Rà lại quy định, giảm lượng doanh nghiệp phải kiểm trước, hoàn thuế sau

Theo tìm hiểu của phóng viên báo chí, những ách tắc trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với các doanh nghiệp xuất khẩu như: Gỗ, cao su, lĩnh vực sản xuất, chế biến sắn… có nhiều nguyên nhân, trong đó xuất phát từ những công văn hướng dẫn nghiệp vụ nội bộ của ngành Thuế.

Mặt hàng dăm gỗ từng được xuất khẩu sang các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore…

Liệu có bất cập trong chính sách?

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, doanh nghiệp lao đao thì lại có những doanh nghiệp xuất khẩu có đơn hàng cũng không dám nhận bởi nếu mỗi chuyển tàu xuất khẩu với trị giá 100 tỷ đồng, thì khoảng 10 tỷ đồng tiền thuế giữ lại. 

Tình trạng chậm trễ hoàn thuế GTGT diễn ra từ cuối năm 2022. Nguyên nhân được xác định là do cơ quan thuế yêu cầu xác minh nguồn gốc vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, việc trích xuất này diễn ra quá chậm, vì lực lượng xác minh mỏng, nguồn cung lại nhiều và phức tạp.

Tại Cảng Cái Lân (tỉnh Quảng Ninh) vào những ngày đầu tháng 8/2023, hàng loạt xe ben, xe ủi, máy múc gỗ dăm phải ngừng hoạt động, nhiều công nhân đã phải nghỉ việc do nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ dăm bị cạn kiệt nguồn tiền, không có vốn mua nguyên liệu 

Theo bà Phạm Thị Vinh, Giám đốc Công ty 12-11 Hạ Long (Quảng Ninh), hơn 1 năm qua, số tiền chậm hoàn thuế GTGT của doanh nghiệp đã lên đến hơn 150 tỷ đồng, hàng loạt người lao động phải nghỉ việc và số vốn đầu tư công nghệ máy móc lên tới hàng trăm tỷ đồng giờ phải đóng cửa. 

‘‘Công văn 633 của Tổng cục Thuế trong việc thanh, kiểm tra doanh nghiệp có rủi ro về hoàn thuế GTGT ban hành ngày 7/3/2022 đã khiến doanh nghiệp bị đứt gẫy dòng tiền, ngừng sản xuất. Theo công văn này, cơ quan Thuế tiến hành kiểm tra những doanh nghiệp F0; đồng thời xác minh việc mua bán nguyên liệu của doanh nghiệp xuất khẩu qua các khâu từ F1, F2, F3 đến khâu cuối theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế‘‘, bà Phạm Thị Vinh cho biết.

Ông Thang Văn Thông, Phó Chi hội trưởng, Chi hội dăm gỗ Việt Nam cho biết: Cơ quan Thuế đưa ra các biện pháp quản lý chặt chẽ trong việc hoàn thuế GTGT là đúng và cũng có những lý do riêng nhưng những lý do này chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay của doanh nghiệp. Theo một số doanh nghiệp ngành chế biến, xuất khẩu gỗ, việc xác minh nguồn gốc gỗ tới tận hộ trồng rừng mới được hoàn thuế GTGT là nhiệm vụ ‘‘bất khả thi‘.

Nợ đọng hoàn thuế GTGT đối với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, trong đó có ngành dăm gỗ đang nóng hơn bao giờ hết.

Ông Ngô Sỹ Hoài – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết: Tại các tỉnh phía Bắc có khoảng gần 200 doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đang chờ, chưa được hoàn thuế hơn 6.000 tỷ đồng. Riêng khu vực Cảng Cái Lân, tỉnh Quảng Ninh có 11 doanh nghiệp, với số tiền chưa được hoàn đã hơn 1.000 tỷ đồng.

