Giảm lãi suất cho vay – cơ hội cho doanh nghiệp Yên Bái

Đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) và người dân vượt qua khó khăn, thời gian qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh tỉnh Yên Bái đã áp dụng mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 5%/năm đối với các khách hàng là DN sản xuất, kinh doanh (SXKD) và xuất khẩu.

Khách hàng đến giao dịch tại Agribank chi nhánh tỉnh Yên Bái.

Tại Yên Bái, các chi nhánh ngân hàng và quỹ tín dụng nhân dân đã chấp hành nghiêm túc các quy định về lãi suất theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam và của tỉnh. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, LSCV ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên của các chi nhánh ngân hàng ở mức 4%/năm; cho vay ngắn hạn SXKD từ 7,49% đến 10,5%/năm, trung và dài hạn ở mức từ 8,99% đến 12,5%/năm; cho vay tiêu dùng ở mức từ 8,49% đến 13,5%/năm.

Đồng hành cùng DN và người dân vượt qua khó khăn, thời gian qua, Agribank Chi nhánh Yên Bái đã áp dụng mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 5%/năm đối với các khách hàng DN SXKD và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Agribank đã đồng loạt giảm 0,5% LSCV cho các khách hàng có dư nợ trung, dài hạn từ ngày 15/5 đến hết ngày 30/9/2023. Mới đây, Agribank Chi nhánh tỉnh Yên Bái cũng đã triển khai chương trình cho vay tiêu dùng ưu đãi đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước áp dụng từ ngày 12/6/2023 kéo dài đến 12/6/2024. LSCV thấp hơn từ 1 – 1,5%/năm so với LSCV thông thường của Agribank đối với khách hàng đã sử dụng dịch vụ thanh toán tiền lương qua tài khoản mở tại Agribank. Mức cho vay đối với khách hàng không có bảo đảm bằng tài sản bằng 36 tháng lương (tối đa không quá 500 triệu đồng).

Đại diện một số DN cho hay, việc giảm lãi suất huy động và cho vay mục đích là để tạo điều kiện thuận lợi cho vay vốn và thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Lãi suất thấp có thể khuyến khích các DN và cá nhân vay vốn để đầu tư vào các dự án sản xuất, mở rộng kinh doanh và tạo ra các cơ hội mới.

“Lãi suất thấp, giúp DN có khả năng vay vốn với số tiền lớn hơn do áp lực trả lãi thấp hơn. Từ đó, giúp giảm áp lực tài chính đối với các dự án đầu tư, mở rộng kinh doanh, nâng cấp cơ sở hạ tầng và mua sắm thiết bị mới” – ông Nguyễn Đức Dũng – Giám đốc Công ty Cổ phần Yên Thành chia sẻ.

Công ty TNHH Hưng Thịnh, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái là đơn vị sản xuất chế biến chè đen xuất khẩu. Trong thời gian diễn ra dịch Covid – 19, tình hình xung đột giữa Nga – Ucraina đã gây khó khăn cho DN không chỉ sụt giảm doanh thu, lợi nhuận mà số lượng nhân viên cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

Trước thông tin giảm LSCV theo chỉ đạo của Chính phủ, Công ty được Agribank tỉnh giải ngân cho vay 8 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 8%/năm; từ đó, giúp đơn vị bảo đảm nguồn vốn tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất.

Ông Chử Quốc Tuấn – Giám đốc Công ty TNHH Hưng Thịnh cho biết: “Đây là động lực rất tốt giúp cho các DN phục hồi SXKD. Chi phí lãi vay giảm giúp chúng tôi có thể tái đầu tư, sản xuất và chi trả tiền công cho người lao động”.

Việc các ngân hàng theo sát và kịp thời triển khai các đợt giảm LSCV đúng theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ đảm bảo đáp ứng đúng nhu cầu của vay vốn và hỗ trợ DN trong giai đoạn khó khăn và đây cũng là cách hỗ trợ cho sự phát triển chung của nền kinh tế.

Theo NHNN Chi nhánh tỉnh Yên Bái, ước đến 31/8/2023, tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn đạt 38.900 tỷ đồng, tăng 5,69% so với cuối năm 2022, tãng 13,0% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 18.700 tỷ đồng, tăng 4,87% và chiếm 48,1% tổng dư nợ; dư nợ cho vay trung và dài hạn đạt 20.200 tỷ đồng, tăng 6,47% và chiếm 51,9% tổng dư nợ. Các chi nhánh ngân hàng đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn của các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, tác động trực tiếp đến quá trình phát triển kinh tế – xã hội, hoạt động SXKD của các DN, nhất là DN nhỏ và vừa, từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chủ động, điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ hỗ trợ các DN như: điều chỉnh liên tục giảm các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 0,5 – 2%/năm; chỉ đạo các tổ chức tín dụng triệt để tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay (LSCV) nhằm hỗ trợ DN, người dân và nền kinh tế phục hồi SXKD… Đây được xem là giải pháp cấp thiết, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để cùng DN thúc đẩy quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế.Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, NHNN đã 4 lần giảm từ 0,5 – 2% cho các mức lãi suất điều hành; từ đó, đưa mức lãi suất huy động bình quân giảm từ 0,7 – 0,8%, lãi suất cho vay bình quân giảm từ 1 – 1,2%. Mức cho vay giữa các ngân hàng với nhau qua thị trường liên ngân hàng cũng đang rất thấp, bình quân hiện chỉ còn 0,16%/năm, nằm trong vùng đáy lịch sử được thiết lập vào cuối năm 2020.

Tại Nghị quyết số 97/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành ngân hàng tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm LSCV (phấn đấu giảm ít nhất khoảng từ 1,5 – 2%), nghiên cứu, thực hiện áp dụng đối với cả khoản vay mới và đang còn dư nợ. Từ đó, NHNN cũng đã chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dụng với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%.

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 649283
  • Truy cập hôm nay: 176
  • Đang trực tuyến: 1