Xác định rõ năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng – năm “bản lề” thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2021 – 2025) theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Tỉnh ủy đã có Chương trình hành động số 135-CTr/TU ngày 18/11/2022 về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2023.
Cùng đó, UBND tỉnh phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2023 với chủ đề “Quyết liệt triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; tập trung phát triển hạ tầng, đẩy mạnh thu hút đầu tư, bứt phá trong chuyển đổi số; duy trì phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân”. Các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động, sáng tạo, linh hoạt với phương châm hành động: “Tăng tốc, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả”.
Quyết tâm hoàn thành, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh. Mục tiêu hoàn thành 32 chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2023, trọng tâm là: tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 7,5%; cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn: nông – lâm nghiệp, thủy sản 22%; công nghiệp – xây dựng 33%; dịch vụ 41%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 4%; tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng…
Để đảm bảo các mục tiêu, kế hoạch đề ra, ngay sau tết Nguyên đán, khối doanh nghiệp đã tổ chức lễ ra quân sản xuất, kinh doanh (SXKD) năm 2023, phát động Phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”; Phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, “SXKD giỏi”, “Sáng kiến cải tiến hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động”… Các huyện đồng loạt ra quân Tết trồng cây xuân Quý Mão, Ngày hội xuống đồng…
Trong mỗi khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà máy, phân xưởng, tổ đội sản xuất đến các công trình xây dựng cầu, đường đều hăng hái bắt tay vào sản xuất đảm bảo tiến độ, kịp cho những đơn hàng đầu năm.
Với sự vào cuộc tích cực của các thành phần kinh tế, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của tỉnh, tình hình phát triển, các chỉ tiêu kinh tế – xã hội 2 tháng đầu năm đã đạt được những kết quả khích lệ.
Trong đó, trồng rừng ước đạt 5.431,2 ha, bằng 35% kế hoạch, tăng 57,1% so với cùng kỳ; số lượt khách du lịch ước đạt 342.500 lượt khách, bằng 22,8% kế hoạch, tăng 26,5% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế ước đạt 6.800 lượt, bằng 4,5% kế hoạch; doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 217,7 tỷ đồng, bằng 16,1% kế hoạch, tăng 46% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 38,2 triệu USD, bằng 10,9% kế hoạch năm, giảm 5% so với cùng kỳ; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 480,4 tỷ đồng, bằng 9,2% kế hoạch năm và bằng 75% so với cùng kỳ; thành lập mới 34 doanh nghiệp (DN), 2 hợp tác xã, 7 tổ hợp tác; số lao động được tạo việc làm mới ước đạt 2.858 lao động, bằng 14,7% kế hoạch, giảm 10,7% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, lĩnh vực sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì, phát triển ổn định và có mức tăng khá so với cùng kỳ. Hầu hết các DN đã đi vào hoạt động ổn định và đang dần phục hồi sau dịch Covid-19 và biến động của thế giới.
Một số sản phẩm chính có giá trị và chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ: điện sản xuất ước đạt 202,5 triệu KWh, tăng 11,3%; Felspat phong hóa ước đạt 7.217 tấn, tăng 22%; điện thương phẩm ước đạt 173,1 triệu kWh, tăng 0,55%; chỉ số sản xuất công nghiệp đã tăng 7,9%; giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) ước đạt 2.332 tỷ đồng, bằng 13,8% kế hoạch, tăng 9,8% so với cùng kỳ.
Bà Bùi Thị Hạnh – Trưởng phòng Phòng Quản lý DN, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết: bước vào nhiệm vụ SXKD năm 2023, các DN trên địa bàn cũng gặp không ít khó khăn; tuy nhiên, với sự nỗ lực cao độ cùng với những giải pháp cụ thể, các DN trong khu công nghiệp đã đi vào sản xuất ổn định. Hiện, trong các khu công nghiệp có 34 DN với 35 dự án đã kết thúc giai đoạn đầu tư; trong đó, có 31 DN, dự án đã đi vào hoạt động sản xuất ổn định. Các dự án đã thu hút, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho trên 5.000 lao động với mức thu nhập bình quân 6 – 7 triệu đồng/người/tháng. Chỉ tính riêng trong tháng 2, giá trị sản xuất các DN đạt 441 tỷ 490 triệu đồng, doanh thu tiêu thụ đạt trên 480 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 5 triệu 672 ngàn USD, nộp ngân sách Nhà nước 6 tỷ 115 triệu đồng”.
Từ thực tiễn cho thấy, các DN trên địa bàn không chỉ quyết tâm giữ vững đà tăng trưởng của năm trước, mà còn đẩy mạnh SXKD với khí thế sôi nổi, phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra trong năm 2023.
Ông Nguyễn Bá Mão – Quản lý sản xuất, Công ty cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu Quế hồi Việt Nam cho biết: “Ngay sau nghỉ tết, Công ty bắt đầu hoạt động sản xuất trở lại để đảm bảo nguồn hàng cho các đối tác. Công ty dự kiến trong quý I sẽ xuất 6 đơn hàng đi Mỹ và Pháp. Đây đều là những đơn hàng được ký kết từ năm trước; do vậy, để bảo đảm tiến độ về thời gian, chất lượng, hơn 80 công nhân sẽ làm việc liên tục trong 2 ca để hoàn thành các sản phẩm theo cam kết”.
Với sự chỉ đạo, điều hành cùng những giải pháp cụ thể của tỉnh; sự quyết tâm cao độ và khí thế thi đua lao động sản xuất trong các nhà máy, công trường ngay từ những ngày đầu, tháng đầu, quý đầu của năm 2023, cho chúng ta niềm tin vào sự hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế – xã hội của tỉnh năm 2023.