Trạm Tấu doanh thu từ du lịch đạt 112 tỷ đồng

Năm 2023, tổng lượng khách du lịch đến huyện Trạm Tấu đạt 150.000 lượt người, đạt 136% so với kế hoạch. Trong đó, khách nội địa chiếm 144%, khách quốc tế chiếm 100,7%. Doanh thu đạt 112 tỷ đồng, đạt 131% kế hoạch.

Chinh phục sống lưng khủng long và rừng rêu ma mị trên đỉnh Tà Xùa, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu đang là điểm du lịch thu hút ngày càng nhiều du khách đến khám phá, trải nghiệm.

Để thu hút khách du lịch, ngay từ đầu năm, huyện đã triển khai nhiều giải pháp nhằm làm mới và tạo thêm các sản phẩm du lịch phù hợp với xu hướng, thị hiếu đa dạng của khách du lịch. Trong đó, cùng với tăng cường tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh, dịch vụ du lịch; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, huyện đã lấy trải nghiệm của du khách làm trung tâm.

Với khí hậu vùng cao quanh năm mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nguyên sơ, có nhiều đỉnh núi cao như: đỉnh Tà Chì Nhù, Tà Xùa thích hợp du lịch mạo hiểm; có thác nước Háng Đề Chơ được ví như “Đệ nhất thác Tây Bắc”, có thác Tà Xùa, đồi thông Eo Gió, bản Cu Vai và có trữ lượng nguồn nước khoáng nóng dồi dào nên Trạm Tấu hướng tới hoàn thiện hệ sinh thái du lịch theo chuỗi giá trị, tạo nên hình ảnh và điểm đến đặc thù: “Trạm Tấu, nơi hội tụ sắc màu văn hóa” với các sản phẩm du lịch như: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm và du lịch cộng đồng.

Đặc biệt, năm 2023, huyện Trạm Tấu đã kết hợp với Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức thành công Giải leo núi “Bước chân trên mây” góp phần quảng bá hình ảnh đẹp, điểm du lịch độc đáo của vùng cao Trạm Tấu tới đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Để trở thành điểm đến hấp dẫn với mục tiêu chung là phát triển du lịch xanh, hài hòa, bản sắc, bền vững và trở thành ngành kinh tế quan trọng, thời gian tới, huyện Trạm Tấu tiếp tục chú trọng quy hoạch, đầu tư và phát triển sản phẩm du lịch; tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá, kết nối tour, tuyến tới các địa phương; xây dựng, bảo tồn các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ gắn với những loại hình di sản văn hóa đặc sắc của địa phương như khèn Mông, nghệ thuật vẽ sáp ong trên vải của người Mông đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; đào tạo nguồn nhân lực làm du lịch chất lượng cao…

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 650208
  • Truy cập hôm nay: 632
  • Đang trực tuyến: 4