Yên Bái lần đầu tiên ban hành Đề án đưa lao động tỉnh đi làm việc ở nước ngoài

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn vừa ký ban hành Quyết định số 1557/QĐ-UBND ngày 29/7/2024 về việc phê duyệt Đề án đưa lao động tỉnh Yên Bái đi làm việc ở nước ngoài, giai đoạn 2024 – 2030. Đây cũng là lần đầu tiên, Yên Bái ban hành Đề án đưa lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài.

Sinh viên được tư vấn, hỗ trợ ngành nghề tại Ngày hội việc làm năm 2023.

Phấn đấu đưa 10.000 người đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2024-2030

Đề án là bước cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh Yên Bái khóa XIX thông qua tại Kỳ họp thứ 17 “Quy định một số chính sách hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài và học sinh, sinh viên tham gia chương trình hợp tác đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh với các trường cao đẳng, đại học nước ngoài tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2024-2026”.

Đề án nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài nhằm giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập, đời sống cho người lao động, nhất là lao động ở nông thôn, địa bàn đặc biệt khó khăn; nâng cao trình độ nghề nghiệp, tác phong làm việc tiên tiến cho người lao động, góp phần giảm nghèo bền vững, đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu cụ thể của Đề án phấn đấu giai đoạn 2024-2030, toàn tỉnh đưa 10.000 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng dài hạn (từ 01 năm trở lên) và thời vụ ngắn hạn (dưới 01 năm), học sinh, sinh viên tham gia chương trình hợp tác đào tạo (bình quân trên 1.400 người/năm), trong đó:

Chia theo hình thức: Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng dài hạn (từ 01 năm trở lên) là 7.500 người; hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo thời vụ ngắn hạn (dưới 01 năm) theo chương trình hợp tác giữa các địa phương tối thiểu là 2.000 người; học sinh, sinh viên thuộc diện trao đổi theo các chương trình hợp tác đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh với các trường cao đẳng, đại học nước ngoài là 50 người.

Chia theo các giai đoạn:

Giai đoạn 2024-2026 dự kiến 3.000 người (năm 2024 là 600 người; năm 2025 là 1.200 người, năm 2026 là 1.200 người); Giai đoạn 2027-2030 dự kiến 7.000 người (bình quân 1.750 người/năm). Theo đó, thành phố Yên Bái 90 người, huyện Trấn Yên 1.300 người, huyện Yên Bình 1.300 người, huyện Văn Yên 1.300 người, huyện Lục Yên 1.300 người, huyện Văn Chấn 1.300 người, thị xã Nghĩa Lộ 800 người, huyện Trạm Tấu 800 người, huyện Mù Cang Chải 50 người.

Giai đoạn 2024-2030, tỉnh phấn đấu đưa 2.700 người đi làm việc theo hình thức hợp đồng và thời vụ, trao đổi học sinh, sinh viên theo chương trình hợp tác đào tạo tại thị trường Hàn Quốc (bình quân trên 380 người/năm).

Mỗi năm, các trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị xã, thành phố đào tạo nghề kết hợp với đào tạo ngoại ngữ, tạo nguồn đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài cho ít nhất 1.000 lao động.

Mỗi năm, trong tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài của tỉnh, phấn đấu đưa 500 người là bộ đội xuất ngũ đi làm việc ở nước ngoài (riêng năm 2024 là 300 người).

Đề án cũng nêu một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, đó là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp; vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; đào tạo, nâng cao chất lượng lao động, tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Đẩy mạnh công tác đưa lao động đi làm việc theo hợp đồng và theo thời vụ tại Hàn Quốc

Cùng với yêu cầu đẩy mạnh việc liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh với các trường cao đẳng, đại học nước ngoài; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát tình hình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài sau khi kết thúc hợp đồng trở về nước…, Đề án nhấn mạnh việc đẩy mạnh công tác đưa lao động đi làm việc theo hợp đồng và theo thời vụ tại Hàn Quốc.

Cụ thể, Đề án yêu cầu đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, kết nối, hỗ trợ tuyển dụng lao động tại các địa phương; hỗ trợ người lao động làm các thủ tục; tăng cường công tác đào tạo, nâng cao chất lượng lao động, kết hợp đào tạo nghề với đào tạo ngoại ngữ cho người lao động nhằm tạo nguồn lao động đi làm việc, tăng số lượng lao động của tỉnh đi làm việc theo Chương trình EPS tại Hàn Quốc.

Triển khai các giải pháp đẩy mạnh đưa lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc. Triển khai Biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh Yên Bái và Quỹ phát triển Hạnh phúc khu vực Hàn Quốc; tăng cường hợp tác với các tổ chức hữu nghị Việt Nam-Hàn Quốc; hợp tác giữa tỉnh Yên Bái và các tỉnh/thành phố của Hàn Quốc để đưa lao động thời vụ đi làm việc tại các vùng nông nghiệp, thủy sản tại các quận, huyện của Hàn Quốc. Phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành của tỉnh với các cơ quan, đơn vị thuộc các bộ, ngành trung ương trong việc kết nối hợp tác giữa tỉnh Yên Bái với các tỉnh, thành phố của Hàn Quốc để đưa lao động nông nghiệp đi làm việc theo thời vụ.

