Thời gian qua, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh đã phát huy tốt vai trò của mình, đặc biệt là trong việc đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối thoại, thương lượng và chất lượng các thỏa ước lao động tập thể.
Xác định vai trò của công tác đối thoại là cơ sở quan trọng cho việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh đã ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện quy chế dân chủ trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Trong đó, đối với thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc trong các loại hình doanh nghiệp, căn cứ tình hình lao động và hoạt động sản xuất kinh doanh, quy mô doanh nghiệp, công đoàn cơ sở đề nghị người sử dụng lao động thành lập bộ phận tham gia xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung quy chế dân chủ.
Đối với các doanh nghiệp có đông công nhân, công đoàn cơ sở đề nghị thành lập tổ thực hiện quy chế dân chủ tại doanh nghiệp, cử đại diện công đoàn cơ sở tham gia xây dựng, ban hành quy chế dân chủ tại doanh nghiệp.
Công đoàn cơ sở chủ động đề xuất những nội dung đảm bảo quyền của người lao động “được biết, được bàn, được tham gia ý kiến và kiểm tra, giám sát” và các quy định cụ thể về tổ chức hội nghị người lao động, đối thoại tại nơi làm việc để đưa vào nội dung quy chế dân chủ của doanh nghiệp. Tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định hiện hành. Công đoàn cơ sở chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao trong quá trình chuẩn bị và tiến hành đối thoại định kỳ và khi có yêu cầu.
Quá trình thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, các công đoàn cơ sở kết hợp với xây dựng kế hoạch thực hiện quy chế giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Đồng thời, nắm bắt tình hình về việc làm, thu nhập, đời sống, việc thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động cũng như tư tưởng, tâm trạng của cán bộ, đoàn viên, công nhân người lao động. Kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc, những bất cập trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động lên công đoàn cấp trên.
Bà Đinh Thị Hồng Lan – Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh cho biết: Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh đang quản lý 49 công đoàn cơ sở với tổng số trên 9.000 người lao động; trên 8.700 đoàn viên công đoàn. Thời gian qua, Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh đã quan tâm tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc, trong đó có hoạt động đối thoại.
“Nhìn chung, số lượng và chất lượng hoạt động đối thoại tại nơi làm việc ngày càng được nâng lên. Đa số doanh nghiệp đều tổ chức đối thoại với người lao động hoặc đại diện cho người lao động là công đoàn cơ sở để thống nhất xây dựng thang bảng lương, định mức lao động…” – bà Lan thông tin.
Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn khá nhiều doanh nghiệp chưa nắm chắc quy định của pháp luật về đối thoại hoặc biết nhưng còn thờ ơ trong việc thực hiện đối thoại tại nơi làm việc; dẫn đến chất lượng một số cuộc đối thoại chưa đáp ứng yêu cầu của người lao động, việc tổ chức vẫn còn mang tính hình thức; chưa phát huy được vai trò của công đoàn cơ sở trong chủ động tham gia với chủ doanh nghiệp tổ chức đối thoại tại nơi làm việc.
Với phương châm hướng về cơ sở, các cấp công đoàn trong tỉnh đã và đang góp phần quan trọng đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động và phát huy tốt vai trò của mình, đặc biệt là trong việc đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối thoại, thương lượng và chất lượng các thỏa ước lao động tập thể cho người lao động.
Thời gian tới, Liên đoàn Lao động tỉnh, Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh tiếp tục tập huấn cho đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở, người lao động về việc thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc; tăng cường công tác chỉ đạo, thường xuyên đôn đốc và sát sao hỗ trợ công đoàn cơ sở trong hoạt động đối thoại với người lao động; quan tâm khen thưởng các đơn vị làm tốt…