“Cần sớm tiến hành việc hoàn thuế GTGT cho các doanh nghiệp ngành gỗ khi số tiền cần hoàn là rất lớn; đồng thời ngành Thuế cần đưa các doanh nghiệp ngành gỗ ra khỏi luồng doanh nghiệp rủi ro cao trong hoàn thuế bởi nguồn nguyên liệu chủ yếu từ rừng trồng của nông dân nên để đáp ứng yêu cầu của cơ quan Thuế rất khó…”, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị.

Theo VIFOREST, lý do chủ yếu dẫn đến tình trạng ách tắc trong việc hoàn thuế GTGT là do Cục thuế các địa phương thực hiện theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế tại các văn bản: Công văn số 2124/TCT-TTKT ngày 22/5/2020 (yêu cầu xác minh, đối chiếu nguồn gốc mặt hàng gỗ dăm, gỗ thành phẩm nhằm đảm bảo việc giải quyết hoàn thuế GTGT); Công văn số 2928/TCT-TTKT ngày 22/7/2020 (về thanh tra, kiểm tra hoàn thuế GTGT) Công văn số 4569/TCT-TTKT ngày 27/10/2020 (về việc hoàn thuế có rủi ro cao); Công văn số 429/TCT-TTKT ngày 22/2/2021 (yêu cầu rà soát các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa có rủi ro cao như linh kiện điện tử, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, hàng nông lâm thủy hải sản).

Theo đó, ngành Thuế coi gỗ và các mặt hàng gỗ được làm từ gỗ rừng trồng trong nước là mặt hàng có độ rủi ro cao về thuế nên yêu cầu các cục thuế địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, phối hợp với cơ quan công an, hải quan, chính quyền địa phương… trong việc xác minh nguồn gốc gỗ từ rừng trồng, dẫn đến ách tắc trong việc xác định nguồn gốc gỗ rừng trồng và tính pháp lý trong các giao dịch ở các khâu trung gian trong chuỗi cung ứng. Từ đó, ách tắc việc hoàn thuế GTGT cho doanh nghiệp nằm ở khâu cuối của chuỗi cung ứng.

Trong khi đó tại Thông tư số 27/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn BNNPTNT quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc lâm sản, tại các điều 15, 16 và 20 của Thông tư này quy định, gỗ có nguồn gốc từ cây phân tán, vườn, rừng trồng trong nước đã đảm bảo về nguồn gốc hợp pháp, người dân tự quyết định việc khai thác, tự lập bảng kê lâm sản, tự do lưu thông và không phải xác nhận về nguồn gốc của cơ quan quản lý Nhà nước.

”Văn bản số 2124/CT-TTKT, ngày 22/5/2020 của Tổng cục Thuế xác định các doanh nghiệp và ngành nghề có rủi ro trong việc hoàn thuế GTGT chỉ đánh giá trên cơ sở các công ty sản xuất và kinh doanh ván dán. Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu sản phẩm đồ mộc nội thất, ngoại thất, dăm gỗ và viên nén đều bị xem xét là có nguy cơ rủi ro cao trong việc hoàn thuế GTGT”, ông Ngô Sỹ Hoài cho biết.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, việc chậm trễ hoàn thuế hiện nay do hướng dẫn của Tổng cục Thuế coi gỗ và các mặt hàng gỗ làm từ gỗ rừng trồng trong nước có độ rủi ro cao về nguồn gốc.  

Cần phải xem xét từng hồ sơ, trường hợp cụ thể mới xác định rõ các nguyên nhân

Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 5/8, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết: Trong 7 tháng năm 2023, cơ quan thuế đã ban hành 9.800 quyết định hoàn thuế cho doanh nghiệp, với số tiền hoàn là 70.356 tỷ đồng.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, quy định về hoàn thuế GTGT theo Luật Quản lý thuế chia ra 2 trường hợp gồm hoàn trước – kiểm sau và kiểm trước – hoàn sau. Trong cả 2 trường hợp này đều có quy định về thời hạn hoàn thành, tính từ khi doanh nghiệp trình đầy đủ các hồ sơ theo quy định của pháp luật. Đối với trường hợp hoàn trước – kiểm tra sau thì quy định là 6 ngày. Còn đối với kiểm tra trước – hoàn sau, quy định là 40 ngày.

