Xuất siêu lớn – nửa mừng nửa lo

Dù đạt được xuất siêu hàng hóa trong bốn tháng đầu năm 2023, nhưng kết quả này lại đến từ việc kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh hơn nhiều so với xuất khẩu, chứ không phải do xuất khẩu gia tăng.

Gỗ và sản phẩm gỗ là điểm sáng của bức tranh xuất siêu bốn tháng đầu năm 2023. Ảnh: MINH DUY

Bức tranh thương mại

Hơn 6,3 tỉ đô la Mỹ là giá trị thặng dư thương mại hàng hóa đạt được trong bốn tháng đầu năm nay, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm trước (bốn tháng đầu năm trước xuất siêu 2,35 tỉ đô la). Đây là giá trị xuất siêu kỷ lục của kỳ bốn tháng từ trước đến nay và là một trong những điểm sáng của nền kinh tế trong những tháng đầu năm nay, trong bối cảnh tăng trưởng GDP giảm tốc bất ngờ và dòng vốn đầu tư nước ngoài giải ngân suy giảm so với cùng kỳ.

Trong đó, một số mặt hàng xuất siêu là: điện thoại và linh kiện 14,87 tỉ đô la; gỗ và sản phẩm gỗ 3,2 tỉ đô la; thủy sản 1,67 tỉ đô la; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện 1,06 tỉ đô la; rau quả 813 triệu đô la; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác 591 triệu đô la; dây điện và cáp điện 262 triệu đô la.

Tuy nhiên, đi sâu hơn vào bức tranh thương mại hàng hóa, có không ít vấn đề đáng lo ngại.

Đầu tiên là tổng giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu bốn tháng đầu năm nay giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 210,8 tỉ đô la (trong khi cùng kỳ năm trước tăng 16,6%). Riêng tháng 4 vừa qua ước đạt 53,57 tỉ đô la, giảm 7,7% so với tháng trước và giảm 18,8% so với cùng kỳ năm trước.

Nhập khẩu trong thời gian qua giảm mạnh cũng có thể đưa đến những hệ quả tiêu cực cho tăng trưởng trong tương lai. Nhìn vào lượng hàng nhập khẩu sụt giảm chủ yếu là máy móc, nguyên vật liệu đầu vào, cho thấy hoạt động sản xuất trong nước đang bị thu hẹp, sẽ ảnh hưởng lên hoạt động xuất khẩu trong giai đoạn tới.

Thứ hai là dù đạt được xuất siêu trong bốn tháng đầu năm nay, nhưng kết quả này lại đến từ việc kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh hơn nhiều so với xuất khẩu, chứ không phải do xuất khẩu gia tăng. Cụ thể, trong mức giảm 13,6% của tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nói trên, kim ngạch xuất khẩu giảm 11,8% trong khi nhập khẩu giảm 15,4%.

Một số mặt hàng có giá trị nhập khẩu lớn và giảm mạnh so với cùng kỳ có thể kể đến như: than đá giảm 15%; xăng dầu giảm 17%; hóa chất giảm 25%; sản phẩm hóa chất giảm 20%; chất dẻo giảm 33%; vải giảm 17%; điện tử, máy tính và linh kiện giảm 14%; máy móc, thiết bị giảm 14%; đặc biệt là điện thoại và linh kiện giảm đến 65%, chỉ còn đạt 2,56 tỉ đô la. Theo dự báo của Counterpoint Research, trong nửa đầu năm 2023, thị trường điện thoại toàn cầu sẽ vẫn chịu áp lực suy thoái và nhu cầu có thể khởi sắc hơn vào những tháng cuối năm.

Thứ ba là sự suy giảm diễn ra ở các khu vực kinh tế trong nước lẫn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể, trong khi khu vực trong nước ghi nhận giá trị kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm xấp xỉ ở mức 18%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ghi nhận mức giảm lần lượt là 12% và 17%.

Nguyên nhân ảnh hưởng

Trong bối cảnh giao thương toàn cầu suy yếu do tác động bởi nhiều yếu tố, cũng như xu hướng tái cấu trúc và chuyển dịch ở lĩnh vực này, Việt Nam dường như cũng không tránh khỏi ảnh hưởng chung. Theo UNCTAD, tăng trưởng thương mại toàn cầu dự báo sẽ đình trệ trong nửa đầu năm nay, nhưng giao dịch các loại “hàng hóa xanh” đang đi ngược xu hướng.

Cụ thể, kim ngạch thương mại đối với “hàng hóa xanh” đã tăng khoảng 4% trong nửa cuối năm 2022 và đạt mức kỷ lục 1.900 tỉ đô la vào cuối năm 2022, cao hơn 100 tỉ đô la so với năm 2021. Trong khi đó, Việt Nam vẫn có những hạn chế nhất định trong việc chuyển dịch sang xu hướng mới này, từ khả năng nắm bắt công nghệ, ý chí chuyển đổi và năng lực đáp ứng theo yêu cầu của đối tác.

