Diễn đàn OECD: Công nghệ là chìa khóa cho chuỗi cung ứng bền vững

Chuyên gia Vũ Đỗ Khanh cho biết việc phát triển quy trình công nghệ riêng biệt không mấy khả thi đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thiết kế của một nhà máy sản xuất theo mô hình chuỗi cung ứng bền vững.
Trong hai ngày 17-18/10, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Bộ trưởng OECD-Đông Nam Á và Diễn đàn Kinh tế Cao cấp Việt Nam-OECD với sự tham dự của hơn 150 đại biểu là lãnh đạo và chuyên gia từ các quốc gia thành viên OECD và Đông Nam Á.
 
Bên lề hội nghị, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với hai đại biểu là ông Vũ Đỗ Khanh (Thạc sỹ Đại học Oxford, Chuyên gia chính sách kinh tế) và ông Nguyễn Ngọc Đăng Khoa (Phó Tổng Giám đốc Samsung C&T – SMC Joint Venture) để tìm hiểu rõ hơn về chủ đề của hai diễn đàn năm nay là xây dựng chuỗi cung ứng tự cường và bền vững.
 
– Một chuỗi cung ứng như thế nào sẽ được xem là bền vững?
 
Ông Vũ Đỗ Khanh: Chưa có một bộ tiêu chuẩn thống nhất để xếp hạng mức bền vững của chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp thường đánh đồng việc đạt ba tiêu chí môi trường (environmental), xã hội (social), và quản trị (corporate governance) là đã có chuỗi cung ứng bền vững. Nhưng thực tế ESG chỉ thể hiện tính bền vững trong hoạt động tổng thể của tổ chức.
 
Một chuỗi cung ứng bền vững theo tôi cần đạt ba tiêu chí gồm thứ nhất là tính tuần hoàn (circular), tức tái sử dụng tối đa nguyên liệu thải để phục vụ lại cho việc sản xuất hoặc một chuỗi sản xuất khác; thứ hai là con người, chuỗi cung ứng phải đảm bảo lợi ích nhân sự; thứ ba là cộng đồng, chuỗi cung ứng phải tạo nguồn lợi cho địa phương diễn ra hoạt động sản xuất. Đạt được 3 tiêu chí trên sẽ gián tiếp giảm phát thải, bảo vệ môi trường sống và môi trường kinh doanh.
 
– Liệu việc xây dựng chuỗi cung ứng bền vững có mang lại lợi ích cho doanh nghiệp?
 
Ông Nguyễn Ngọc Đăng Khoa: Một chuỗi cung ứng bền vững sẽ hạn chế tối đa các rủi ro mà doanh nghiệp có thể gặp phải đồng thời tăng năng suất của toàn chuỗi do mọi khâu đều được tối ưu hóa. Trong một chuỗi cung đa quốc gia như chúng tôi thì chỉ riêng việc giảm rủi ro đã tiết kiệm rất nhiều chi phí.
 
Từ trái qua: Ông Nguyễn Ngọc Đăng Khoa, Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann, Ông Vũ Đỗ Khanh tại Diễn đàn Kinh tế Cao cấp Việt Nam-OECD).
Khoản chi phí tiết kiệm được này sẽ liên tục tăng thêm hàng năm, do đầu tư “bền vững hóa” chuỗi cung ứng chỉ tốn kém ở giai đoạn đầu. Một chuỗi cung ứng bền vững cũng sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí CSR và PR cho doanh nghiệp.
 
– Đâu là phương thức tốt nhất để doanh nghiệp Việt Nam xây dựng chuỗi cung ứng bền vững?
 
Ông Vũ Đỗ Khanh: Không có một công thức chung cho tất cả các đơn vị. Gợi ý của tôi là bước đầu doanh nghiệp nên nghiên cứu kỹ lưỡng đặc tính của đơn vị. Kế tiếp là thành lập ban quản trị phụ trách thực hiện quá trình chuyển đổi chuỗi cung ứng.
 
Ban này có thể trực thuộc bộ phận ESG của đơn vị hoặc outsource ngoài. Sau chuyển đổi thì doanh nghiệp cần liên tục giám sát (monitoring) và đánh giá (evaluation) thường xuyên hoạt động của chuỗi cung ứng để có sự thay đổi thích hợp và kịp thời.
 
– Những thách thức nào doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp phải khi triển khai chuỗi cung ứng bền vững?
 
Ông Vũ Đỗ Khanh: Thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp Việt phải đối mặt đó là công nghệ. Đơn cử như tiêu chí tính tuần hoàn (circulation). Cần có công nghệ cao để xử lý phế phẩm và tái chế nguyên vật liệu thừa để sử dụng cho một quy trình sản xuất mới hay chuỗi cung ứng khác.
 
Doanh nghiệp còn cần đội ngũ nhân sự được đào tạo kỹ thuật đủ để vận hành công nghệ. Việc phát triển quy trình công nghệ riêng biệt không mấy khả thi đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
 
Các đơn vị có thể chọn phương án chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển, nhưng điều này cũng sẽ gặp nhiều rào cản về chính sách cần phải lưu ý.
 
Ông Nguyễn Ngọc Đăng Khoa: Tôi cũng đồng ý với nhận định của Khanh. Vấn đề tiếp cận với công nghệ xanh là rào cản lớn hơn so với những vấn đề khác như chi phí hay quản trị.
 
Bản thân đơn vị của tôi cũng thường xuyên gặp phải bài toán chuyển giao công nghệ, không chỉ trong việc xây dựng chuỗi cung ứng mà còn ở những lĩnh vực khác. Tuy nhiên chúng tôi may mắn hơn là có sự kết nối và hỗ trợ lớn từ tập đoàn mẹ và các tập đoàn đa quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
 
– Xin cảm ơn hai ông.
Theo Báo Yên Bái

Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 666454
  • Truy cập hôm nay: 557
  • Đang trực tuyến: 6