Các vấn đề môi trường vô cùng quan trọng giống như hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp và tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế…
Ngày 11/4, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức lễ công bố: Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2022.
Chỉ số PCI do VCCI thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) để đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố, qua đó thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam.
Bắc Giang- hiện tượng mới, các trung tâm kinh tế lớn sụt giảm thứ hạng
Báo cáo PCI 2022 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ 11.872 doanh nghiệp, trong đó có 10.590 doanh nghiệp tư nhân và và 1.282 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại Việt Nam.
Điểm tích cực ghi nhận được từ kết quả PCI 2022 là chất lượng điều hành cấp tỉnh tiếp tục có sự cải thiện theo thời gian. Điểm trung vị PCI 2022 đạt 65,22 điểm, tiếp tục tăng năm thứ sáu liên tiếp.
Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Tháp lần lượt là các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế được đánh giá cao nhất trong Bảng xếp hạng PCI 2022.
Lần thứ 6, Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng PCI 2022 với 72,95 điểm trên thang điểm 100. Từ năm 2017 đến năm 2022, Quảng Ninh xuất sắc giành vị trí dẫn đầu về chất lượng điều hành kinh tế, với nhiều sáng kiến thu hút đầu tư và cải cách hành chính.
“Nhờ những nỗ lực này, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh được các doanh nghiệp đánh giá tích cực trong khảo sát PCI với 93% ý kiến đánh giá “cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả” và 91% ý kiến đồng ý “thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn hơn so với quy định”, báo cáo cho biết.
Không chỉ vậy, những năm gần đây, Quảng Ninh cũng nổi lên là một điểm sáng về đào tạo lao động. 78% doanh nghiệp đánh giá “giáo dục phổ thông tại tỉnh có chất lượng tốt” và 69% doanh nghiệp nhận định “giáo dục dạy nghề tại tỉnh có chất lượng tốt.” Đây là các kết quả tốt nhất trong hai chỉ tiêu PCI này trên toàn quốc.
Xếp ngay sau Quảng Ninh ở vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng PCI 2022 là tỉnh Bắc Giang với điểm số ấn tượng 72,80. Ông Đậu Anh Tuấn, Uỷ viên Ban thường trực, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban pháp chế, VCCI, nhấn mạnh, Bắc Giang là hiện tượng mới trong PCI 2022 – lần đầu tiên bước lên top 2, khi tỉnh này cải thiện 29 bậc và 8,06 điểm so với PCI 2021.
Cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đánh giá rất tích cực chủ trương nhất quán “đồng hành cùng doanh nghiệp” của chính quyền tỉnh. Trong những năm gần đây, tỉnh đã tăng cường tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp qua nhiều kênh giao tiếp, nhằm lắng nghe ý kiến đề xuất, kịp thời giải quyết tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Tỉnh Bắc Giang đã chú trọng nâng cao nhận thức của toàn bộ hệ thống chính quyền về công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp chẳng hạn với việc tổ chức liên tục cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu và sáng kiến về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh” trong năm 2021 và 2022.
Trong năm qua, doanh nghiệp trong tỉnh cũng đánh giá cao những nỗ lực hỗ trợ pháp lý từ các cơ quan, đơn vị tại tỉnh. Toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang ban hành được cập nhật thường xuyên lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.
Tỉnh cũng duy trì chuyên mục “Hỏi – đáp pháp luật” trên Hệ thống thông tin pháp luật tỉnh Bắc Giang để kịp thời trợ giúp doanh nghiệp về pháp lý. Nhờ đó, một số chỉ tiêu đánh giá về tính minh bạch và thiết chế pháp lý của tỉnh có sự cải thiện đáng kể trong PCI 2022.
Vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng PCI 2022 thuộc về Thành phố Hải Phòng với điểm số 70,76.
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lần đầu tiên góp mặt trong Top 5 địa phương có chất lượng điều hành kinh tế của PCI ở vị trí thứ tư với 70,26 điểm. Trước đó, vị trí cao nhất của tỉnh là vị trí 6/63 trong PCI 2011.
Đứng vị trí thứ năm trong bảng xếp hạng PCI 2022 là tỉnh Đồng Tháp với 69,68 điểm. Góp mặt ở các vị trí còn lại trong top 10 PCI 2022 là các tỉnh, thành phố Thừa Thiên – Huế (6), Bắc Ninh (7), Vĩnh Phúc (8), Đà Nẵng (9) và Long An (10). Ngoại trừ Long An tăng 6 bậc từ vị trí 16/63 của PCI 2021, các địa phương còn lại đều có mặt trong top 10 PCI 2021.
Đáng lưu ý, theo ông Đậu Anh Tuấn, năm 2022 các trung tâm kinh tế lớn đều sụt hạng. Hà Nội tụt 10 bậc, từ vị trí thứ 10/2021 xuống vị trí 20/2022; TP.HCM từ vị trí 14/63 tỉnh thành năm 2021 xuống 27/63 tỉnh thành năm 2022. Đà Nẵng vẫn nằm trong top 10 nhưng thứ tự giảm từ vị trí thứ 4 năm 2021 xuống thứ 9/2022.
Lần đầu tiên công bố chỉ số xanh cấp tỉnh
Trong Báo cáo PCI 2022 được công bố hôm nay, lần đầu tiên VCCI, USAID cùng các đối tác tư nhân giới thiệu và công bố Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI).
PGI 2022 có 4 chỉ số thành phần được tạo thành từ 44 chỉ tiêu đo lường chất lượng quản trị môi trường tại các tỉnh, thành phố theo hướng gắn bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế, bao gồm: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (cho doanh nghiệp); đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu; thúc đẩy thực hành xanh; hính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường.
Phát biểu tại lễ công bố, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, đây là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh. Như mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác.
Kết quả năm đầu tiên cho thấy ba tỉnh đứng đầu chỉ số PGI là Bắc Ninh, Trà Vinh, Lạng Sơn. Bắc Ninh đạt điểm số cao nhất bởi mức độ quan trọng của chỉ tiêu dữ liệu cứng “số trạm quan trắc tự động chất lượng môi trường không khí”.
Thời gian qua, chính quyền tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều nỗ lực trong việc giám sát, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường từ các làng nghề và sự phát triển nhanh chóng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh đã ban hành các quy định về môi trường nhằm giám sát chất lượng không khí, chất lượng nước và quản lý việc thu gom, xử lý rác thải.
Bên cạnh đó, chính quyền tỉnh Bắc Ninh đã triển khai nhiều hoạt động khuyến khích doanh nghiệp thực hiện kinh doanh sản xuất xanh, đơn cử như hoạt động hỗ trợ các ngành “xanh” và khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các thực hành xanh…
Báo cáo PGI 2022 cho thấy, các doanh nghiệp FDI tỏ ra hài lòng hơn về công tác quản trị môi trường tại địa phương so với các doanh nghiệp tư nhân trong nước cùng tỉnh. Song vẫn có một số lĩnh vực chưa được doanh nghiệp FDI đánh giá tích cực, như công tác phòng ngừa ô nhiễm môi trường và xử phạt các doanh nghiệp gây ô nhiễm.
“Chỉ số Xanh cấp tỉnh mới được xây dựng dựa trên nền tảng thành công của PCI và việc này là dấu hiệu cho thấy khu vực tư nhân ngày càng nhận thức rõ rằng các vấn đề môi trường cũng quan trọng như hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp và tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế,” Giám đốc Quốc gia USAID Việt Nam Aler Grubbs phát biểu.
GS. TS. Admund J.Malesky, Đại học Duke, cho rằng Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Vì thế cần áp dụng mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, có sự hợp tác của khu vực công và tư.