“Chìa khóa” nâng tầm nông sản Yên Bái

Với lợi thế về nguồn nguyên liệu dồi dào cùng với cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, ngành công nghiệp chế biến nông – lâm sản ở Yên Bái đã có những bước phát triển khả quan. Tuy nhiên, sản phẩm chế biến phần lớn ở dạng thô, lượng sản phẩm tinh chế ít, giá trị sản phẩm không cao; nhiều sản phẩm nông nghiệp có dư địa tốt nhưng chưa được đầu tư chế biến…

Chế biến gỗ rừng trồng là một trong những thế mạnh kinh tế của Yên Bái.
Là tỉnh miền núi, tài nguyên đất đai, khí hậu của Yên Bái rất thích hợp để phát triển các loại cây công nghiệp: chè, quế, rừng, cây ăn quả. Từ lợi thế đó cùng với đẩy mạnh tái cơ cấu nền nông nghiệp với những chính sách hỗ trợ hợp lý, đến nay, tỉnh đã hình thành nhiều vùng chuyên canh tập trung và là thị trường tiềm năng về nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến (CNCB) nông – lâm sản. 
 
Cùng đó, thời gian qua, bên cạnh “trải thảm đỏ” kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến gắn với vùng nguyên liệu, tỉnh đã từng bước cơ cấu lại ngành CNCB nông lâm sản, thực phẩm được theo đúng định hướng, phù hợp vùng nguyên liệu, nâng cao giá trị sản phẩm, thân thiện môi trường. Nhiều nhà máy chế biến được đầu tư gắn với vùng nguyên liệu, nâng cao được giá trị nông – lâm sản, tạo được nhiều việc làm, thu nhập ổn định cho lao động nông thôn. 
 
Theo Sở Công Thương, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 520 cơ sở chế biến gỗ; trong đó, có 44 doanh nghiệp, công ty và 476 hộ cá thể; có 2 doanh nghiệp (DN) sản xuất giấy đế và giấy vàng mã gồm: Công ty cổ phần Nông lâm sản thực phẩm Yên Bái và Công ty cổ phần Hapaco Yên Sơn; 16 DN, 120 hộ cá thể chưng cất tinh dầu quế với tổng công suất thiết kế là 955 tấn sản phẩm/năm và sản phẩm chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc. 
 
Tỉnh cũng đã thu hút được nhiều dự án sản xuất gỗ quy mô và chất lượng cao như: Công ty TNHH  ngành gỗ Thiên An, Công ty TNHH Hoàng Gia Yên Bái, Công ty TNHH Kim Gia, Công ty TNHH Good Industry; Công ty TNHH Trường Minh; Công ty cổ phần Junma Yên Bái; Công ty TNHH một thành viên An Việt Phát… 
 
Các sản phẩm ván ép, ván ghép thanh, đũa gỗ, viên nén đã được xuất khẩu đến các thị trường: Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ. Ngành chế biến chè đã từng bước cơ cấu lại để phù hợp với vùng nguyên liệu và thị trường. Hiện, toàn tỉnh có 51 cơ sở chế biến đang hoạt động, một số cơ sở DN đã đầu tư cải tạo, đổi mới dây chuyền máy móc, thiết bị công nghệ chế biến tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chè, tỷ trọng sản phẩm chè xanh giá trị cao được nâng lên, từng bước xây dựng và phát triển thương hiệu. 
 
Trong đó, sản lượng chè chế biến năm 2021 đạt 27.000 tấn gồm: chè đen 24.290 tấn, chiếm 90% sản lượng, chè xanh 2.710 tấn nhưng sản phẩm chủ yếu bán trong nước, xuất khẩu trực tiếp thấp. Trong lĩnh vực chế biến tinh bột sắn, hiện có 2 DN, 3 nhà máy sản xuất, công suất 56.000 tấn sản phẩm/năm. Sản lượng năm 2021 đạt khoảng 37.000 tấn (chưa phát huy hết công suất thiết kế). Sản phẩm sản xuất ra đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; tuy nhiên, vẫn chủ yếu xuất theo biên mậu, giá cả, thị trường không ổn định. 
 
Có thể khẳng định, những năm qua, ngành công nghiệp CNCB thực phẩm luôn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Giá trị sản xuất ngành này chiếm khoảng 43% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh; tạo việc làm ổn định cho khoảng 10.000 lao động, với thu nhập bình quân từ 6 – 8 triệu đồng/tháng.
 
