Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, trong buổi thảo luận tại tổ sáng nay – 23/11, đại biểu Nguyễn Quốc Luận – Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Yên Bái và đại biểu Nguyễn Thành Trung (đoàn Yên Bái) đã phát biểu tham gia ý kiến vào về Dự án Luật quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận – Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Yên Bái tham gia về Luật Công nghiệp công nghệ số

Doanh nghiệp có vốn Nhà nước được chủ động quyết định hoạt động sản xuất kinh doanh

Tham gia vào Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN), đại biểu Nguyễn Thành Trung khẳng định về sự cần thiết ban hành luật. Theo đại biểu, đến cuối năm 2023, cả nước có 841 DN có vốn góp của Nhà nước, tổng tài sản khoảng trên 4 triệu tỷ đồng (bằng xấp xỉ 40% GDP), vốn chủ sở hữu trên 1,8 triệu tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước đang đầu tư là 1,75 triệu tỷ đồng.

Có thể thấy, các DN có vốn góp của Nhà nước đang nắm giữ một nguồn lực rất lớn, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, đầu tư vào những lĩnh vực, hạ tầng then chốt, thiết yếu mà các thành phần kinh tế khác không đầu tư hoặc không thể đầu tư. Ngoài thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh là chủ yếu, các DN này vẫn đảm nhận thực hiện các nhiệm vụ chính trị được Nhà nước giao.

Đại biểu Trung tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại DN thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế, vướng mắc trong thi hành Luật 69, trao quyền chủ động, tự chịu trách nhiệm của DN có vốn Nhà nước đầu tư trong hoạt động sản xuất kinh doanh, bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, tách bạch, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp; không can thiệp trực tiếp vào quản trị hoạt động và sử dụng vốn tại doanh nghiệp. Nhà nước chỉ là một nhà đầu tư vốn tại doanh nghiệp, không can thiệp hành chính vào hoạt động kinh doanh, quản trị của doanh nghiệp..

Cùng với đó, đại biểu Nguyễn Thành Trung yêu cầu thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DN nhà nước; kế thừa những quy định của Luật 69 đã được áp dụng ổn định trong thực tiễn.

Đại biểu cũng yêu cầu về tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu tài sản vốn nhà nước với chức năng quản lý nhà nước đối với mọi loại hình doanh nghiệp, chức năng quản trị doanh nghiệp, đảm bảo nguyên tắc Nhà nước là chủ sở hữu đầu tư vốn nhưng không can thiệp hành chính vào hoạt động kinh doanh, quản trị của doanh nghiệp.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, người đại diện chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp.

Đại biểu cũng yêu cầu về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; trách nhiệm giải trình và tính công khai, minh bạch về hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có vốn N hà nước đầu tư.

Cần đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật về quản lý, đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban hiện còn 2 luồng ý kiến. Đa số ý kiến nhất trí trình Quốc hội xem xét dự án Luật tại Kỳ họp thứ 8 và thông qua tại Kỳ họp thứ 9. Một số ý kiến và Thường trực Uỷ ban Kinh tế đề nghị chưa trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 vì một số nội dung tiếp thu, giải trình của Chính phủ chưa rõ, chưa được chỉnh lý, hoàn thiện những nội dung đã tiếp thu tại dự thảo Luật; chưa thể hiện được những nội dung kế thừa Luật số 69; dự án Luật được xây dựng trong điều kiện chưa sơ kết Nghị quyết số 12-NQ/TW nên có thể không cập nhật, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, quan điểm của Đảng về đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN trong tình hình mới.

Về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đại biểu Nguyễn Thành Trung cho biết hiện có 33 bộ luật, luật liên quan đến quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp như Luật Doanh nghiệp, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Đầu tư, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Dầu khí, Luật Chứng khoán, Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp…. Một số nội dung của dự thảo Luật chưa thống nhất, chưa tương thích với các luật có liên quan như Luật Các tổ chức tin dụng, Luật Doanh nghiệp…

Đại biểu Trung đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Luật chỉ quy định những nội dung về nguyên tắc quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan, người đại diện vốn chủ sở hữu tại doanh nghiệp, quy định về cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá đối với cơ quan, người đại diện vốn… còn doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư được chủ động quyết định hoạt động sản xuất kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các quy định của pháp luật hiện hành, tự chịu trách nhiệm trước cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu về quyết định của mình.

Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, đại biểu Nguyễn Thành Trung cho rằng: Bảo đảm nguyên tắc xuyên suốt ở đâu có vốn của Nhà nước thì ở đó phải có quản lý của nhà nước với biện pháp, mức độ phù hợp, kể cả các doanh nghiệp vốn Nhà nước chiếm tỷ lệ dưới 50% hoặc các doanh nghiệp mà nhà nước đầu tư, góp vốn (doanh nghiệp F2, F3). Đồng thời bổ sung các nguyên tắc quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp này để đảm bảo tính chủ động của doanh nghiệp, hạn chế tình trạng Nhà nước can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp.

