Phong phú “đặc sản” du lịch miền Tây Yên Bái

Với tiềm năng đa dạng và độc đáo, Yên Bái đang là điểm đến du lịch nổi tiếng ở miền Bắc, chào đón hàng triệu du khách mỗi năm. Bên cạnh các danh thắng còn đậm nét hoang sơ cùng với những nét văn hoá bản địa hấp dẫn, nhân kỳ nghỉ lễ 30/4- 1/5, các địa phương miền Tây của tỉnh đã cho ra mắt nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn.

Vòng xoè bất tận ở Mường Lò.

Mù Cang Chải đang vào mùa nước đổ là một trong những thời điểm đẹp nhất khi đến với mảnh đất này. Khí hậu tháng 4, tháng 5 mang đến sự mềm mại, thanh trong cho con người và mảnh đất nơi đây. Màu nâu của đất hòa với màu của trời xanh, mặt nước óng ánh dưới nắng vàng rực rỡ, Mù Cang Chải mùa nước đổ khoác lên mình chiếc áo mới đầy màu sắc, quyến rũ một cách riêng khác với thời điểm lúa chín.

Dưới ánh nắng phản chiếu của nước quyện cùng ánh mặt trời và màu xanh của mạ non, thấp thoáng bóng dáng của những đứa trẻ theo mẹ lên nương tạo nên một bức tranh đẹp mê mẩn trên những thửa ruộng bậc thang. Vào mùa này, các thác nước cũng đầy ắp và trắng xóa là trải nghiệm vô cùng thú vị. Phải kể đến như: thác Mơ, thác Pú Nhu…

Cùng những địa điểm lý tưởng ngắm trọn vẹn vẻ đẹp của núi rừng Mù Cang Chải là đèo Khau Phạ, vòng cung móng ngựa Sáng Nhù, La Pán Tẩn.

Huyện Mù Cang Chải có khoảng trên 61.000 dân, trong đó 91% là dân tộc Mông, còn lại là dân tộc Thái, Kinh và các dân tộc khác. Sự đa dạng về dân tộc cũng tạo nên cho Mù Cang Chải có một nền văn hóa phong phú, tạo nên sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc.

Để khởi động mùa du lịch hè cũng như xây dựng các sản phẩm du lịch mang thương hiệu Mù Cang Chải vào mùa nước đổ, huyện đã chuẩn bị các điều kiện tổ chức “Ngày hội thống nhất” và các hoạt động du lịch Mùa nước đổ năm 2023. Lễ khai mạc sẽ diễn ra vào tối ngày 29/4 với chương trình nghệ thuật hoành tráng ngay tại sân khuôn viên trung tâm.

Với kinh nghiệm nhiều năm, hoạt động “Bay trên mùa nước đổ” được tổ chức chỉn chu với 2 phần: bay trình diễn do các phi công trong và ngoài nước thực hiện; bay trải nghiệm cho khách du lịch. Cùng với đó, các hoạt động trải nghiệm mùa nước đổ còn có nhiều nội dung phong phú, hấp dẫn.

Trong đó, tiêu biểu như tổ chức các trò chơi dân gian, thể thao dân tộc; biểu diễn múa khèn đặc sắc; hoạt động du lịch cộng đồng cho du khách trải nghiệm những giá trị văn hóa dân tộc Thái, Mông; khám phá cảnh quan thiên nhiên; trải nghiệm thực hành làm các sản phẩm văn hóa vẽ hoa văn bằng sáp ong, chế tác nhạc cụ, biểu diễn các tiết mục văn nghệ; trải nghiệm leo núi…

Đặc biệt, năm nay, lần đầu tiên Mù Cang Chải ra mắt điểm cắm trại “Koong Hill” tại bản Tà Dông, xã Cao Phạ sẽ mang tới cho du khách những trải nghiệm thú vị… Các hoạt động này được tổ chức thành chuỗi liên tục, đảm bảo một điểm đến du khách được trải nghiệm nhiều sản phẩm du lịch.

Mù Cang Chải mùa nước đổ.

Anh Đình Nam ở Cầu Giấy, Hà Nội tới Mù Cang Chải trước kỳ nghỉ lễ chia sẻ: “Mù Cang Chải rất hấp dẫn. Rất tiếc là gia đình tôi phải về sớm không được tham gia hết các hoạt động như mọi người giới thiệu. Chúng tôi sẽ quay lại tiếp tục khám phá Mù Cang Chải và chắc chắn sẽ trải nghiệm cắm trại Koong Hill. Tôi đã tới địa điểm đó, rất hùng vĩ”.

Du lịch Nghĩa Lộ từ lâu đã được biết đến với những điểm du lịch hấp dẫn bởi nét đặc sắc trong văn hóa cũng như truyền thống cách mạng của các dân tộc sinh sống trên địa bàn như: Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Di tích lịch sử, văn hóa Căng và Đồn Nghĩa Lộ, chợ Mường Lò, du lịch sinh thái ở xã Nghĩa Lợi, Nghĩa An…

Trên con đường đến với Nghĩa Lộ là một cuộc hành trình thú vị, được trải nghiệm, khám phá thiên nhiên kỳ thú, các di tích, di sản văn hóa độc đáo và vô cùng phong phú của các dân tộc thiểu số vùng cánh đồng Mường Lò. Nhắc đến Nghĩa Lộ là nhắc đến một nét văn hóa vô cùng đặc sắc, hấp dẫn đó là văn hóa Thái.