Có thể thấy chính sách thắt chặt tiền tệ quyết liệt diễn ra trong hơn một năm qua trên toàn cầu, lãi suất tăng cao đã làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng tại các nền kinh tế, đặc biệt là những đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu. Số liệu thống kê cho thấy kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong bốn tháng đầu năm nay vào Mỹ giảm đến 22,1% so với cùng kỳ, trong khi vào thị trường EU giảm 14,1%.

Chính sách chống dịch Covid-19 của Trung Quốc khiến hoạt động sản xuất tại các thành phố lớn bị suy yếu, tiếp tục ảnh hưởng lên hoạt động xuất khẩu của nước này, từ đó làm cho những nước bị thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc như Việt Nam giảm bớt lượng hàng nhập khẩu trong thời gian qua. Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc của Việt Nam bốn tháng đầu năm nay giảm 13,4% so với cùng kỳ, giúp nhập siêu với Trung Quốc thu hẹp từ mức 18 tỉ đô la của bốn tháng cùng kỳ năm ngoái xuống còn 16,9 tỉ đô la.

Hệ quả từ cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine kéo dài trong hơn một năm qua cũng đã ảnh hưởng nhất định đến hoạt động giao thương toàn cầu, khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, ảnh hưởng lớn đến những quốc gia như Việt Nam.

Ngoài ra, tình trạng gian lận thương mại, giả mạo xuất xứ hàng hóa cũng có thể đã giảm dần trong thời gian qua, từ việc hoạt động sản xuất tại Trung Quốc bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 như đã nói, cho đến khả năng kiểm soát chặt chẽ hơn từ những quốc gia trung gian như Việt Nam cho đến các quốc gia là điểm đến của lượng hàng này như Mỹ.

Nửa mừng nửa lo

Kết quả xuất siêu lớn trong bốn tháng đầu năm nay đã góp phần hạn chế mức giảm tốc của tăng trưởng, cũng như hỗ trợ thị trường ngoại hối nhiều hơn nhờ nguồn cung ngoại tệ dồi dào hơn. Thực tế tiền đồng có xu hướng tăng giá so với đô la Mỹ từ đầu năm đến nay là minh chứng rõ nhất.

Tuy nhiên, là một quốc gia có độ mở cao, tính trên giá trị xuất, nhập khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (tính theo tỷ lệ phần trăm GDP), sự suy yếu trong hoạt động giao thương toàn cầu sẽ tiếp tục có những ảnh hưởng lên Việt Nam trong giai đoạn tới. Theo báo cáo của hãng Fitch Solutions phát hành vào tháng 8 năm ngoái, Việt Nam đứng thứ 5 trong số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ châu Á về độ mở của nền kinh tế, chỉ xếp sau Singapore, Hồng Kông, Macao và Malaysia.

Việc lãi suất tại nhiều nền kinh tế phát triển vẫn đang duy trì ở mức cao sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Xu hướng này về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam và cán cân thương mại, vốn có sự đóng góp rất lớn từ khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Một điểm đáng lưu ý khác là nhập khẩu trong thời gian qua giảm mạnh cũng có thể đưa đến những hệ quả tiêu cực cho tăng trưởng trong tương lai. Nhìn vào lượng hàng nhập khẩu sụt giảm chủ yếu là máy móc, nguyên vật liệu đầu vào, cho thấy hoạt động sản xuất trong nước đang bị thu hẹp, sẽ ảnh hưởng lên hoạt động xuất khẩu trong giai đoạn tới.

Theo một báo cáo của Bloomberg Intelligence gần đây, hệ thống thương mại toàn cầu đang trải qua những thay đổi về cấu trúc sẽ định hướng lại chuỗi cung ứng quốc tế trong nhiều thập kỷ tới. Trong đó, các doanh nghiệp đang giảm bớt sự phụ thuộc vào một nhà máy hoặc quốc gia duy nhất, còn các chính phủ muốn đảm bảo khả năng tiếp cận các nguyên liệu chính như chất bán dẫn và khoáng sản đất hiếm trong trường hợp thương mại thế giới chia thành các khối địa chính trị.

Xu hướng này vừa mang lại cơ hội nhưng cũng vừa mang đến thách thức cho Việt Nam. Đặc biệt, sự chia rẽ và quá trình tách rời của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc cũng sẽ mang lại những nguy cơ cho hoạt động thương mại của Việt Nam trong những năm tới.

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 650038
  • Truy cập hôm nay: 462
  • Đang trực tuyến: 3