Yên Bái: Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng ấn tượng

Trong bối cảnh biến động về giá cả, hoạt động thương mại giảm tốc, nhưng sản xuất công nghiệp (SXCN) của tỉnh tiếp tục tăng trưởng ấn tượng với mức tăng lũy kế đến hết tháng 9 năm nay là 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Điều này tạo niềm tin vào việc hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022.

Công nhân Công ty TNHH Unico Global YB tại Khu Công nghiệp Âu Lâu, thành phố Yên Bái hoàn thiện sản phẩm may mặc.
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi kinh tế năm 2022, các ngành, địa phương trong tỉnh coi đây là mục tiêu hàng đầu. Trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các DN sản xuất sản phẩm chủ lực phục hồi, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh (SXKD), góp phần nâng cao năng lực sản xuất của DN, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, phải kể đến tăng trưởng trong lĩnh vực SXCN. Điều đó cho thấy, xu hướng phục hồi tiếp tục được khẳng định. 
 
Theo Cục Thống kê tỉnh, SXCN trên địa bàn tỉnh 9 tháng năm 2022 duy trì ổn định và có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước do hoạt động SXKD của DN được duy trì và đang dần phục hồi. 9 ngành có chỉ số sản xuất 9 tháng năm 2022 tăng so với cùng kỳ như: sản xuất trang phục tăng 25,73%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 23,03%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 22,84%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 8,49%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 33,88%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng hơi nước và điều hòa không khí tăng 43,28%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 8,43%… 
 
Đánh giá về tình hình SXCN trong tỉnh thời gian qua, đại diện Sở Công Thương cho biết: Từ đầu năm đến nay, không riêng SXCN mà các ngành kinh tế khác cũng gặp nhiều bất lợi do biến động vật tư, vận chuyển, cân đối chi phí đầu vào và giá thành sản phẩm. 
 
Tuy nhiên, với mức tăng trưởng trên 10% so với cùng kỳ năm trước, một số sản phẩm chính có chỉ số sản xuất 9 tháng năm 2022 tăng cao so với cùng kỳ năm 2021 gồm: tinh bột sắn tăng 42,42%; quần áo các loại tăng 1,02 lần; gỗ dán tăng 41,15%; ván ép từ gỗ tăng 35,58%; các loại đá lát, đá lát lề đường tăng 40,95%; các sản phẩm bằng đá hoặc bằng các chất liệu khoáng khác chưa được phân vào đâu tăng 45,66%; điện sản xuất tăng 51,43% do một số công trình thủy điện đã hoàn thành đưa vào vận hành, một mặt do lượng mưa các tháng đầu năm nay cao hơn các tháng cùng kỳ năm trước; điện thương phẩm tăng 2,21%; nước uống được tăng 8,43%… 
 
Số liệu trên cho thấy tính tự chủ trong sản xuất, thích ứng, nắm bắt thị trường của DN. Các DN trong tỉnh đã nỗ lực khai thác lợi thế sản xuất các mặt hàng truyền thống, mở rộng thêm một số bạn hàng mới. Tuy nhiên, một số ngành có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ như: khai thác quặng kim loại giảm 39,67%; chế biến thực phẩm giảm 17,83%;…
 
Theo ông Nguyễn Thanh Hà – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn, bước sang năm 2022, hoạt động SXKD của Công ty gặp nhiều khó khăn do nguyên liệu đầu vào tăng cao, xung đột chính trị tại một số quốc gia gây khó khăn cho xuất, nhập khẩu hàng hóa, chi phí làm ra thành phẩm tăng cao, dẫn đến giảm năng lực cạnh tranh giữa các DN cùng ngành và khả năng giảm sút đơn hàng đã ảnh hưởng đến sự ổn định của sản xuất. 
 
Ông Nguyễn Thanh Hà cho biết: Trước tình hình đó, Ban Giám đốc Công ty đã đề ra nhiều nhóm giải pháp cụ thể: trên lĩnh vực hoạt động kinh doanh, đầu tư – tài chính, Công ty đã giữ vững ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm, chú trọng cải tiến, đổi mới phương thức bán hàng, thanh toán tiền và cung cấp vật tư, dịch vụ; đánh giá lựa chọn đơn vị cung cấp vật tư và cung ứng vật tư, chống độc quyền trong việc cấp hàng hóa; chủ động, tích cực tìm kiếm nhà cung cấp hàng hóa vật tư đáp ứng tốt yêu cầu chất lượng, tiến độ cho sản xuất. 
 
Trên lĩnh vực kỹ thuật, sản xuất và quản lý chất lượng, đã đẩy mạnh thực hiện các giải pháp làm tăng tỷ lệ thu hồi sản phẩm và tiết kiệm chi phí sản xuất; thay đổi cải tiến công nghệ, đáp ứng yêu cầu của thị trường và phát triển thị trường – sản phẩm mới kỹ thuật cao. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, sản lượng sản xuất của Công ty đạt 2.072 tấn, bằng 57,5% kế hoạch; doanh thu tiêu thụ đạt 77,44 tỷ đồng, bằng 70,40% kế hoạch, nộp ngân sách Nhà nước gần 4,17 tỷ đồng, bằng 41,6% kế hoạch… 
 
Để tạo thuận lợi cho các DN SXCN trên địa bàn, Sở Công Thương cũng đã tổ chức nhiều cuộc kết nối giao thương trong nước và quốc tế; qua đó, giúp các DN, nhất là DN vừa và nhỏ có nhiều cơ hội xúc tiến đầu tư với thị trường lớn và tiềm năng để từ đó nâng cao hiệu quả SXKD, nhanh chóng phục hồi sau dịch bệnh cũng như đa dạng chuỗi cung ứng nguyên, vật liệu cho sản xuất trong nước. 
 
Các hoạt động xúc tiến thương mại cũng đã có nhiều đổi mới theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, tạo cơ hội giá trị để các DN chia sẻ, xác định hướng đi và biện pháp thâm nhập, phát triển hiệu quả vào các thị trường xuất, nhập khẩu mục tiêu. Từ đó, DN cải thiện nội lực, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, vững vàng vượt qua khó khăn do các yếu tố ngoại cảnh tác động, góp phần đẩy nhanh sự phục hồi và phát triển kinh tế cũng như sự phát triển bền vững của SXCN. 
 
Lãnh đạo Chi cục Hải quan Yên Bái cho biết: đơn vị tiếp tục thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của cộng đồng DN trên địa bàn. Kịp thời tiếp nhận và giải đáp các vướng mắc cho cộng đồng DN trong hoạt động xuất, nhập khẩu thông qua các kênh: hội nghị đối thoại, trực tiếp tại trụ sở cơ quan hải quan. Dự báo quý IV/2022 kết quả SXKD của các DN chế biến chế tạo tốt hơn so với quý III/2022. Cụ thể, có tới 36,84% DN có kết quả SXKD tốt lên; 40,35% DN giữ nguyên và 22,81% DN gặp khó khăn hơn.
 
Theo Báo Yên Bái

Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 665634
  • Truy cập hôm nay: 901
  • Đang trực tuyến: 7