Chú trọng công tác tuyển chọn người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo thời vụ nhằm hạn chế tình trạng người lao động được tuyển chọn và phái cử không đúng đối tượng là lao động trong lĩnh vực nông nghiệp dẫn đến một số vụ việc vi phạm do người lao động không quen với công việc trong lĩnh vực nông nghiệp và tình trạng người lao động bỏ trốn sau khi kết thúc hợp đồng.

Thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài, học sinh, sinh viên tham gia chương trình hợp tác đào tạo

Về các chính sách hỗ trợ, người lao động đi làm việc ở nước ngoài, học sinh, sinh viên tham gia chương trình hợp tác đào tạo được hỗ trợ từ ngân sách trung ương của Tiểu dự án 3 Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Dự án 5, Chương trình mục tiêu quốc gia ( CTMTQG) phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 và Tiểu dự án 2 “Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” thuộc Dự án 4, CTMTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Cùng đó là chính sách hỗ trợ tại Nghị quyết số 45/2024/NQ-HĐNĐ ngày 11/7/2024 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài và học sinh, sinh viên tham gia chương trình hợp tác đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh với các trường cao đẳng, đại học nước ngoài, giai đoạn 2024 – 2026 trên địa bàn tỉnh Yên Bái; các nguồn vốn cho vay hỗ trợ qua Ngân hàng chính sách xã hội theo quy định hiện hành và nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương sang Ngân hàng chính sách xã hội; các nguồn hỗ trợ của doanh nghiệp và nguồn huy động hợp pháp khác.

Tổng kinh phí dự kiến thực hiện Đề án là 1.004.930 triệu đồng

Dự kiến tổng kinh phí thực hiện Đề án giai đoạn 2024-2030 là 1.004.930 triệu đồng (dự kiến hỗ trợ 10.000 lao động, trong đó: 6.000 lao động được hỗ trợ theo chính sách của trung ương và hỗ trợ cấp bổ sung theo chính sách của tỉnh; 4.000 lao động không thuộc diện hỗ trợ từ chính sách của trung ương được hỗ trợ ừt chính sách của tỉnh) (bình quân 143.560 triệu đồng/năm).

Yên Bái đã đưa 2.212 lao động đi làm việc ở nước ngoài

Đề án cũng cho biết, giai đoạn 2019-2023, tỉnh Yên Bái đã đưa 2.212 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (bình quân 440 người/năm) tại các thị trường, trong đó: Nhật Bản 617 lao động; Hàn Quốc 159 lao động; Đài Loan 534 lao động; Nga, Đức, Trung Đông 272 lao động; Lào, Thái Lan, Malaysia 17 lao động; thị trường khác 453 lao động.

Ngành nghề làm việc của lao động tập trung chủ yếu như: sản xuất chế tạo, may mặc, điện tử, giúp việc gia đình, hộ lý, xây dựng… Chia theo các địa phương: thành phố Yên Bái 230 lao động; huyện Yên Bình: 255 lao động, huyện Trấn Yên: 242 lao động, huyện Văn Yên: 454 lao động, huyện Lục Yên: 153 lao động, huyện Văn Chấn: 491 lao động, thị xã Nghĩa Lộ: 24 lao động, huyện Trạm Tấu: 156 lao động, huyện Mù Cang Chải: 7 lao động.

Thu nhập của lao động đi làm việc ở nước ngoài cao hơn từ 2 đến 3 lần thu nhập trong nước. Thu nhập tiết kiệm của lao động từ 35-50 triệu đồng/tháng (đối với thị trường có thu nhập cao như Hàn Quốc và Nhật Bản); từ 13-15 triệu đồng/tháng (đối với thị trường có thu nhập trung bình như UAE, Đài Loan); từ 8 – 20 triệu đồng/ tháng (đối với thị trường lao động đơn giản như Malaysia, Lybia). Lao động trở về từ Hàn Quốc có mức tiết kiệm bình quân đầu người 670 triệu đồng/người; Nhật Bản là 520 triệu đồng/người; Đài Loan là 350 triệu đồng/người; Malaysia là 120 triệu đồng/người.

Về đưa lao động đi làm việc theo thời vụ, hiện nay cả nước mới triển khai thực hiện đối với thị trường Hàn Quốc theo hình thức thí điểm từ năm 2022 (theo Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 27/4/2022 của Chính phủ), huyện Văn Yên đã ký kết hợp tác với quận Wando, tỉnh Jeolla Nam-do, Hàn Quốc và đã đưa được 53 lao động đi làm việc thời vụ lĩnh vực nông nghiệp tại Hàn Quốc. Thu nhập của lao động từ 37-38,5 triệu đồng/tháng.

Sau thời gian làm việc tại Hàn Quốc, người lao động có thu nhập đem vê nước khoảng 100-120 triệu đồng, sau khi kết thúc hợp đông, nhiêu lao động đã được tiếp tục ký hợp đồng và ở lại Hàn Quốc làm việc. Chương trình đã góp phần tạo cơ hội việc làm, thu nhập phù hợp cho lao động nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 649396
  • Truy cập hôm nay: 289
  • Đang trực tuyến: 2