Về trách nhiệm trong trường hợp chậm hoàn thuế, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nêu rõ: Muốn xác định trách nhiệm khi chậm hoàn thuế thuộc về cơ quan thuế hay thuộc về doanh nghiệp, người dân, cần phải xem xét đến từng trường hợp cụ thể, hồ sơ cụ thể và từ đó xác định nguyên nhân.

Tuy nhiên, từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, Thứ trưởng khẳng định, một khi việc hoàn thuế chậm thì cơ quan nhà nước phải xem xét, rà soát, cải tiến để khắc phục vấn đề này. Trong đó, trước hết là rà soát các quy định của pháp luật, quy trình và cách thức triển khai công tác hoàn thuế, từ đó xem xét điều chỉnh, cải tiến nhằm rút ngắn quy trình, bảo đảm yêu cầu nhanh, chính xác, đồng thời phải phòng ngừa rủi ro, chống gian lận, lậu thuế trong việc hoàn thuế GTGT.

Năm 2022, cơ quan thuế trên cả nước đã hoàn thuế trên 150.000 tỷ đồng với 20.774 quyết định hoàn thuế. 7 tháng đầu năm 2023, cơ quan thuế cả nước đã hoàn cho các doanh nghiệp là 70.356 tỷ đồng với 9.800 quyết định hoàn thuế. Trong các trường hợp hoàn thuế này, theo phân loại, gần 80% thuộc nhóm 1 là hoàn trước – kiểm sau; còn lại hơn 20% thuộc nhóm kiểm trước – hoàn sau.

”Ngành Thuế đang triển khai tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, kể cả ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc xây dựng dữ liệu về doanh nghiệp, từ đó phân tích các dữ liệu để sàng lọc và chủ động xử lý những doanh nghiệp có rủi ro trước, giảm đi những doanh nghiệp phải kiểm trước rồi hoàn sau. Vừa qua, có công ty chỉ kinh doanh yến sào nhưng trong một thời gian rất ngắn xuất hóa đơn với doanh thu trên 30.000 tỷ đồng. Khi đã có số liệu rồi thì chúng tôi phân tích kiểm tra trước. Rõ ràng hợp pháp và hợp lý thì doanh nghiệp này được hoàn thuế rất nhanh”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết.

Ngoài ra, giải pháp nâng cao năng lực cho cán bộ của cơ quan quản lý thuế và cả năng lực của doanh nghiệp trong hiểu biết các quy định về pháp luật của ngành thuế, để từ đó chủ động, tự giác thực hiện các quy định về thuế.

Đồng thời, chú trọng nâng cao kỷ cương, kỷ luật công vụ đối với cán bộ thuế, yêu cầu thực hiện đúng quy trình, quy định pháp luật, không gây khó khăn cho doanh nghiệp. “Trường hợp gây khó khăn thì xử lý nghiêm, cũng như kiên quyết xử lý nghiêm nếu doanh nghiệp có vi phạm, gian lận trong quá trình hoàn thuế GTGT”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi khẳng định.

Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, đã đẩy nhanh tiến độ giải quyết hoàn thuế GTGT; đồng thời đẩy mạnh kiểm soát công tác này, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Cụ thể: ngành Thuế đã ban hành 9.990 quyết định trong bảy tháng của năm, tương ứng số thuế đã hoàn 71.825 tỷ đồng, bằng 39% kinh phí hoàn thuế GTGT năm 2023 được Quốc hội phê duyệt và tương đương 85% cùng kỳ năm 2022.

Theo Cổng TTĐT tỉnh


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 650799
  • Truy cập hôm nay: 401
  • Đang trực tuyến: 1