Yên Bái: Chương trình OCOP tạo động lực phát triển kinh tế khu vực nông thôn

Sau gần 5 năm triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), tỉnh Yên Bái đã xây dựng được hàng trăm sản phẩm OCOP từ 3 – 4 sao, góp phần quan trọng trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, tạo sức bật cho kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Các sản phẩm OCOP của Yên Bái được trưng bày, giới thiệu tại Hội chợ sản phẩm OCOP, đặc sản các vùng miền và văn hóa ẩm thực năm 2022 tại thị xã Nghĩa Lộ

Để hiểu rõ hơn về những kết quả và những giải pháp nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm OCOP trong thời gian tới, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã trao đổi với ông Nguyễn Đức Điển – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

P.V: Xin ông cho biết những kết quả triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh thời gian qua? Việc thực hiện Chương trình đã góp phần như thế nào trong phát triển kinh tế nông thôn và nâng cao thu nhập cho người dân?

Ông Nguyễn Đức Điển: Với sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương, sự nỗ lực của các chủ thể doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất… nên Chương trình OCOP của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, bước đầu đạt được những kết quả quan trọng, tạo nên động lực trong xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có 251 sản phẩm OCOP đạt từ 3-4 sao, trong đó có 25 sản phẩm đạt 4 sao, 226 sản phẩm 3 sao.

Qua đánh giá, Chương trình OCOP đã góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại, bền vững; thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp với ba yếu tố chủ đạo là nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Ông Nguyễn Đức Điển – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bên cạnh đó, Chương trình OCOP đã góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Qua thời gian thực hiện Chương trình OCOP, đã có nhiều sản phẩm đặc sản, chủ lực của tỉnh khẳng định lợi thế trên thị trường, được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng. Hiện nay, các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đã có sự khác biệt, mang đặc trưng riêng, nhiều sản phẩm có nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý.

Cụ thể như: gạo Séng cù Mường Lò, bưởi Đại Minh, quế Văn Yên, gạo nếp Tú Lệ, miến đao Giới Phiên… Nhiều sản phẩm đã xuất khẩu ra nước ngoài: các sản phẩm từ quế, chè Suối Giàng, măng tre Bát độ….

P.V: Thưa ông, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện Chương trình, Yên Bái còn gặp những khó khăn, vướng mắc gì, nhất là trong việc nâng cao thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm?

Ông Nguyễn Đức Điển: Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện Chương trình, Yên Bái còn gặp những khó khăn, vướng mắc đó là: một số sản phẩm sản xuất theo mùa vụ với sản lượng ít, chưa đáp ứng được yêu cầu về quy mô đáp ứng nhu cầu thị trường với số lượng lớn, lâu dài; các địa phương mới tập trung vào những sản phẩm đã có trên cơ sở nâng cấp, cải tiến mẫu mã mà chưa phát triển được nhiều sản phẩm mới; việc ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế do các sản phẩm OCOP chủ yếu là các sản phẩm sơ chế hoặc chế biến đơn giản, giá trị gia tăng thấp.

Bên cạnh đó, quá trình sản xuất các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP chủ yếu thuộc lĩnh vực phát triển sản xuất nông nghiệp có chu kỳ dài, rủi ro lớn; quá trình sản xuất phức tạp, kết cấu hạ tầng còn nhiều hạn chế, thiếu vốn đầu tư sản xuất… làm ảnh hưởng đến tư tưởng và khả năng đầu tư sản xuất. Việc lập kế hoạch sản xuất, lập phương án kinh doanh của các chủ thể còn nhiều hạn chế do thiếu kinh nghiệm, chưa chủ động tham gia thực hiện mặc dù đã được hướng dẫn.

Ngoài ra, thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, một số vấn đề như ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm… đặt ra các thách thức về công nghệ, tổ chức sản xuất của các chủ thể kinh tế khu vực nông thôn.

P.V: Để duy trì, nâng cao chất lượng, giá trị và thương hiệu sản phẩm OCOP, thời gian tới, ngành sẽ triển khai những giải pháp gì trong xúc tiến thương mại, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm cũng như quan tâm, hỗ trợ các chủ thể?

Ông Nguyễn Đức Điển: Để duy trì, nâng cao chất lượng, giá trị và thương hiệu sản phẩm OCOP, thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân về OCOP; kiện toàn củng cố bộ máy chỉ đạo, điều hành Chương trình, rà soát bố trí cán bộ có năng lực, tâm huyết phụ trách tham mưu giúp việc Chương trình OCOP từ tỉnh đến cơ sở; nghiên cứu xây dựng, vận dụng cơ chế chính sách cho Chương trình; đẩy mạnh ứng dụng thành tựu Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số để tăng cường truyền thông quảng bá cho Chương trình OCOP tạo hiệu ứng lan tỏa.

Cùng với đó, ngành tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình đảm bảo chất lượng và thương hiệu sản phẩm OCOP tỉnh Yên Bái; xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tỉnh; hỗ trợ thuê đơn vị tư vấn cho các chủ thể hoàn thiện sản phẩm đảm bảo tiêu chí tham gia đánh giá, phân hạng Chương trình OCOP; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý, xây dựng mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã sản xuất sản phẩm OCOP…

P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 657950
  • Truy cập hôm nay: 1454
  • Đang trực tuyến: 1