Thực hiện Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, những năm gần đây, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của CVĐ tới cán bộ và nhân dân. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu hàng Việt.
Để CVĐ ngày càng lan toả mạnh mẽ, với vai trò là cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cấp tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã lồng ghép tuyên truyền CVĐ với các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động khác.
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan truyền thông của tỉnh như: Báo Yên Bái, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực phát triển sản xuất, nhân rộng các sản phẩm nông nghiệp sạch, sản phẩm OCOP; bảo tồn, khai thác hiệu quả nguồn gen cây trồng, vật nuôi đặc sản, có giá trị kinh tế cao.
Theo đó, đến nay các sản phẩm nông sản của tỉnh như: miến đao, măng khô, thịt lợn sấy, thịt trâu sấy, cam lòng vàng, khoai sọ, lạc ri đỏ, chè xanh túi lọc, mật ong… đã được các siêu thị lớn như: BigC, Hapro chấp nhận.
Toàn tỉnh có 138 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2021. Đi đôi với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, với mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường cho các sản phẩm hàng hóa trong tỉnh, thời gian qua, Sở Công Thương cũng đã tư vấn, hỗ trợ trên 300 doanh nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm thế mạnh, chủ lực và các sản phẩm đặc sản của tỉnh; hoàn thiện hạ tầng thương mại điện tử; hỗ trợ kinh phí cho các chủ thể xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các huyện, thị, thành phố trong tỉnh.
Trong đó, đã tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký thành viên và đăng tải thông tin trên các sàn giao dịch thương mại điện tử: Scyenbai.com, Voso.vn, Posmart.vn để quảng bá thông tin, hình ảnh của các doanh nghiệp; hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp mở gian hàng trực tuyến, đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp quản trị gian hàng trên các sàn thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm.
Hiện tại, số lượt doanh nghiệp được tư vấn hỗ trợ đăng ký tham gia thành viên trên các sàn thương mại điện tử là 1.000 lượt doanh nghiệp. Số doanh nghiệp thường xuyên cập nhật sản phẩm là trên 300 doanh nghiệp. Tổng số sản phẩm chào mua, chào bán trên sàn thương mại điện tử là trên 600 lượt sản phẩm.
Năm 2022, Sở Công Thương đã giao Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại phối hợp với các địa phương xây dựng Đề án khuyến công với tổng số vốn 3 tỷ đồng; xây dựng Đề án tiết kiệm năng lượng với tổng kinh phí 900 triệu đồng; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng các đề án xúc tiến thương mại và thương mại điện tử trình UBND tỉnh phê duyệt với tổng số 5 tỷ đồng.
Thiết thực chung tay thực hiện CVĐ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng đã tổ chức quán triệt, vận động các cơ sở kinh doanh thiết bị, vật tư nông nghiệp ưu tiên kinh doanh hàng hóa Việt Nam đảm bảo chất lượng. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản và tập trung hỗ trợ cho các hợp tác xã – doanh nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp hình thành liên kết sản xuất hàng hóa theo chuỗi.
Riêng trong năm 2021 và 5 tháng đầu năm 2022, bằng các nguồn vốn hỗ trợ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai thực hiện 25 chuỗi liên kết giá trị; triển khai 12 dự án chuỗi liên kết; hỗ trợ chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa hoặc đặc sản hữu cơ cho hơn 1.000 cơ sở.
Đồng thời, phối hợp với Sở Công Thương, Chi nhánh Bưu chính Viettel Yên Bái hợp tác thúc đẩy tiêu thụ nông sản an toàn lên sàn thương mại điện tử Voso.vn. Đến nay, đã có gần 200 doanh nghiệp được đưa lên sàn thương mại Voso.vn với gần 1.000 sản phẩm đặc trưng.
Nhằm tiếp tục tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động về thực hiện CVĐ, tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ và nhân dân tham gia thực hiện CVĐ; khuyến khích các địa phương xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cam kết không sản xuất, mua bán hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; vận động các doanh nghiệp, nhà phân phối đưa hàng hóa Việt Nam về thị trường nông thôn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa thông qua hệ thống bán lẻ.
Cùng với đó, tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh để phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.