Yên Bái đồng bộ giải pháp kích cầu tiêu dùng cuối năm

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai bão lũ, do suy giảm kinh tế song nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong 10 tháng qua vẫn giữ nhịp độ tăng so với cùng kỳ năm trước. Thúc đẩy tiêu dùng nội địa, khôi phục sản xuất kinh doanh, các cấp, các ngành và doanh nghiệp Yên Bái đã, đang thực hiện nhiều giải pháp kích cầu tiêu dùng cuối năm.

Cửa hàng WinMart+ thành phố Yên Bái chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng người dân dịp cuối năm.

Trong 10 tháng của năm 2024, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn tỉnh tăng nhẹ, đặc biệt, giá rau tăng cao do ảnh hưởng của cơn bão số 3 khiến nhiều khu vực trồng rau chưa khắc phục được. Giá điện tăng do nhu cầu tiêu dùng của người dân khi trời nắng nóng; giá học phí trường nghề tăng theo Quyết định số 1463/QĐ-TCĐN ngày 27/8/2024 của Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái…

Các yếu tố trên đã tác động đến Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tỉnh trong 10 tháng của năm 2024 tăng 4,11% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh đạt 24.438 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, so với các tỉnh trong khu vực, mặc dù gặp nhiều khó khăn do suy giảm kinh tế, do ảnh hưởng của thiên tai bão lũ song trong 10 tháng qua, nhu cầu mua sắm hàng hóa, doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước. Có được kết quả này, các cấp, các ngành, các địa phương và doanh nghiệp trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa.

Ông Nguyễn Đình Chiến – Phó Giám đốc Sở Công Thương Yên Bái chia sẻ: “Để kích cầu tiêu dùng những tháng cuối năm, Sở Công Thương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường tuyên truyền, giới thiệu về các sản phẩm của tỉnh tới người tiêu dùng; quảng bá sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử; từng bước cụ thể hóa các nghị quyết của Chính phủ về kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa.

Đồng thời, Sở chỉ đạo các cơ quan chức năng kiên quyết xử lý những trường hợp có dấu hiệu lợi dụng tháng khuyến mại để tiêu thụ hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm pháp luật. Các ngành chức năng cần tập trung tuyên truyền, vận động, khuyến khích doanh nghiệp tăng nguồn dự trữ hàng hóa, tham gia chương trình bình ổn thị trường dịp cuối năm; tổ chức rà soát, đôn đốc các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh thực hiện chương trình khuyến mại, giảm giá, nhất là với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu nhằm thu hút người tiêu dùng mua sắm; tổ chức sắp xếp trật tự kinh doanh, văn minh, an toàn mua bán và tăng sức mua bán tại hệ thống chợ; triển khai các hoạt động kết nối cung – cầu hàng hóa với các tỉnh, thành lân cận và các doanh nghiệp ở các tỉnh, thành trong cả nước nhằm tạo điều kiện gặp gỡ, tìm cơ hội hợp tác, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa của tỉnh”.

Theo dự báo của các ngành chức năng, lượng hàng hóa lưu thông sẽ tăng mạnh từ nay đến cuối năm. Cùng với đó, hoạt động gian lận thương mại, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng sẽ có nhiều diễn biến phức tạp; hoạt động đầu cơ, găm hàng, tăng giá tùy tiện có thể xảy ra, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh chân chính cũng như quyền lợi của người tiêu dùng.

Do vậy, Sở Công Thương Yên Bái cần thường xuyên nắm bắt tình hình diễn biến cung – cầu, giá cả các mặt hàng; tập trung kiểm tra những mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm như: quần áo, giày dép, bánh kẹo, nước giải khát, bia rượu, lương thực, thực phẩm, hoa quả; triển khai các giải pháp ngăn chặn hoạt động vận chuyển, buôn bán, tàng trữ các loại pháo cũng như đồ chơi nguy hiểm cho trẻ em…

Thực hiện đồng bộ các giải pháp, Yên Bái sẽ khuyến khích được người dân tăng cường mua sắm hàng hóa, kích cầu tiêu dùng nội địa, thiết thực hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển.

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Yên Bái, 10 tháng qua, nhóm có chỉ số giá tăng mạnh nhất là thuốc và dịch vụ y tế tăng 8,6% do thực hiện theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT, ngày 17/11/2023 của Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 5,21%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 3,93%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,88%…

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 666620
  • Truy cập hôm nay: 723
  • Đang trực tuyến: 5