Hiệu quả từ chương trình phát triển đô thị ở Yên Bái

Yên Bái phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 22 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại II là thành phố Yên Bái; 1 đô thị loại III là thị xã Nghĩa Lộ; 3 đô thị loại IV là thị trấn Cổ Phúc, thị trấn Yên Bình, thị trấn Mậu A và 17 đô thị loại V.

Thành phố Yên Bái đã đạt chuẩn đô thị loại II và hướng tới cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại I vào năm 2030.

Yên Bái những năm qua đã triển khai đầu tư xây dựng, hoàn thành các tiêu chí, tiêu chuẩn, nâng loại các đô thị hiện hữu và hình thành, phát triển các đô thị mới với những công trình kiến trúc hiện đại. Diện mạo đô thị đang dần khởi sắc, hệ thống hạ tầng đô thị được cải thiện rõ rệt.

Đến nay, tỉnh có 12 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại II là thành phố Yên Bái; 1 đô thị loại IV là thị xã Nghĩa Lộ và 10 đô thị loại V. Hình thái phát triển đô thị chủ yếu phát triển theo tuyến, nằm trên các tuyến giao thông, nơi có điều kiện xây dựng như các thung lũng, các vùng đất phẳng hoặc nằm tại trung tâm các vùng sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, khai mỏ, công nghiệp chế biến, nằm trong vùng có tài nguyên về du lịch và cảnh quan…

Thời gian qua, các đô thị đều được đầu tư nâng cấp, xây dựng kết cấu hạ tầng khang trang hơn, tạo điều kiện thuận lợi đáp ứng vai trò trung tâm, hạt nhân thu hút, lan tỏa phát triển kinh tế – xã hội trong tỉnh và các huyện, phát triển các đô thị văn hóa, đô thị du lịch.

Đồng chí Đỗ Đức Minh – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Yên Bái cho biết: Tháng 9/2023, thành phố Yên Bái được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn đô thị loại II, trực thuộc tỉnh Yên Bái đánh dấu bước phát triển rất quan trọng trên chặng đường phát triển vẻ vang của thành phố, đồng thời là niềm tự hào vô cùng to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu không ngừng.

Để duy trì nâng cao chất lượng các tiêu chí loại II, hướng tới cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại I vào năm 2030, thành phố tiếp tục tăng cường thu hút đầu tư để đẩy mạnh phát triển các thành phần kinh tế, nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân và tăng thu cho ngân sách.

Chú trọng thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, phát triển hạ tầng đô thị, ưu tiên thu hút đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng cấp đô thị như công trình thể dục thể thao, thương mại – dịch vụ, các dự án hạ tầng kỹ thuật lớn về xử lý nước thải, nhà tang lễ; quan tâm hơn nữa về công trình, khu chức năng đô thị xanh, ứng dụng công nghệ cao, thông minh

“Chúng tôi cũng sẽ chú trọng lồng ghép các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững; quan tâm phát triển các công trình cấp vùng, liên vùng; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng đủ sức thu hút khách tham quan, lưu trú; gắn với bảo tồn phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, dân tộc” – Bí thư Thành ủy Đỗ Đức Minh nói.

Yên Bái phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 22 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại II là thành phố Yên Bái; 1 đô thị loại III là thị xã Nghĩa Lộ; 3 đô thị loại IV là thị trấn Cổ Phúc, thị trấn Yên Bình, thị trấn Mậu A và 17 đô thị loại V.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước: Tỉnh tập trung ưu tiên thực hiện mục tiêu phát triển đô thị theo quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, chương trình phát triển đô thị, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm. Bố trí, huy động các nguồn vốn cho công tác quy hoạch đô thị, nâng cao tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.

Nâng cao hiệu quả quản lý và triển khai thực hiện quy hoạch đô thị; hạn chế tối đa việc điều chỉnh quy hoạch, làm ảnh hưởng đến tính tổng thể, bền vững của quy hoạch. Tập trung phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hiện đại.

Cụ thể hóa Chương trình phát triển đô thị tỉnh Yên Bái đến năm 2030, xác định rõ vai trò, chức năng của từng đô thị. Tập trung nguồn lực để phát triển các đô thị trung tâm, đô thị động lực của các vùng liên huyện, gồm thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ trở thành các đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị”.

Phát triển hệ thống đô thị Yên Bái đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, tạo động lực cho tăng trưởng vùng và địa phương. Hệ thống hạ tầng đô thị được đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới và nhiều đô thị mới ra đời với những công trình kiến trúc hiện đại đã làm thay đổi diện mạo đô thị miền núi, góp sức xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển theo hướng “Xanh – hài hòa – bản sắc và hạnh phúc”.

Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh năm 2023 đạt 23,3%, cao hơn tỷ lệ trong vùng trung du và miền núi phía Bắc (22%), thấp hơn tỷ lệ đô thị hóa của cả nước (42,6%). Qua đánh giá, thành phố Yên Bái có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất là 76,39%, tiếp theo là thị xã Nghĩa Lộ 32,1%, Văn Chấn 16,3%, Yên Bình 13,61%…

Mật độ phân bố đô thị trên toàn tỉnh là 5,32 đô thị/1.000 km2. Hiện nay, thành phố Yên Bái có mật độ dân số cao nhất, đạt 993 người/km2; thị xã Nghĩa Lộ có mật độ dân 647 người/km2; thị trấn Sơn Thịnh có mật độ thấp nhất (280,1 người/km2), các đô thị còn lại có mật độ trung bình là 600 – 700 người/km2.

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 686195
  • Truy cập hôm nay: 1245
  • Đang trực tuyến: 1