Lao động nữ đóng bảo hiểm xã hội 30 năm, nghỉ hưu sớm có được lương hưu tối đa?

Khi lao động nữ đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) 30 năm, muốn về hưu lúc 55 tuổi thì có được hưởng lương hưu tối đa 75%?

Muốn hưởng lương hưu tối đa 75%, lao động nam phải đóng đủ 35 năm BHXH, lao động nữ đóng đủ 30 năm BHXH. Ảnh minh họa: Internet.

Điều 169, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường. Theo đó, kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ.

Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035. Năm 2024, tuổi nghỉ hưu của lao động nam là 61 tuổi, lao động nữ là 56 tuổi 4 tháng.

Luật BHXH năm 2014 quy định, muốn hưởng lương hưu tối đa 75% thì lao động nam phải đóng đủ 35 năm BHXH, còn lao động nữ phải đủ 30 năm đóng BHXH.

Tuy nhiên, lại có đoàn viên, công đoàn đặt câu hỏi về việc, khi lao động nữ đã đóng BHXH 30 năm, muốn về hưu lúc 55 tuổi thì có được hưởng lương tối đa 75%?

Về câu hỏi này của người lao động, Trưởng phòng Truyền thông BHXH Hà Nội Dương Thị Minh Châu cho biết: Nếu lao động nữ về hưu trước 5 năm thì phải giám định y khoa, xác định suy giảm khả năng lao động 61% trở lên thì mới có căn cứ được nghỉ hưu trước tuổi. Người lao động nghỉ hưu trước tuổi, mỗi năm bị trừ 2% lương hưu (trừ trường hợp tinh giản biên chế thì mới được giữ nguyên tỷ lệ phần trăm lương hưu, không trừ tuổi đời).

Đối với trường hợp lao động đủ tuổi về hưu nhưng chưa đủ thời gian đóng BHXH để hưởng 75% thì có thể đóng thêm; nhưng không phải đóng một lần mà nộp kéo dài thời gian.

Về việc người lao động làm việc tại công ty nhưng không tham gia đóng BHXH, đến nay chuyển sang một doanh nghiệp khác có đóng BHXH. Vậy, với thời gian tham gia BHXH ngắt quãng thì công ty mới có đóng nốt cho không, bà Dương Thị Minh Châu phản hồi: người lao động được cộng tất cả các thời gian đã tham gia BHXH, không tính thời gian ngắt quãng. Theo quy định, doanh nghiệp sẽ không đóng ngược trở lại thời gian ngắt quãng chưa đóng BHXH của người lao động. Doanh nghiệp chỉ đóng BHXH ở thời điểm hiện tại khi người lao động đang làm việc tại đơn vị.

Trong thời gian đóng BHXH ngắt quãng, người lao động có thể tham gia BHXH tự nguyện nhưng chỉ tại thời điểm đó. Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên là bắt buộc phải tham gia BHXH, nếu doanh nghiệp không đóng BHXH cho người lao động thì có nghĩa đã vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 657965
  • Truy cập hôm nay: 1469
  • Đang trực tuyến: 1