Tháng hành động vì Hợp tác xã năm 2024

Ngày 28/3, tại Hà Nội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam công bố thông tin về “Tháng hành động vì Hợp tác xã năm 2024” lần đầu tiên được tổ chức trong phạm vi cả nước; trong đó, cao điểm các sự kiện sẽ diễn ra chính thức từ ngày 29/3 đến 29/4.

Toàn cảnh cuộc gặp mặt báo chí.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho biết, Tháng hành động vì Hợp tác xã năm 2024 sẽ chính thức phát động vào sáng 29/3, tại Ninh Bình, với chủ đề xuyên suốt “Vì sự phát triển bền vững của hợp tác xã”.

Đây là lần đầu tiên diễn ra hoạt động này. Mục đích của Tháng hành động nhằm nâng cao nhận thức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, đổi mới, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động trong hệ thống Liên minh Hợp tác xã; tăng cường đối thoại, giới thiệu, quảng bá, kết nối giữa các tổ chức kinh tế tập thể và thành viên với các thành phần kinh tế khác; ghi nhận và tôn vinh các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích, đóng góp cho sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã và hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam.

Cùng với Lễ phát động, Tháng hành động vì Hợp tác xã năm 2024 sẽ bao gồm một chuỗi các hoạt động như: Diễn đàn Hợp tác xã quốc gia lần thứ nhất năm 2024 với chủ đề “Phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm”; Lễ tôn vinh hợp tác xã tiêu biểu và trao Giải Ngôi sao hợp tác xã Việt Nam năm 2024 “CoopStar Awards 2024”; Hội nghị khởi động thực hiện dự án “Thanh niên trong hợp tác xã thực hiện chuyển đổi số trong cộng đồng” do EU tài trợ…

Đáng chú ý, trong khuôn khổ Tháng hành động sẽ diễn ra Hội thảo quốc gia về nâng cao khả năng tiếp cận vốn của các hợp tác xã. Theo Chủ tịch Cao Xuân Thu Vân, đây cũng là một vấn đề đang rất được quan tâm. Tại Chương II, Luật Hợp tác xã năm 2023 quy định rất rõ chính sách của Nhà nước về phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; trong đó có hỗ trợ tiếp cận vốn. Chính vì vậy, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam kỳ vọng thông qua Hội thảo sẽ mang tới một cái nhìn toàn diện về thực trạng tiếp cận vốn tín dụng của khu vực kinh tế tập thể; để từ đó đề xuất giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn về vốn. “Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là sẽ có một gói tín dụng dành riêng cho hợp tác xã; đồng thời, về phía Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cũng sẽ nghiên cứu, xem xét để có đề án cho vay tín chấp đối với các hợp tác xã và thành viên hợp tác xã”, bà Cao Xuân Thu Vân cho hay.

Theo số liệu thống kê của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, tính đến 31/12/2023, cả nước có 31.364 hợp tác xã, trong đó có 20.710 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm 66,03%. Năm 2023, cả nước thành lập mới 2.156 hợp tác xã. Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã thu hút 7,05 triệu thành viên là hộ gia đình, chủ yếu ở địa bàn nông thôn (tăng 42.723 thành viên so năm 2022) và 2,58 triệu lao động (tăng 18.566 lao động); tổng vốn điều lệ đạt 60,069 nghìn tỷ đồng, bình quân 1,915 tỷ đồng/hợp tác xã; tổng giá trị tài sản đạt 194,332 nghìn tỷ đồng, bình quân 6,196 tỷ đồng/hợp tác xã (tăng 2,8%). Doanh thu của hợp tác xã tăng bình quân 5,1% so năm 2022; thu nhập của thành viên hợp tác xã nông nghiệp tăng 3-7%; hợp tác xã phi nông nghiệp tăng 2,1-7,5% so cùng kỳ năm 2022…

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 650837
  • Truy cập hôm nay: 439
  • Đang trực tuyến: 1