Đảm bảo cung ứng đủ điện, xăng dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký ban hành Kế hoạch tổ chức số 2594/BCT-KHTC về việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.

Công ty Điện lực Hòa Bình cải tạo nâng công suất trạm biến áp 110 kV Mai Châu.

Cụ thể, triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 5/4/2024 của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Bộ Công Thương yêu cầu thủ trưởng các đơn vị khẩn trương tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ; trong đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đảm bảo cung ứng đủ điện, xăng dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Công nghiệp, Vụ Thị trường trong nước, Vụ Dầu khí và Than khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn, khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái, phát triển điện khí, điện gió, điện sinh khối và điện sản xuất từ rác thải theo đúng kết luận của Thường trực Chính phủ tại các Thông báo số 112/TB-VPCP ngày 22/3/2024 và 129/TB- VPCP ngày 29/3/2024 của Văn phòng Chính phủ; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 5/2/2024.

Ngoài ra, các đơn vị tăng cường tuyên truyền, phổ biến và theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chính sách, quy định của Nhà nước về tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 8/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và pháp luật về việc triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII bảo đảm vững chắc cung ứng đủ điện cho quốc gia và các vùng, miền theo dự báo nhu cầu điện hàng năm chủ trì, phối hợp với các địa phương khẩn trương tổng hợp, hoàn thiện danh mục các dự án nguồn điện theo yêu cầu của Kế hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ để xem xét, phê duyệt trước ngày 30/4/2024; trong đó ưu tiên phát triển các dự án điện sinh khối, điện sản xuất từ rác.

Đặc biệt, chủ động xây dựng kế hoạch, bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất kinh doanh, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Theo dõi sát diễn biến thị trường, nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, năng lượng và hàng hóa thiết yếu khác để kịp thời có phương án quản lý, điều tiết sản xuất hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định giá cả thị trường. Cùng đó, có biện pháp từ sớm, từ xa theo thẩm quyền và quy định để đảm bảo cung ứng đủ điện, xăng dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp, tuyệt đối không để thiếu điện, thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.

Trong kế hoạch, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ quán triệt, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và Nghị quyết 02/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, các Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ, các chỉ thị, công điện và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Các đơn vị theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, việc điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn, quốc gia liên quan, đối tác, nhất là chính sách về tiền tệ, tài khóa, thương mại, đầu tư…; phân tích, dự báo để kịp thời có phương án điều hành, phản ứng chính sách phù hợp, hiệu quả. Khẩn trương ban hành và triển khai có hiệu quả Kế hoạch thực hiện các quy hoạch ngành quốc gia đã được phê duyệt. Khôi phục và phát huy đà tăng trưởng ngành công nghiệp tại các địa phương và vùng kinh tế trọng điểm.

Cùng đó, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các Luật, Nghị quyết đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV; hoàn thiện các hồ sơ, tài liệu, tờ trình của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm chất lượng, đúng thời hạn quy định. Đồng thời, chủ động làm việc, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội trong quá trình tiếp thu, giải trình, hoàn thiện hồ sơ, tài liệu, báo cáo.

Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường đẩy mạnh quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa. Cục Phòng vệ thương mại kịp thời điều tra, xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam theo quy định, bảo vệ các ngành sản xuất trong nước, phù hợp với cam kết quốc tế.

Bộ trưởng cũng lưu ý Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Chính sách thương mại đa biên, các Vụ Thị trường ngoài nước chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, các bộ, cơ quan liên quan hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết như Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA).

Đặc biệt, đẩy mạnh đàm phán, ký kết hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, tập trung thúc đẩy đàm phán, ký kết FTA với Các tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), khu vực Mỹ La-tinh; tiếp tục mở rộng xuất khẩu vào khu vực châu Phi, thị trường Halal; hoàn tất đưa vào thực thi FTA với Israel. Khẩn trương triển khai giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là với các thị trường lớn, tiềm năng, đẩy mạnh phát huy hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã ký kết; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng nhanh các tiêu chuẩn mới của nước đối tác xuất khẩu.

Bộ trưởng đề nghị Cục Xúc tiến thương mại, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Vụ Thị trường trong nước chú trọng phát triển thị trường trong nước; thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử. Thực hiện hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước, tăng cường triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm để mở rộng tiêu dùng nội địa.

Ngoài ra, Vụ Kế hoạch – Tài chính khẩn trương phân bổ 100% kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 đã được Thủ tướng Chính phủ giao, báo cáo phương án phân bổ, gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công theo quy định trong tháng 5 năm 2024. Rà soát các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật để sửa đổi, bổ sung nhằm thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Không báo cáo cấp có thẩm quyền cắt giảm kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 nguồn vốn ngân sách trung ương của bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tương ứng với số vốn không giải ngân hết kế hoạch năm 2023, không được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân và bị hủy dự toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Được phép bố trí lại kế hoạch vốn ngân sách Trung ương các năm 2024, 2025 tương ứng với số vốn không giải ngân hết năm 2023, bị hủy dự toán cho các nhiệm vụ, dự án bảo đảm bố trí đủ vốn, hoàn thành đúng tiến độ, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Cùng đó, phải có giải pháp để thực hiện nghiêm việc giải ngân vốn đầu tư công, tránh tình trạng phải kéo dài thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn hàng năm hoặc hủy dự toán.

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 684651
  • Truy cập hôm nay: 114
  • Đang trực tuyến: 2