Yên Bái phát huy vai trò hội tụ nguồn lực của hợp tác xã, tổ hợp tác

Các hợp tác xã, tổ hợp tác đang hoạt động lĩnh vực nông nghiệp đã đóng vai trò quan trọng trong việc tập trung diện tích đất sản xuất, chuyên môn hóa sản xuất, phát huy vai trò tập thể trong việc hội tụ, thu hút nguồn lực để tiếp cận được những công nghệ mới, phối hợp tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu, quảng bá và lưu thông sản phẩm ra thị trường trong nước và quốc tế.

Chế biến quế tại HTX Quế hồi Việt Nam, xã Thành Thịnh, huyện Trấn Yên

Ông Nguyễn Đức Lâm – Phó Chủ tịch Thường trực Liên minh HTX tỉnh cho biết: Để tạo điều kiện phát triển các HTX nông nghiệp, tỉnh Yên Bái đã xây dựng, ban hành và triển khai nhiều cơ chế, chính sách như: hỗ trợ đầu tư phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất; giao đất, cho thuê đất; hỗ trợ vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; hỗ trợ HTX liên kết sản xuất, chế biến sản phẩm; hỗ trợ phí mua bảo hiểm nông nghiệp…

Năm 2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06/2021, ngày 19/4/2021 về một số chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025.

Sau gần 4 năm triển khai thực hiện, đến nay, UBND tỉnh đã xem xét, phê duyệt hỗ trợ thành lập mới cho 102 HTX với tổng kinh phí hỗ trợ 1,8 tỷ đồng; chấp thuận chủ trương cho 18 HTX được tuyển dụng 18 lao động trẻ về làm việc …Những chính sách này thực sự là đòn bẩy để kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX phát triển, khẳng định được vai trò, vị trí trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Nhiều HTX đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và chế biến; thực hiện nhiều dịch vụ đáp ứng nhu cầu của thành viên và nhân dân như: cung cấp giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bao tiêu một phần sản phẩm đầu ra cho nông dân, các dịch vụ sau thu hoạch, chế biến.

Lãnh đạo xã Quy Mông, huyện Trấn Yên trao đổi với người dân về phát triển sản phẩm miến đao Quy Mông

“Các HTX trên địa bàn tỉnh đang hoạt động lĩnh vực nông nghiệp đã đóng vai trò quan trọng trong việc tập trung diện tích đất sản xuất, chuyên môn hóa sản xuất, phát huy vai trò tập thể trong việc hội tụ, thu hút nguồn lực để có thể tiếp cận được những công nghệ mới, phối hợp tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu, quảng bá và lưu thông sản phẩm ra thị trường trong nước và quốc tế.

Điển hình như: HTX Quế hồi Việt Nam, HTX Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hưng Thành (huyện Trấn Yên); HTX Nông lâm thủy sản Khánh Thiện (huyện Lục Yên); HTX Dịch vụ tổng hợp Thiên An (huyện Yên Bình); HTX Nông nghiệp hữu cơ Mù Cang Chải (huyện Mù Cang Chải)… Đặc biệt, việc liên kết sản xuất, hỗ trợ người nông dân trong xây dựng chuỗi giá trị nông sản cũng được nhiều HTX chọn là khâu đột phá trong chiến lược phát triển”, ông Lâm chia sẻ.

“Bắt tay” với nông dân, doanh nghiệp và các HTX khác trên địa bàn để cùng phát triển đang là xu hướng được các HTX trên địa bàn tỉnh thực hiện. Tiêu biểu như HTX Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hưng Thành, huyện Trấn Yên đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty TNHH Yamazaki Việt Nam trong chu kỳ từ 20 – 30 năm có sự bảo trợ của các cấp chính quyền. Trên cơ sở đó, HTX ký hợp đồng đầu tư giống, vật tư, phân bón và các chi phí khác tới người dân và cam kết bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân đảm bảo giá sàn, giúp người dân yên tâm sản xuất.

Yên Bái hiện có 823 HTX với trên 33.600 thành viên. Trong đó có 460 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với trên 7.400 thành viên, chiếm 55,8%. Doanh thu bình quân của các HTX nông nghiệp đạt 1,7 tỷ đồng, lãi bình quân 400 triệu đồng. Thu nhập bình quân người lao động khoảng từ 4,5-5 triệu đồng/người/tháng.

Cùng với các HTX, đến nay toàn tỉnh có 5.812 tổ hợp tác, với trên 29.000 thành viên; trong đó có trên 50% là các tổ hợp tác (THT) hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Các THT được thành lập xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân, phù hợp với quy định của Nhà nước, điều kiện và tình hình phát triển kinh tế của địa phương. Các THT nông nghiệp hoạt động khá hiệu quả, đã và đang góp phần hỗ trợ, nâng cao hiệu quả, giảm áp lực về thời gian và cường độ làm việc cho nông dân. Đồng thời, bảo đảm được một số khâu dịch vụ nông nghiệp, như: trồng trọt, cung ứng phân bón, dịch vụ cày, cấy, vận tải, dịch vụ tổng hợp…

Điển hình là THT trồng tre, măng bát độ tại xã Hồng Ca, Kiên Thành (huyện Trấn Yên) ươm cây giống tre măng Bát Độ để phục vụ nhu cầu trồng rừng của bà con trong xã, trong huyện và xuất bán sang các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang…; liên kết với HTX Dịch vụ tổng hợp Hồng Ca, HTX Tre măng Bát độ Hưng Khánh, HTX Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hưng Thành cung cấp nguyên liệu cho các HTX, sản phẩm măng thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó.

Ông Hà Ngọc Toanh – Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Dịch vụ tổng hợp Hồng Ca cho biết: “HTX chỉ tập trung vào sản xuất các sản phẩm từ quế. Vì vậy, ngoài việc nâng cao sản lượng, chất lượng, HTX sẽ đầu tư thêm máy móc để tạo ra các sản phẩm mới từ quế, góp phần quan trọng giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương”.

Trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phát triển thành viên trong các HTX, THT tăng quy mô, nguồn lực kinh tế; mở rộng các hoạt động liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, HTX để phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh, tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm; xây dựng và nhân rộng các mô hình mới, cách làm hay trong khu vực kinh tế tập thể.

Phát triển song song với Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Liên minh HTX tỉnh đặc biệt quan tâm phát triển các HTX gắn với chuỗi giá trị trong nông nghiệp; xây dựng các HTX nông nghiệp chuyên sâu gắn với các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn; các HTX chú trọng ứng dụng khoa học, công nghệ cao gắn với sản phẩm OCOP của tỉnh, để thúc đẩy giá trị gia tăng ở khu vực nông nghiệp.

Liên minh HTX cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể xây dựng các mô hình nông trại thí điểm phát triển nông nghiệp gắn với du lịch theo từng giai đoạn và nhân rộng ra các địa phương, nhằm xây dựng các sản phẩm đặc trưng, tránh trùng lặp; đẩy mạnh liên kết chặt chẽ giữa các bên trong mô hình phát triển nông trại, nông nghiệp gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn gồm nông dân, doanh nghiệp lữ hành, địa phương, cơ quan quản lý nông nghiệp, du lịch; đề xuất, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng sản xuất, hạ tầng phát triển du lịch, đào tạo nguồn nhân lực sản xuất nông nghiệp kết hợp làm du lịch, phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống, phát triển trang trại gắn với du lịch…

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 665220
  • Truy cập hôm nay: 487
  • Đang trực tuyến: 2