Tuy nhiên, dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng sự phát triển của ngành CNCB nông sản chưa tương xứng với tiềm năng, còn bộc lộ những hạn chế trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. 
 
Năng lực chế biến một số ngành hàng còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của sản xuất nguyên liệu và thị trường tiêu thụ. Công nghệ chế biến nông sản chưa cao, chủ yếu là sản phẩm thô, tỷ lệ sản phẩm giá trị gia tăng còn thấp, chủng loại sản phẩm chế biến chưa phong phú. Đơn cử như trong lĩnh vực chế biến chè, phần lớn các cơ sở đều chế biến chè theo công nghệ OTD, hệ thống máy móc, thiết bị chế biến chè đã xuống cấp, chắp vá, thiếu đồng bộ, xuất xứ từ nhiều nơi sản xuất như: Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam… 
 
Bên cạnh đó, tổ chức liên kết sản xuất – chế biến và tiêu thụ còn lỏng lẻo, chưa tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa CNCB với sản xuất nguyên liệu và thị trường tiêu thụ. Nhiều sản phẩm nông nghiệp có dư địa tốt; tuy nhiên, chưa được đầu tư sơ chế biến như: sản phẩm cây ăn quả, giết mổ chế biến sản phẩm chăn nuôi, thủy sản; do đó, sản phẩm cung ứng ra thị trường chủ yếu là sản phẩm thô, giá trị thấp. 
 
Cùng đó, do nhiều DN chưa quan tâm gắn chế biến với xây dựng vùng nguyên liệu; dẫn đến, tình trạng cạnh tranh giữa các đơn vị thu mua nguyên liệu chế biến, đặc biệt là cạnh tranh giữa các DN sản xuất: gỗ ván bóc, ván ghép thanh, tinh dầu quế, chế biến chè. 
 
Thị trường tiêu thụ không ổn định, thiếu bền vững, giá cả bấp bênh như sản phẩm gỗ rừng trồng, giấy đế, giấy vàng mã. Lãi vay tín dụng tăng nên một số DN vừa và nhỏ gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
 
Phát triển CNCB nông – lâm sản, được coi là chìa khóa nâng cao giá trị nông sản. Với mục tiêu tập trung phát triển sản xuất các nhóm sản phẩm chủ lực gắn với phát triển các khu, cụm CNCB để đáp ứng nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch vùng nguyên liệu, tạo sự liên kết giữa nông dân và DN trong việc thu mua nguyên liệu. Do vậy, các địa phương cần tổ chức sản xuất nguyên liệu, phát triển các cụm liên kết sản xuất – chế biến và tiêu thụ nông sản. 
 
Trên cơ sở thị trường tiêu thụ, thực hiện việc rà soát quy hoạch sử dụng đất, cơ cấu sản xuất cây trồng vật nuôi, phát huy lợi thế so sánh của từng vùng… để xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, bảo đảm đủ nguyên liệu cho cơ sở chế biến đạt công suất thiết kế. 
 
Bên cạnh đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông lâm sản, khuyến khích, ưu tiên các DN đầu tư phát triển CNCB, phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng đối với các sản phẩm hàng hoá phục vụ xuất khẩu như: chè, quế, măng tre Bát độ, tinh bột sắn, sản phẩm gỗ rừng trồng, thủy sản, sơn tra… đặc biệt là đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch; đồng thời, giảm nhanh các sản phẩm sơ chế. Tăng cường nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật xuống đến các hộ sản xuất, tập trung vào các nhóm hàng mà các DN có nhu cầu thu mua lớn. 
 
Cùng đó, tiếp tục hỗ trợ DN tổ chức kết nối tiêu thụ, xúc tiến thương mại các sản phẩm, nhất là về vốn, mặt bằng, lao động, tìm kiếm thị trường. Bên cạnh đó, do đặc điểm là thu hồi vốn chậm, dễ gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh nên bên cạnh triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích đầu tư đã ban hành cần nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để khuyến khích các DN trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào ngành CNCB. 
Theo Báo Yên Bái

Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 650142
  • Truy cập hôm nay: 566
  • Đang trực tuyến: 4