Sôi động cuộc đua tăng vốn ngân hàng

Từ đầu tháng 6/2024 đến nay, nhiều ngân hàng được chấp thuận tăng vốn điều lệ hoặc công bố kế hoạch chia cổ tức phát hành cổ phiếu mới, chào bán riêng lẻ, phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài…

Ảnh minh hoạ.

Ngân hàng đồng loạt tăng vốn khủng

Hội đồng Quản trị (HĐQT) ngân hàng SHB vừa quyết định ngày 19/7 tới là thời điểm chốt danh sách cổ đông để thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt với tỉ lệ 5%. Thời gian chi trả cổ tức là ngày 6/8.

Cụ thể, SHB sẽ chia cổ tức năm 2023 là 16% gồm 5% bằng tiền mặt và 11% bằng cổ phiếu, dự kiến nâng vốn điều lệ lên 40.658 tỷ đồng. Ngân hàng đang hoàn thiện hồ sơ trình cơ quan quản lý, thực hiện các thủ tục chuẩn bị triển khai phát hành trả cổ tức 2023 bằng cổ phiếu tỉ lệ 11% trong quý III năm nay.

SeABank dự kiến phát hành 329 triệu cổ phiểu để trả cổ tức năm 2023 và phát hành 10,3 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu tương đương tổng tỉ lệ gần 14%. Thời gian dự kiến triển khai vào quý III/2024. Ngân hàng cũng sẽ phát hành 45 triệu cổ phiếu ESOP năm 2024.Sau khi hoàn thành 2 đợt phát hành cổ phiếu trên, vốn điều lệ của SeABank sẽ tăng 3.843 tỷ đồng lên 28.800 tỷ đồng. Kế hoạch này nằm trong lộ trình tăng vốn được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của SeABank thông qua và đã nhận được văn bản chấp thuận của NHNN.

Tương tự, một ngân hàng vừa được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ là NamABank, từ 10.580 tỷ đồng lên 13.725 tỷ đồng; MSB được tăng vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 30%, tăng lên 26.000 tỷ đồng; Techcombank tăng từ 35.225 tỷ đồng lên 70.450 tỷ đồng; Eximbank được tăng vốn điều lệ thêm 1.219 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức. Nếu phát hành thành công, Eximbank sẽ có vốn điều lệ là 18.688 tỷ đồng; Sau khi hoàn tất phát hành gần 583 triệu cổ phiếu, ACB có vốn điều lệ gần 45.000 tỷ đồng, cao thứ 6 hệ thống…

Đáng chú ý, một số ngân hàng đang có kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới. Vietcombank dự kiến chào bán riêng lẻ 307,6 triệu cổ phiếu cho đối tác Mizuho Bank (46,1 triệu cổ phiếu) và các nhà đầu tư khác (261,4 triệu cổ phiếu), BIDV có kế hoạch phát hành riêng lẻ 9% cổ phần, Techcombank, SHB, LPBank đều có kế hoạch tìm kiếm nguồn vốn đầu tư từ các định chế tài chính quốc tế, cổ đông chiến lược nước ngoài.

Nhìn lại VPBank, sau khi hoàn tất bán 15% vốn cổ phần ngân hàng cho nhà đầu tư nước ngoài là Tập đoàn SMBC (Nhật Bản) trong năm ngoái, vốn điều lệ của ngân hàng này đã tăng lên rất mạnh và vươn lên dẫn đầu về quy mô vốn điều lệ.

Tạo sức bật từ tăng vốn

Các chuyên gia đánh giá, năm 2024 được xem là năm có nhiều ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn điều lệ nhất. Thống kê sau mùa Đại hội đồng cổ đông thường niên cho thấy, nhiều ngân hàng đã rục rịch triển khai tăng vốn với con số lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Việc tăng vốn điều lệ không chỉ giúp các ngân hàng nâng cao khả năng ứng phó với rủi ro mà còn mở ra nhiều cơ hội để mở rộng hoạt động kinh doanh, gia tăng lợi nhuận, là cơ sở để các ngân hàng tiếp tục nâng cao khả năng cạnh tranh, thúc đẩy quá trình phát triển, tăng cường năng lực tài chính.

Đặc biệt, vốn điều lệ là một cấu phần chủ yếu để tính toán hệ số an toàn vốn (CAR) và xếp hạng các tổ chức tín dụng. Theo Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025, ngành ngân hàng phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng thương mại đạt tối thiểu 11 – 12%.

Điển hình, MSB cho biết, việc tăng vốn điều lệ trong năm 2024 tiếp tục tạo động lực nâng vị thế cạnh tranh của ngân hàng theo quy mô, hỗ trợ bộ đệm vốn, giữ hệ số an toàn vốn CAR ở mức cao đồng thời góp phần thúc đẩy dòng chảy tín dụng.

Bên cạnh đó, những khó khăn từ nền kinh tế càng khuyến khích các ngân hàng phải làm dày “bộ đệm” vốn. Vì thế, các ngân hàng đã tích cực thực hiện nhiều kế hoạch và chiến lược để tăng vốn.

Là một trong số các tổ chức tín dụng đầu tiên được NHNN chấp thuận tăng vốn năm 2024, LPBank cho hay, mục đích nâng cao năng lực tài chính, tăng khả năng cạnh tranh của ngân hàng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tối đa hóa lợi ích cho khách hàng, đối tác và cổ đông. Bộ đệm vốn dày cũng cho phép LPBank hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay, góp phần khơi thông dòng chảy tín dụng.

Trong kế hoạch tăng vốn, Techcombank tập trung nguồn lực trở thành ngân hàng thương mại dẫn đầu phát huy lợi thế về vốn, nguồn thu đa dạng, phát triển các chuỗi giá trị và tập trung lợi thế tiên phong trong việc quản lý gia sản. Phấn đấu đến năm 2025, Techcombank tham vọng hướng đến mục tiêu Lọt Top 10 ngân hàng Đông Nam Á, đạt mức vốn hóa 20 tỷ USD dựa trên cung cấp các tư vấn và giải pháp tài chính cá nhân hóa, được “may đo” riêng cho từng tệp khách hàng, nhờ năng lực số hóa và dữ liệu lớn (Big Data).

Về triển vọng ngành ngân hàng nửa cuối năm 2024, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế sẽ hoàn thành kế hoạch 15% dựa trên những kỳ vọng nâng cao năng lực các tổ chức tín dụng, tiếp tục triển khai chủ trương duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp để hỗ trợ kinh tế hồi phục.

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 669165
  • Truy cập hôm nay: 47
  • Đang trực tuyến: 7