Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), đẩy mạnh công tác chuyển đổi số (CĐS) trong các hoạt động chuyên môn là giải pháp đang được BHXH huyện Trấn Yên tập trung triển khai nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, đơn vị, doanh nghiệp đang tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Hiện, BHXH Trấn Yên đang sử dụng các phần mềm nghiệp vụ ngành để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và phục vụ công tác quản lý điều hành; 100% hồ sơ, công việc được thực hiện trên môi trường mạng, đảm bảo khách quan, công khai và minh bạch.
Để phục vụ công tác CĐS, BHXH huyện đã được trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị, đáp ứng các yêu cầu về hạ tầng, bảo đảm đủ điều kiện để kết nối liên thông các phần mềm nghiệp vụ của ngành và các ứng dụng dùng chung để xử lý công việc trên môi trường mạng nhanh chóng, kịp thời.
100% viên chức, người lao động thực hiện dịch vụ công có trình độ từ đại học trở lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cán bộ tại bộ phận “Một cửa” có trình độ CNTT đáp ứng công việc; chuyển tác phong làm việc từ hành chính sang phục vụ; sẵn sàng hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân tham gia BHXH, BHYT, BHTN.
Cùng với đó, BHXH huyện đã phổ biến, quán triệt đầy đủ mục tiêu, nội dung Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án số 06) của Chính phủ đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành.
Triển khai việc kê khai số căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử, số định danh cá nhân đối với người tham gia BHXH, BHYT gửi đến các đơn vị sử dụng lao động; UBND các xã, thị trấn; các cơ sở giáo dục; đại lý thu BHXH, BHYT trên địa bàn huyện để phối hợp đề nghị người tham gia kê khai số CCCD hoặc số định danh cá nhân để đơn vị tích hợp vào cơ sở dữ liệu.
Đặc biệt, việc triển khai ứng dụng VssID – BHXH số từ cuối năm 2020 là một bước đi quan trọng, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình CĐS của ngành BHXH theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cho người dân trên ứng dụng, góp phần thực hiện những nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc giải quyết các thủ tục BHXH, BHYT thông qua phương thức giao dịch điện tử mà không phải trực tiếp đến cơ quan BHXH.
Ông Trần Văn Hải – Giám đốc BHXH huyện Trấn Yên cho biết: “BHXH Trấn Yên đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của BHXH Việt Nam và Cổng dịch vụ công quốc gia; phối hợp triển khai cài đặt ứng dụng VssID, đưa VssID trở thành một kênh giao tiếp và giúp người tham gia BHXH, BHYT, BHTN tra cứu thông tin về mức đóng, hưởng và các quyền lợi liên quan đến chính sách BHXH, BHYT một cách dễ dàng, nhanh chóng”.
Chị Vi Thị Vân ở xã Quy Mông cho biết: “Tôi tham gia BHXH và BHYT tự nguyện, được đại lý bên BHXH hướng dẫn cài đặt ứng dụng VssID. Vừa qua tôi có đi khám bệnh, mà không cần sử dụng thẻ BHYT giấy, chỉ cần mở ứng dụng và quét mã thẻ BHYT trên đó. Ứng dụng còn tiện lợi là lưu trữ lịch sử khám bệnh, quá trình tham gia BHXH của tôi được cập nhật thường xuyên. Tôi thấy ứng dụng này rất tiện ích”.
Đến hết tháng 9/2022, toàn huyện có trên 16.200 tài khoản giao dịch điện tử cá nhân đã đăng ký cài đặt VssID, số tài khoản được phê duyệt hợp lệ là gần 15.000 người; có 184 đơn vị đủ điều kiện đăng ký giao dịch điện tử, đạt 100%. Tổng số hồ sơ giao dịch điện tử gần 4.800 hồ sơ, chiếm 65,3% tổng số hồ sơ. Có gần 1.000 thẻ BHYT trẻ em dưới 6 tuổi đã được cấp qua liên thông dữ liệu với Bộ Tư pháp.
Với phương châm “Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, BHXH Trấn Yên tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính theo cơ chế một cửa liên thông, tập trung triển khai có hiệu quả việc giao dịch hồ sơ đóng BHXH, BHYT qua mạng Internet, thực hiện đăng ký giao dịch điện tử.
Cùng với đó, tăng cường phối hợp với ngành y tế tuyên truyền và thực hiện sử dụng CCCD gắn chíp trong khám chữa bệnh BHYT. Tăng cường tuyên truyền, vận động người có thẻ BHYT cài đặt, đăng ký và sử dụng ứng dụng VssID, sử dụng thẻ CCCD gắn chíp điện tử để khám, chữa bệnh.
Cùng với đó, tiếp tục cập nhật, bổ sung, xác thực thông tin CCCD của người dân tham gia vào cơ sở dữ liệu để bảo đảm việc đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Theo Báo Yên Bái