Quốc hội đồng ý giảm 2% thuế VAT đến giữa năm 2024

Quốc hội đồng ý kéo dài thời gian giảm 2% thuế VAT đến giữa năm 2024. Việc giảm thuế này không áp dụng cho các lĩnh vực, dịch vụ chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, hóa chất và hàng hoá chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Việc tiếp tục giảm thuế VAT nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa. Ảnh minh họa

Sáng 29/11, với 477/477 đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Theo nghị quyết, các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% được giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024.

Mức thuế giảm này không áp dụng với một số hàng hóa, dịch vụ, đã được quy định tại Nghị quyết số 43, gồm: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Chính phủ được giao tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến dự toán thu và bội chi ngân sách Nhà nước năm 2024, báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện tại Kỳ họp thứ 7 (giữa năm 2024).

Quốc hội cũng đồng ý cho phép kéo dài thời gian thực hiện Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đến hết ngày 31/12/2024. Quốc hội bổ sung 966,749 tỷ đồng từ dự phòng chung nguồn ngân sách Trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 cho dự án này.

Tại kỳ họp này, Quốc hội thông qua 7 luật và 9 nghị quyết; cho ý kiến lần đầu với 8 dự án luật. Quốc hội cũng cho ý kiến việc tiếp thu, chỉnh lý và quyết định điều chỉnh thời điểm trình xem xét, thông qua Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sang kỳ họp gần nhất. Việc này để đảm bảo chất lượng và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn hiện nay.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội được giao tổ chức quán triệt, triển khai các luật, nghị quyết được thông qua. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trình, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉnh lý các dự thảo luật đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu, bảo đảm chất lượng, tiến độ.

Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tập trung đầu tư nguồn lực cho xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế.

Các Đại biểu Quốc hội tại phiên bế mạc sáng nay.

Đồng thời, phải có giải pháp khắc phục hiệu quả tình trạng né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức. Các hành vi tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật phải xử lý nghiêm, theo yêu cầu của Quốc hội.

Ngoài ra, Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực (quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, tài sản công; đấu thầu, mua sắm tài sản công; đấu giá, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu, tổ chức cán bộ…); kịp thời phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Khẩn trương giải quyết các vụ việc, vụ án tạm đình chỉ, trong đó tập trung xử lý những vụ đã hết hoặc gần hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, các trường hợp còn tồn đọng do lỗi chủ quan, không để xảy ra việc tạm đình chỉ không đúng pháp luật.

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 681517
  • Truy cập hôm nay: 666
  • Đang trực tuyến: 1