN bất ổn, các ngành sản xuất sụt giảm mạnh, doanh nghiệp khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng dẫn tới nhu cầu vay vốn giảm.
Để thúc đẩy tín dụng hỗ trợ nền kinh tế, NHNN Chi nhánh tỉnh Yên Bái tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn bàn thực hiện các giải pháp, hình thức huy động nguồn vốn và TTTD; tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, hộ SXKD và các đối tượng chính sách xã hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng để phát triển SXKD, sản xuất hàng xuất khẩu, lưu thông hàng hóa.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách tín dụng tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; đẩy mạnh các hoạt động kết nối ngân hàng – DN để hỗ trợ tháo gỡ kịp thời khó khăn vướng mắc cho DN. Động thái tích cực khác là chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Hiện nay, các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động, theo đánh giá mặt bằng lãi suất tiền gửi đã thấp nhất trong 2 năm trở lại đây; qua đó, tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, tăng trưởng dư nợ. Bên cạnh giảm lãi suất, các cấp ngành, địa phương cần có giải pháp đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng và kích cầu đầu tư để kích thích tăng trưởng kinh tế, kích thích tăng trưởng tín dụng.