Ở Nghĩa Lộ, đồng bào dân tộc Thái chiếm tới 48% dân số. Các bản làng người Thái vẫn mang vẻ nguyên sơ với những nếp nhà sàn, lối sinh hoạt thường nhật, văn hóa ẩm thực, trang phục, các loại hình văn nghệ dân gian với những điệu dân ca, dân vũ độc đáo, nổi bật là những điệu xòe mê đắm lòng người.

Du khách sẽ được tham dự những loại hình sinh hoạt văn hóa độc đáo hay ngâm mình thư giãn trong các nguồn suối khoáng, thưởng thức các món ăn dân tộc: xôi nếp ngũ sắc, thịt trâu sấy, gà nướng, cá suối, rau rừng, rêu suối…

Những năm gần đây, dịch vụ du lịch được xem là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của thị xã Nghĩa Lộ với nhiều tiềm năng phát triển. Đặc biệt là từ khi xoè Thái được ghi danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, địa phương càng có cơ hội xây dựng nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc.

Năm nay, thị xã Nghĩa Lộ tổ chức Hội thi “Lung linh vòng xòe”, chọn những vòng xòe đẹp nhất trình diễn phục vụ du khách vào đúng dịp nghỉ lễ 30/4. Hội thi vừa đẩy mạnh được phong trào gìn giữ di sản văn hoá bản địa, vừa tạo ra sản phẩm du lịch mới trong kỳ nghỉ lễ năm nay.

Cùng với đó, là hoạt động trải nghiệm quy trình sản xuất sản phẩm dệt thổ cẩm của người Thái, người Mường. Là du khách đến với Nghĩa Lộ sớm, được hòa mình vào không khí lễ hội của Hội thi “Lung linh vòng xoè”, chị Thu Hương ở Hải Phòng phấn khởi: “Tôi thật may mắn được xem Hội thi, cô gái nào ở Mường Lò cũng xinh, cũng múa dẻo. Những vòng xoè có sức hút lạ kỳ lắm, làm cho tinh thần phấn chấn, yêu đời, nhìn mọi việc trong cuộc sống nhẹ nhàng hơn. Đúng là đi Mường Lò để làm mới bản thân là có thật!”.

Huyện Trạm Tấu cũng tổ chức các hoạt động du lịch đặc sắc như: Chương trình “Sắc màu Trạm Tấu”, gồm có hoạt động cắm trại, ẩm thực, văn nghệ; trình diễn nghệ thuật Khèn Mông; giới thiệu các sản phẩm nông sản OCOP của huyện; Chương trình giao lưu nghệ thuật tại Công viên Đồi thông Eo Gió – thị trấn Trạm Tấu; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại khu nghỉ dưỡng khoáng nóng, Hợp tác xã Cường Hải; trải nghiệm leo núi mạo hiểm đỉnh Tà Xùa, xã Bản Công; tổ chức hoạt động leo núi, trải nghiệm tại đỉnh Tà Chì Nhù; tham quan, trải nghiệm tại các làng nghề truyền thống dệt, rèn dao, chế tác khèn Mông; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao; hoạt động lễ hội, văn hóa bản sắc và trải nghiệm.

Ngoài ra, huyện Trạm Tấu còn phối hợp với thành phố Yên Bái tham gia chương trình nghệ thuật “Sắc màu văn hóa các dân tộc Yên Bái” tại thành phố; phối hợp Bảo tàng tỉnh Yên Bái trưng bày chuyên đề “Cộng đồng các dân tộc và tôn giáo Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” tại UBND huyện Trạm Tấu; tổ chức các hoạt động thể thao, các giải thể thao truyền thống…

Các địa phương miền Tây của tỉnh cùng với các huyện thị xã, thành phố của tỉnh Yên Bái đồng loạt tổ chức nhiều hoạt động du lịch, văn hóa nhân dịp nghỉ lễ 30/4-1/5. Dựa trên những tiềm năng sẵn có, không khó để các địa phương, vốn là điểm đến lý tưởng, có thể xây dựng được những sản phẩm du lịch đặc sắc tạo nên bức tranh du lịch Yên Bái trong kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5 sống động, hấp dẫn.

Sự chỉ đạo thực hiện đồng bộ đã tạo nên sự nhộn nhịp khắp các địa phương trong tỉnh vừa chuẩn bị đón khách vừa tạo được không khí vui tươi phấn khởi trong nhân dân, đặc biệt tạo ra các sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn mang dấu ấn riêng, xây dựng thương hiệu du lịch Yên Bái.

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 669730
  • Truy cập hôm nay: 612
  • Đang trực tuyến: 6