Yên Bái khai thác du lịch từ các mùa hoa bản địa

Những năm gần đây, các huyện, thị miền Tây Yên Bái không chỉ hấp dẫn khách du lịch bằng bản sắc văn hóa các dân tộc, bằng cảnh quan thiên nhiên mà còn là những trải nghiệm mới từ những mùa hoa bản địa đặc trưng đem lại.

Khách du lịch hào hứng ghi lại khoảnh khắc đẹp với hoa tớ dày Mù Cang Chải.

Thời điểm này đang là mùa của hoa ban, hoa lê, hoa sơn tra nở rộ khiến cả núi rừng miền Tây Yên Bái tràn ngập sắc trắng tinh khôi, tạo nên những khung cảnh đẹp ngỡ ngàng. Bởi vậy, mỗi ngày, có rất nhiều du khách đến đây thưởng lãm, ngắm cảnh.

Chị Đặng Thu Phương – du khách từ Hà Nội chia sẻ: “Tôi lên Trạm Tấu du lịch, được các bạn ở homestay giới thiệu về hoa sơn tra đang nở nên tôi cũng tò mò đi thử. Vượt qua nhiều quãng đường cả xe máy và đi bộ thì cũng tới được địa điểm nhiều hoa nở. Đẹp lắm, tôi ngắm cả ngày không biết chán. Nhưng nếu địa phương có thể quy hoạch thêm điểm cắm trại, điểm ngắm cảnh cùng các dịch vụ đi kèm sẽ chuyên nghiệp và tuyệt vời hơn rất nhiều”.

Quả thực, thiên nhiên ban tặng cho núi rừng Yên Bái nhiều loài hoa đẹp đặc trưng, bắt đầu từ tháng Giêng, Hai là mùa hoa mận rồi đến hoa ban, hoa lê, sơn tra trắng muốt; tháng 10 thì hoa dã quỳ vàng ruộm, tháng 12 lại nhuộm hồng cả cánh rừng với sắc hoa tớ dày. Nhưng để phát huy được giá trị, vẻ đẹp đó thì lại phụ thuộc vào chiến lược của mỗi địa phương. Mù Cang Chải là địa phương đang nhìn nhận khá tốt thế mạnh của các loại hoa rừng để phát triển thành sản phẩm du lịch. Lễ hội hoa tớ dày được tổ chức hằng năm từ năm 2022 là một minh chứng.

Để có thể tạo thành một sản phẩm du lịch riêng biệt, nhiều năm qua, huyện Mù Cang Chải đã có nhiều hành động quyết liệt để bảo vệ những rừng hoa tớ dày tự nhiên và vận động nhân dân trồng mới. Một cuộc vận động huy động sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị để bảo vệ và nhân rộng loài hoa này được phát động. Mỗi cán bộ, đảng viên trồng từ 2 – 5 cây hoa tớ dày; mỗi trường học, đơn vị, công sở trồng 30 cây; các xã, thị trấn trồng tại trụ sở, các tuyến đường giao thông… Mỗi dịp Tết trồng cây đầu xuân, huyện cũng kết hợp vận động nhân dân trồng mới hàng trăm nghìn cây hoa tớ dày. Nhờ đó, toàn huyện đã có trên 5 ha hoa tớ dày tập trung, tạo cảnh quan đẹp để phát triển du lịch.

Hoa tớ dày ở Mù Cang Chải
Hoa Tớ Dày nở rực rỡ chào đón Lễ khai mạc Festival khèn Mông và công bố Quyết định đưa Nghệ thuật Khèn của người Mông, Nghệ thuật tạo hình vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông 3 huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn tỉnh Yên Bái vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Hoa Tớ Dày nở rực rỡ chào đón Lễ khai mạc Festival khèn Mông và công bố Quyết định đưa Nghệ thuật Khèn của người Mông, Nghệ thuật tạo hình vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông 3 huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn tỉnh Yên Bái vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, tháng 12 năm 2023.

Ông Trần Trung Kiên – Phó Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Mù Cang Chải chia sẻ: “Khi đủ điều kiện đưa hoa tớ dày thành sản phẩm du lịch, Phòng đã tham mưu cho huyện tổ chức Lễ hội hoa tớ dày từ năm 2022. Ngoài các chương trình về bản sắc văn hóa, ẩm thực, phòng đã tham mưu, phối hợp với các địa phương, công ty lữ hành tổ chức các hành trình trải nghiệm như: ngắm hoa tớ dày kết hợp leo núi, khám phá cảnh quan thiên nhiên tại xã La Pán Tẩn, Lao Chải, các hoạt động cắm trại, săn mây, ngắm cảnh bình minh và hoàng hôn… thu hút được rất đông du khách đến tham quan, trải nghiệm vào dịp cuối năm”. Đây cũng là một lễ hội góp phần giúp du lịch Mù Cang Chải đón 365.000 lượt khách, đạt doanh thu 365 tỷ đồng – cao nhất từ trước tới nay.

Có thể thấy, một vài năm trở lại đây, khách du lịch có thêm xu hướng lựa chọn những điểm đến gắn với các mùa hoa đặc trưng, các lễ hội hoa… để có thêm những khoảnh khắc đẹp, trải nghiệm thú vị. Điều này đã được chứng minh khi một số sản phẩm du lịch gắn với các mùa hoa nở đang làm nên thương hiệu du lịch cho nhiều tỉnh miền núi, tiêu biểu như: mùa hoa tam giác mạch ở Hà Giang, mùa hoa cải trắng, hoa mận Mộc Châu, mùa hoa sơn tra ở xã Ngọc Chiến, huyện Mường La (tỉnh Sơn La), hoa ban ở Điện Biên, hoa tớ dày Mù Cang Chải, Yên Bái…

Tuy nhiên, để khai thác trọn vẹn vẻ đẹp của các loài hoa bản địa phục vụ phát triển du lịch, tạo thêm thu nhập cho nhân dân, các địa phương cần có những giải pháp và hành động để giữ gìn và nhân rộng các rừng hoa trong tự nhiên, quy hoạch điểm cắm trại, điểm ngắm hoa, nơi gửi xe cho du khách lên leo núi, ngắm hoa cùng các dịch vụ phụ trợ; tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu…

Bên cạnh đó, cũng cần tạo phong trào, huy động nhân dân dọn dẹp vệ sinh thôn, bản luôn sạch sẽ, làm đường vào khu có nhiều hoa, chỗ ngắm cảnh đẹp, hướng dẫn người dân cách thức phục vụ du khách, cách nấu ăn, cách dẫn khách du lịch đi thăm bản. Có như vậy, hoa rừng ấy mới có thể trở thành sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, góp một phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội cho mảnh đất đang sinh sôi, đem lại no ấm cho nhiều gia đình.

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 650663
  • Truy cập hôm nay: 265
  • Đang trực tuyến: 6