Nghị định 65: “Sổ khám sức khỏe” cho doanh nghiệp phát hành

Với Nghị định 65/2022/NĐ-CP (NĐ65) của Chính phủ (có hiệu lực từ 16-9-2022), điều kiện và hồ sơ phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ đối với các DN đã được quy định chặt chẽ hơn, buộc DN phải có trách nhiệm khi phát hành. NĐ65 cũng có những quy định buộc nhà đầu tư (NĐT) phải chuyên nghiệp, chấm dứt tình trạng NĐT “tay mơ” với dòng tiền dễ và rẻ.

Hạn chế ngân hàng tăng vốn cấp 2 và đầu tư TPDN
 
Sau nhiều thời gian chờ đợi, qua nhiều lần lấy ý kiến các thành viên tham gia thị trường, NĐ65 đã được ban hành với mục tiêu làm trong sạch, minh bạch thị trường TPDN. Trong báo cáo mới đây đánh giá về NĐ65, CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định, so với NĐ153 trước đó, Nghị định 65 thắt chặt quy định đối với cả tổ chức phát hành và NĐT mua TP.
 
Theo đó, yêu cầu tổ chức phát hành phải nêu rõ mục đích của đợt phát hành TP và TP phát hành nên gắn với một kế hoạch, dự án đầu tư cụ thể; đồng thời đưa ra các yêu cầu khắt khe hơn đối với việc công bố thông tin của tổ chức phát hành TP. Về phía NĐT, NĐ65 nâng cao trách nhiệm NĐT cũng như nhận thức về rủi ro khi đầu tư vào TPDN.
 
Như vậy, với những quy định mới, thị trường TPDN sẽ loại bỏ những tổ chức phát hành yếu kém, sử dụng vốn sai mục đích. NĐ65 là bước ngoặt giúp tạo ra những mặt hàng “sạch” cho NĐT. Những DN, tổ chức phát hành nào thực sự có tiềm lực tài chính, năng lực quản trị sẽ tiếp tục huy động hiệu quả qua kênh TPDN. NĐT được xác định là chuyên nghiệp hơn sẽ được đầu tư vào những “mặt hàng” chất lượng hơn, vì có thêm sự tham gia của các thành viên trung gian, độc lập như tổ chức xếp hạng tín nhiệm đóng vai trò xếp hạng tín nhiệm đối với tổ chức phát hành.
 
Trong đợt phát hành, đại diện thành viên lưu ký của Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD), công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, được chỉ định hoặc được lựa chọn đại diện cho quyền lợi của người sở hữu TP.
 
Khi NĐ65 có hiệu lực, phần lớn ý kiến cho rằng sẽ giúp khơi thông nguồn vốn cho DN và hứa hẹn bức tranh sáng sủa hơn về thị trường TPDN. Có thể thấy, theo NĐ65, điều kiện và hồ sơ phát hành riêng lẻ đã yêu cầu chặt chẽ hơn.
 
Thí dụ, quy định các tổ chức phát hành không được phát hành TPDN với mục đích tăng quy mô vốn hoạt động. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tổ chức phát hành là các ngân hàng. Nếu trước đây các ngân hàng phát hành TP riêng lẻ để huy động được nguồn vốn trung, dài hạn, giúp cân đối vốn và tăng vốn cấp 2, đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR), nay việc phát hành cho mục đích tăng vốn sẽ bị hạn chế.
 
Đối với ngân hàng không chỉ “hẹp cửa” huy động vốn TP bởi NĐ65, việc đầu tư và giao dịch TPDN còn đang bị Thông tư 16 và điều kiện room tín dụng điều tiết. Trước đây, một phần bởi lãi suất trái TPDN hấp dẫn, không ít ngân hàng đầu tư TP của cả DN chưa thực sự “sạch”. Điều này gây rủi ro lên hệ thống ngân hàng.
 
Tuy nhiên, NĐ65 đã siết những DN không “sạch” dẫn đến hẹp nguồn cung TP, ngân hàng cũng sẽ “hẹp cửa” kiếm lợi nhuận hơn. 
 
Bức tranh thị trường sau NĐ65 sẽ ra sao?
 
Với NĐ65, thị trường TP trong thời gian tới sẽ diễn tiến theo cả 2 mặt. Trước hết, mặt tích cực dễ nhìn thấy là động thái siết chặt tiêu chuẩn về NĐT chuyên nghiệp, sẽ giúp giảm những NĐT không chuyên đầu tư vào TPDN. Nhưng điều này đưa đến 2 hệ quả khác cho NĐT lẫn tổ chức phát hành. 
 
Về phía NĐT cá nhân, khi họ không được đầu tư vào TPDN, mối lo tiền của những NĐT này sẽ bị lôi kéo sang các kênh đầu tư rủi ro hơn. Khảo sát về chỉ số chấp nhận tiền điện tử trên toàn cầu của Chainalysis, cho thấy Việt Nam lọt top 10 vào năm 2020, giữ vị trí quán quân trong danh sách năm ngoái, và năm nay được nhận định là quốc gia hàng đầu về sử dụng tiền ảo.
 
Phải nói thêm rằng ở Việt Nam, tiền ảo không phải là tiền hợp pháp. Khi NĐT nhỏ lẻ bị hạn chế đầu tư TP, có thể họ sẽ chuyển tiền sang các kênh đầu tư như tiền ảo, sàn chứng khoán quốc tế, đa cấp tài chính, forex…
 
Về phía tổ chức phát hành như ngân hàng trong bối cảnh hết room tín dụng, có thể khiến các DN quay cuồng tìm nguồn tiền, và có thể họ phải bán tháo các tài sản có khả năng thanh khoản như cổ phiếu, hoặc cầm cố cổ phiếu để cân đối nguồn vốn ngắn hạn nhằm mục đích đảo nợ. Việc này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán. Thực tế, phiên giao dịch đầu tiên sau NĐ65, VN Index đã giảm 28,6 điểm do lo ngại các vấn đề nguồn tiền đáo hạn TP.
 
Sau NĐ65, dư luận đổ dồn sự chú ý về các DN bất động sản (BĐS), khi thị trường BĐS thời gian qua rất ảm đạm khiến nguồn tiền bán BĐS/dự án eo hẹp và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhận định về vấn đề này, theo FiinGroup, “sức khỏe tài chính” của các công ty BĐS về tổng thể vẫn ở mức tương đối an toàn, ngoại trừ các công ty dự án được lập ra nhằm mục đích huy động vốn TP hoặc vay vốn ngân hàng.
 
Tuy nhiên, FiinGroup lo ngại áp lực trả nợ TP đến hạn trong 2-3 năm tới của các DN BĐS, đồng thời những rủi ro thanh khoản của các đại lý phân phối có cam kết mua lại TP là các định chế tài chính, như công ty chứng khoán và ngân hàng.
 
Theo Báo Yên Bái

Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 666088
  • Truy cập hôm nay: 191
  • Đang trực tuyến: 9