Yên Bái: Khởi động Dự án “Thúc đẩy khả năng chống chịu, bao trùm và chuyển đổi sáng tạo của các doanh nghiệp vừa và nhỏ” (SPRINT)

Sáng 22/11, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Yên Bái phối hợp với Tổ chức Cowater International khởi động Dự án “Thúc đẩy khả năng chống chịu, bao trùm và chuyển đổi sáng tạo của các doanh nghiệp vừa và nhỏ” (SPRINT). Dự buổi lễ khởi động có đại diện Đại sứ quán Canada tại Việt Nam, lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh, lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành có liên quan; đại diện một số HTX, Tổ hợp tác và doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Các đại biểu thực hiện nghi lễ khởi động Dự án.

Dự án “Thúc đẩy khả năng chống chịu, bao trùm và chuyển đổi sáng tạo của các doanh nghiệp vừa và nhỏ” (SPRINT) được Bộ Các vấn đề toàn cầu của Chính phủ Canada tài trợ thông qua Tổ chức Cowater International.

Dự án SPRINT được UBND tỉnh Yên Bái phê duyệt tại Quyết định số 2323/QĐ-UBND ngày 20/11/2024. Dự án được thực hiện tại 6 địa phương gồm huyện Văn Yên, Văn Chấn, Lục Yên, Trạm Tấu, Mù Cang Chải và thành phố Yên Bái.

Các đại biểu dự buổi Khởi động Dự án.

Đối tượng hưởng lợi từ Dự án là phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) và các nhà sản xuất chủ yếu là phụ nữ DTTS; các doanh nghiệp vừa và nhỏ và siêu nhỏ, HTX, nhà sản xuất tham gia chuỗi giá trị nông sản mà có phụ nữ DTTS làm chủ hoặc có nhiều nữ DTTS tham gia.

Dự án được triển khai từ năm 2024 – 2029 với tổng ngân sách ODA không hoàn lại là 9.750.000 đô la Canada.

Mục tiêu của Dự án nhằm nâng cao phúc lợi kinh tế – xã hội của phụ nữ DTTS thông qua tăng trưởng sạch trong lĩnh vực nông nghiệp tại tỉnh Yên Bái; cải thiện hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, HTX, tổ nhóm sản xuất có nhiều lao động là phụ nữ DTTS trong chuỗi giá trị có khả năng đáp ứng nhu cầu của từng giới và chống chịu với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp; tăng cường ảnh hưởng của phụ nữ DTTS đối với tăng trưởng kinh tế sạch trong lĩnh vực nông nghiệp.

Các hoạt động của dự án bao gồm nâng cao năng lực và nhận thức, góp phần giảm nghèo và hòa nhập phụ nữ dân tộc thiểu số; nâng cao khả năng chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu và môi trường; phát triển doanh nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp.

Sau Dự án, phụ nữ và nam giới trong vùng Dự án sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ hỗ trợ kỹ thuật, hoạt động nâng cao năng lực/đào tạo tập huấn, tăng khả năng tiếp cận đến các thông tin chất lượng và các thị trường phù hợp, cũng như tăng nhận thức về các giải pháp kỹ thuật số và tài chính.

Khoảng 150 doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa/các hợp tác xã được hưởng lợi từ các gói tài trợ vừa về tăng trưởng sạch, về các giải pháp năng lượng tái tạo & tiết kiệm năng lượng và đổi mới sáng tạo; khoảng 300 doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa/các hợp tác xã và hàng nghìn người sản xuất học và cải tiến các kỹ thuật kinh doanh để tạo ra các vụ mùa xanh, phát thải carbon thấp, có khả năng chống chịu tốt hơn và đem lại lợi nhuận trong các chuỗi giá trị.

Theo Cổng TTĐT tỉnh


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 666081
  • Truy cập hôm nay: 184
  • Đang trực tuyến: 7