Thời gian qua, các doanh nghiệp lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản đã bám sát thị trường, kịp thời điều chỉnh các phương án sản xuất, kinh doanh, hoạt động hiệu quả và có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp kinh tế – xã hội của địa phương. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, lạm phát gia tăng, các doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn.
Theo báo cáo, trong 11 tháng năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp ngành khai khoáng (giá so sánh 2010) đạt trên 5.400 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ; bằng 91% kế hoạch năm (kế hoạch 6.000 tỷ đồng). Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu đạt khá so với kế hoạch, tăng cao so với cùng kỳ: felspat bột đạt 146.747 tấn; đá CaCO3 hạt và bột đạt 1.684.866 tấn; tinh quặng sắt đạt 248.849 tấn…
Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản của các doanh nghiệp trên địa bàn đã tạo việc làm cho trên 7.865 lao động với mức thu nhập bình quân khoảng 7 triệu đồng/người/tháng, đóng góp ngày càng cao cho ngân sách. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản đang gặp nhiều khó khăn.
Theo các doanh nghiệp khai thác, chế biến quặng sắt, một tấn quặng sắt khi được khai thác, chế biến phải chịu nhiều loại thuế, phí, lệ phí như: phí môi trường, thuế tài nguyên, thuế quyền khai thác mỏ; Quỹ phục hồi môi trường, thuế VAT, thuế xuất khẩu (nếu được xuất khẩu), thuế thu nhập doanh nghiệp… Các loại thuế này chiếm khoảng 50% giá thành sản xuất.
Theo đại diện Công ty TNHH Tân Tiến, xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên, giá quặng sắt thế giới cũng như trong nước giảm sâu, đặc biệt là từ quý III năm 2022. Do vậy, đầu ra của sản phẩm quặng sắt cũng khó khăn.
Bên cạnh đó, giá nguyên nhiên liệu dùng cho sản xuất tăng mạnh. Ví dụ, giá xăng dầu và giá than tăng từ 50-60% so với năm 2021, dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao. Trong khi đó, chính sách thuế đối với ngành khai thác và chế biến quặng sắt còn khá cao, khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Chưa kể, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản cũng gặp khó, liên quan nhiều đến việc giải phóng mặt bằng, thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản…
Ông Đỗ Ngọc Quang – đại diện Doanh nghiệp tư nhân Dịch vụ sản xuất trồng rừng 327, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình cho biết: “Doanh nghiệp xin mở rộng diện tích đất để xây dựng bãi thải song theo Quyết định 578 ngày 22/5/2013 của UBND tỉnh, diện tích này lại thuộc rừng tự nhiên sản xuất. Vì vậy, chúng tôi mong muốn các ngành xem xét, tạo điều kiện tháo gỡ vướng mắc đưa diện tích 3,997 ha ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng để doanh nghiệp thực hiện các bước tiếp theo xin mở rộng bãi đổ thải để thực hiện dự án”.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 115 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực của 99 tổ chức, doanh nghiệp với tổng công suất khai thác 4.050.964 m3/năm và 16.509.009 tấn/năm, trên tổng diện tích khai thác mỏ 1.547,98 ha. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp 41 giấy phép, tỉnh cấp 74 giấy phép.
Qua khảo sát, hiện có 69 mỏ đang khai thác. Toàn tỉnh có 88 nhà máy chế biến khoáng sản đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc chủ trương đầu tư; trong đó, có 39 nhà máy đang hoạt động. Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp khai khoáng, UBND tỉnh đã tổ chức gặp mặt để lắng nghe kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp.
Trên cơ sở đó, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương luôn đồng hành và kịp thời có giải pháp; thực hiện tốt các giải pháp về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, rút ngắn tối đa thời gian thực hiện thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong triển khai các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp, Liên minh Hợp tác xã tiếp tục làm tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh; nghiên cứu, tham mưu đề xuất các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp; tích cực tham gia, đóng góp ý kiến trong xây dựng, ban hành, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách của tỉnh, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế.
Thời gian tới, tỉnh tập trung giải quyết các vướng mắc trong thu hút đầu tư, đi đôi với rà soát thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với các doanh nghiệp không hoạt động, kiến nghị thu hồi theo quy định của Luật Ðầu tư đối với dự án chậm triển khai hoặc không triển khai, nhằm quản lý và tạo bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Ông Phạm Trung Lân – Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Bên cạnh những giải pháp tháo gỡ khó khăn của các ngành, chính quyền các cấp thì các doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác, chế biến khoáng sản cần nghiên cứu, nắm rõ, tuân thủ các quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động.
Đồng thời tiếp thu, khắc phục triệt để các tồn tại đã được chỉ ra trong các cuộc thanh tra, kiểm tra, làm việc của các cơ quan quản lý nhà nước. Các doanh nghiệp cần mở rộng sản xuất, kinh doanh trên cơ sở ứng dụng công nghệ máy móc hiện đại; thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, nhất là trong xây dựng quảng bá thương hiệu, nghiên cứu mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tìm hiểu các hiệp định thương mại đã được ký kết để nắm rõ những cơ hội, thách thức, qua đó có thêm thị trường mới”.