Thực tiễn cho thấy rất nhiều hộ gia đình ở thành phố, thị xã, thị trấn đang dôi dư từ vài chục đến cả trăm mét vuông đất trong khuôn viên của gia đình mình, diện tích đất dôi dư này thuộc loại đất vườn tạp, đất trồng cây lâm nghiệp… mà không phải đất ở đô thị.
Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất, trước đây khi thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai, nhiều hộ gia đình chỉ kê khai (đăng ký làm sổ đỏ) đúng với diện tích đã xây dựng nhà ở, phần diện tích còn lại như chuồng trại, sân vườn… do sợ phải nộp thuế nhà ở, đất ở nên không kê khai. Thứ 2, trong quá trình quản lý, sử dụng, đất đai trong các hộ gia đình có nhiều biến động do tự ý san tạo mặt bằng, mở rộng diện tích (đánh ta luy phía sau) hoặc do ta luy dương phía sau nhà mình có nguy cơ sạt lở hoặc đã bị sạt lở, các hộ gia đình đã hót, dọn, thuê phương tiện về đào, đánh rồi chiếm giữ luôn phần diện tích đó.
Xét ở góc độ nào thì phần diện tích đất dôi dư ấy vẫn do các hộ dân có công khai phá và trực tiếp quản lý, sử dụng qua nhiều năm; nhiều diện tích đất của các hộ gia đình đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dù chưa phải là đất ở. Theo ghi nhận, không ít hộ gia đình có nguyện vọng chuyển mục đích sử dụng diện tích đất này, sẵn sàng nộp 100% tiền giao đất theo khung giá đất của UBND tỉnh hoặc xin nộp tiền giao đất sau khi đã miễn giảm một phần tiền do trước đó các hộ, gia đình đã bỏ kinh phí ra san tạo, đào đắp. Thiết nghĩ, đây là nguyện vọng hết sức chính đáng của người dân, rất cần các cấp chính quyền quan tâm giải quyết.
Trước hết, UBND xã, phường, thị trấn cần tổ chức rà soát, kiểm tra, yêu cầu các gia đình kê khai, đăng ký nhu cầu… trên cơ sở đó tạo điều kiện giúp người dân hoàn thiện các bước thủ tục hành chính một cách đơn giản nhất, ngắn gọn nhất nhưng phải đảm bảo các quy định của pháp luật, rồi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho người dân.
Được biết, thời gian qua một số địa phương ở thành phố Yên Bái, huyện Trấn Yên đã triển khai hướng dẫn người dân kê khai, đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó có cả phần diện tích dôi dư như đã nói ở trên. Tuy nhiên, làm một cách bài bản, quy mô, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và có những biện pháp giúp đỡ, tạo điều kiện, nhất là xem xét việc giảm bớt một phần kinh phí hoặc hỗ trợ kinh phí do các hộ gia đình đã đầu tư san tạo mặt bằng thì chưa triển khai hoặc triển khai thiếu đồng bộ, thiếu cụ thể.
Song song với việc tạo điều kiện giúp người dân hoàn thiện hồ sơ, thủ tục và miễn giảm một phần tiền giao nộp (nếu có), chính quyền cũng phải mạnh tay xử lý các trường hợp đã cố tình xây dựng trái phép trên phần diện tích dôi dư nhưng cũng không chịu làm thủ tục chuyển đổi mục đích từ đất khác sang đất ở khi đã được tạo điều kiện; trong trường hợp cố tình thì phải có biện pháp cưỡng chế.
Tình trạng đất dôi dư trong các hộ gia đình là tương đối phổ biến tại nhiều khu vực dân cư, trong khi nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất (phần diện tích dôi dư) của người dân là có thật và không hề nhỏ. Triển khai giải quyết tốt vấn đề này không chỉ góp phần tăng thu ngân sách mà còn giúp người dân chấp hành nghiêm Luật Đất đai, Luật Xây dựng và các quy định về trật tự đô thị; thuận lợi hơn khi giải quyết các vấn đề dân sự có liên quan như: tranh chấp, mua bán, trao đổi, thừa kế cho con cháu cũng như cải tạo nhà cửa kết hợp với sản xuất kinh doanh.
Những vướng mắc về thủ tục, những quy định về đăng ký kế hoạch sử dụng đất, việc xác minh nguồn gốc đất… cũng rất cần được tháo gỡ trong quá trình hợp thức hóa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất ở đối với diện tích đất dôi dư này.