Mù Cang Chải: Bảo tồn di sản, khai thác danh thắng để phát triển du lịch

Festival Khèn Mông, Lễ hội Hoa tớ dày năm 2023 và Lễ công bố Quyết định đưa Nghệ thuật Khèn Mông, Nghệ thuật tạo hình vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông 3 huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ khai mạc tại huyện Mù Cang Chải vào ngày 23/12.

Hoa tớ dày nở tím khắp triền núi ở Mù Cang Chải. (Ảnh: Tổ quốc)

Đây là sự kiện có quy mô (cấp tỉnh) lớn nhất từ trước đến nay được tổ chức trên địa bàn huyện Mù Cang Chải. Để hiểu rõ hơn về công tác chuẩn bị cũng như những nét đặc sắc của Festival năm nay, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã phỏng vấn ông Trịnh Thế Bình – Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện.

P.V: Festival năm nay là sự kiện có quy mô lớn nhất từ trước đến nay được tổ chức tại huyện Mù Cang Chải. Xin ông cho biết, huyện đã có sự chuẩn bị như thế nào?

Ông Trịnh Thế Bình: Trước tiên, huyện đã ban hành kế hoạch, thành lập Ban chỉ đạo tổ chức lễ hội, thành lập 3 tiểu ban gồm: tiểu ban nội dung, tiểu ban tuyên truyền, tiểu ban hậu cần – đảm bảo. Bên cạnh đó, huyện đã tổ chức các hội nghị triển khai kế hoạch, giao các tiểu ban cụ thể hóa kế hoạch, xây dựng phương án triển khai các nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên.

Cùng với đó, huyện xây dựng kịch bản, tổ chức xin ý kiến các chuyên gia, tổ tư vấn, các chủ thể di sản góp ý hoàn chỉnh kịch bản nội dung chương trình nghệ thuật, ma két sân khấu, các phương án đón tiếp đại biểu, đảm bảo an ninh trật tự… chi tiết rõ từng nội dung công việc; đồng thời, rà soát cơ sở vật chất nơi tổ chức sự kiện, chỉnh trang đô thị, tuyên truyền, vận động nhân dân dọn dẹp vệ sinh đường phố và các điều kiện sẵn sàng tổ chức sự kiện.

Ngoài ra, huyện chỉ đạo các cơ quan, xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử, mạng xã hội và trên các phương tiện trực quan như: cụm pa nô, biển chỉ dẫn đến các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn huyện.

Qua ghi nhận, việc tổ chức sự kiện được nhiều người dân ủng hộ, mong chờ, thể hiện niềm tự hào khi các di sản văn hóa dân tộc Mông được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

P.V: Thưa ông, Festival Khèn Mông năm nay có những nét đặc sắc gì? Thông qua Festival Khèn Mông, huyện mong muốn sẽ phát huy giá trị khèn Mông gắn với phát triển du lịch để nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc Mông như thế nào?

Ông Trịnh Thế Bình: Lễ hội sẽ diễn ra với nhiều hoạt động hấp dẫn, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mông Yên Bái. Cùng với chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Tinh hoa nghệ thuật khèn Mông”, sẽ diễn ra các hoạt động phụ trợ như: “Diễu diễn đường phố” với quy mô diễu diễn gồm 12 khối, mỗi khối từ 30 – 50 nghệ nhân, diễn viên; trưng bày các gian hàng giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản đặc trưng của nhân dân các dân tộc trên địa bàn.

Ngoài ra, còn tổ chức giao lưu hội thi múa khèn tốp, hoạt động trải nghiệm giã bánh dày và hoạt động bay dù lượn tại đèo Khau Phạ. Đặc biệt, trong dịp lễ hội này, du khách sẽ được hòa mình, đắm chìm vào sắc hồng hoa tớ dày – loài hoa thuộc loại cây thân gỗ, chỉ mọc và nở hoa ở độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển.

Ông Trịnh Thế Bình – Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Mù Cang Chải.

Với mong muốn biến những di sản thành tài sản, thông qua Festival, huyện sẽ tập trung phát huy giá trị khèn Mông cùng Di sản Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải và những di sản khác về văn hóa, lễ hội, tri thức dân gian, phong tục tập quán, cùng các danh lam thắng cảnh trên địa bàn, thu hút ngày càng đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp sang thương mại dịch vụ, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, xây dựng huyện Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch.

P.V: Khèn Mông đã trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, thời gian tới, huyện sẽ triển khai những giải pháp gì để bảo tồn, phát huy giá trị Khèn Mông, nhất là cho giới trẻ?

Ông Trịnh Thế Bình: Những năm qua, huyện đã khôi phục nhiều lễ hội có sự hiện diện của tiếng khèn, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa. Huyện cũng đưa múa khèn vào các trường học để giảng dạy; triển khai các chương trình bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, trong đó có khèn Mông.

Nghệ thuật khèn của người Mông được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, đó là niềm tự hào của người dân tộc Mông của tỉnh Yên Bái. Do vậy, thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện việc gìn giữ, bảo tồn nghệ thuật này từ trong các nhà trường, trong mỗi gia đình, cho đến xã và thôn, bản.

Hiện nay, huyện thành lập rất nhiều câu lạc bộ như: Câu lạc bộ múa khèn của các xã Mồ Dề, Khao Mang, Lao Chải… Huyện đã 3 lần tổ chức thành công Hội thi trình diễn khèn Mông, thu hút đông đảo các đội tham gia với nhiều màn biểu diễn chất lượng, hay, hấp dẫn.

Ngoài ra, huyện tiếp tục từng bước sưu tầm, khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật múa khèn và nhạc cụ khèn Mông để tổ chức tốt các nghi lễ tín ngưỡng văn hóa dân tộc truyền thống và các hoạt động văn hóa cộng đồng, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của huyện Mù Cang Chải, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Yên Bái.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 650514
  • Truy cập hôm nay: 116
  • Đang trực tuyến: 3