Về quyết định công tác nhân sự (Điều 13) và quyết định chiến lược, kế hoạch, danh mục cơ cấu lại vốn (Điều 14), theo đại biểu Trung, vấn đề này đã được Chính phủ tiếp thu theo ý kiến thẩm tra sơ bộ, tuy nhiên việc quy định một số doanh nghiệp có vốn Nhà nước không phải xây dựng chiến lược kinh doanh liệu có phù hợp với thông lệ, bởi đây cũng là một phương thức thực hiện quản lý của Nhà nước đối với hoạt động SXKD của doanh nghiệp, đảm bảo vai trò điều tiết, định hướng của nhà nước đối với thành phần DN nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nên chăng, tiếp tục quy định thẩm quyền quyết định chiến lược kinh doanh của DN trên cơ sở chiến lược kinh doanh được phê duyệt thì doanh nghiệp chủ động quyết định kế hoạch kinh doanh, vừa đảm bảo tính chủ động của DN song vẫn đảm bảo vai trò điều tiết của Nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Thành Trung tham gia ý kiến vào về Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Làm rõ nội hàm của Quỹ đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp

Về phân phối lợi nhuận và sử dụng Quỹ (Điều 15), theo đại biểu Nguyễn Thành Trung, đây là vấn đề còn nhiều ý kiến, nhất là đối với Quỹ đầu tư phát triển để tại DN Chính phủ đã tiếp thu nhiều ý kiến trong báo cáo thẩm tra sơ bộ, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Song cần tiếp tục làm rõ nội hàm của Quỹ đầu tư phát triển để tại DN là quỹ của Nhà nước tại DN, để phân định rõ với Quỹ đầu tư phát triển của DN (hiện nay đang được phép thành lập); làm rõ cơ quan quản lý Quỹ, thẩm quyền quyết định, phạm vi, mục đích sử dụng quỹ.

Về phạm vi đầu tư vốn và nguồn vốn Nhà nước đầu tư, theo đại biểu Trung, quy định đã đảm bảo thể chế hóa đầy đủ theo Nghị quyết 12 hay chưa; có cơ chế để khuyến khích sự tham gia của DN có vốn Nhà nước đầu tư vào các dự án trong các lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, công nghệ cao…; vấn đề về phân cấp quyết định thực hiện đầu tư vốn.

Theo đại biểu Nguyễn Thành Trung, một số quy định về hoạt động đầu tư của DN chưa thống nhất với quy định pháp luật liên quan như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp, Luật các tổ chức tín dụng; chưa thực sự phù hợp với quan điểm phân cấp, phân quyền cho doanh nghiệp và còn can thiệp vào hoạt động của DN.

Theo đại biểu Trung, thẩm quyền quyết định nêu tại Điều 28, 29, 30, 31, 32 là chưa thực sự phù hợp với quan điểm phân cấp, phân quyền cho DN và còn can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp. Một số quy định về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp chưa thống nhất với quy định pháp luật liên quan như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công. Do đó, đại biểu đề nghị cần rà soát kỹ các quy định để tránh chồng chéo, mâu thuẫn về khái niệm, về quản lý nhà nước, về hoạt động đầu tư của DN theo nguyên tắc: trường hợp đầu tư dự án sản xuất kinh doanh bằng vốn của DN thì do Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị/Chủ tịch Công ty quyết định và chịu trách nhiệm. Đồng thời, Chính phủ quy định chi tiết phân định rõ về quy trình, thủ tục quản lý vốn và quản lý đầu tư. Trường hợp đầu tư dự án sản xuất kinh doanh bằng vốn ngân sách cấp thì giao DN làm chủ đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Khoản 3 Điều 32 quy định không thực hiện thẩm định giá để xác định giá trị dự án tại thời điểm chuyển nhượng, giá khởi điểm và đấu giá khi chuyển nhượng dự án đầu tư giữa các DN 100% vốn điều lệ Nhà nước đầu tư có đảm bảo được nguyên tắc thị trường và bình đẳng giữa các doanh nghiệp nên theo đại biểu cần nghiên cứu kỹ quy định này.

Về luật hóa các quy định về sắp xếp và cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại DN trên cơ sở Nghị định của Chính phủ, trong đó có các quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hồ sơ… , theo đại biểu, việc này cần rà soát để đảm bảo không luật hóa những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ.

Về cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn, quy định về quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, người đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại DN cần đảm bảo nguyên tắc Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của DN, tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DN.

Tham gia về Luật Công nghiệp công nghệ số, tại điều 34 về ưu đãi thuế, đại biểu Nguyễn Quốc Luận – Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Yên Bái cho rằng: Trong dự thảo Luật cần mở rộng thêm đối với những địa bàn miền núi còn khó khăn về kinh tế, cần có chính sách ưu đãi để thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư; có chính sách hỗ trợ, ưu đãi đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đối với nhân lực người dân tộc thiểu số. Vì vậy, Nhà nước cần có những chính sách căn cơ hỗ trợ cho con em đồng bào dân tộc thiểu số được tham gia học tập, phát triển nghề nghiệp, góp phần tạo nguồn lực chất lượng cao tại địa phương cũng như hỗ trợ các DN đầu tư vốn vào những địa phương còn gặp nhiều khó khăn.

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 666080
  • Truy cập hôm nay: 183
  • Đang trực tuyến: 6