Đề xuất rút gọn bậc giá điện sinh hoạt xuống 5 bậc

Bộ Công Thương vừa đề xuất thay đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, rút gọn từ 6 bậc xuống 5 bậc.

Ảnh minh họa

Ngày 13/1, Bộ Công Thương vừa hoàn thiện hồ sơ và gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Quyết định của Thủ tướng quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để thay thế cho Quyết định 28/2014.

Bộ Công Thương đề xuất cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt rút ngắn từ 6 bậc xuống 5 bậc.

Bậc 1 cho 100kWh đầu tiên;

Bậc 2 cho 101-200kWh;

Bậc 3 cho 201-400kWh;

Bậc 4 cho 401-700kWh;

Bậc 5 cho 701 kWh trở lên.

Trên cơ sở thiết kế các bậc nêu trên, giá điện cho từng bậc được thiết kế lại. Giữ nguyên giá cho bậc 1 để đảm bảo ổn định giá điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện thấp. Số hộ này đang chiếm 33,48%. Phần chênh lệch giảm doanh thu tiền điện được bù đắp từ hộ sử dụng điện ở bậc 4 và bậc 5, từ 401kWh trở lên.

Giá điện cho bậc 2 và từ 201-300kWh cũng được giữ nguyên như hiện hành.

Giá điện cho các bậc 4, 5, tức là từ 401-700kWh và từ 700kWh trở lên được thiết kế tăng trong cơ cấu giá bán điện nhằm bù trừ doanh thu cho các bậc thấp và khuyến khích tiết kiệm trong sử dụng điện.

Giá bán lẻ điện bình quân hiện là 2.103,11 đồng/kWh (áp dụng từ 11/10/2024).

Như vậy, giá thấp nhất (bậc 1) khoảng 1.893 đồng/kWh và cao nhất (bậc 5) là 3.786 đồng/kWh. Các mức giá này chưa bao gồm thuế VAT.

Tại dự thảo lần này, Bộ Công Thương tiếp tục đề xuất tính giá bán lẻ điện cho trạm sạc xe điện chia theo cấp điện áp (giờ bình thường, thấp điểm và cao điểm), với 3 phương án.

Phương án 1, áp dụng theo giá điện kinh doanh. Phương án này có thể tác động không tích cực tới chính sách phát triển xe điện do làm tăng chi phí sạc điện, chưa phản ánh đúng chi phí của khách hàng trạm, trụ sạc xe điện gây ra cho hệ thống điện.

Phương án 2, bổ sung nhóm khách hàng trạm, trụ sạc xe điện, gọi là nhóm “sạc xe điện”, giá bán tính theo các cấp điện áp. Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho trạm, trụ sạc xe điện được xây dựng trên cơ sở giá điện phản ánh chi phí sản xuất điện mà trạm/trụ sạc xe điện gây ra cho hệ thống điện.

Theo tính toán của Bộ Công Thương, cơ cấu biểu giá điện cho nhóm khách hàng này sẽ thấp hơn mức áp dụng cho kinh doanh nhưng cao hơn sản xuất.

Phương án 3, áp dụng theo giá sản xuất. Phương án này có thể tác động tích cực tới chính sách phát triển xe điện do làm giảm chi phí sạc điện. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, sẽ tác động tới cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Bởi, giá bán lẻ điện cho sản xuất thấp hơn sẽ dẫn tới việc tăng giá điện cho các nhóm khách hàng khác để cân đối lại doanh thu.

Bộ Công Thương tính toán nếu áp dụng phương án 1 và 3 sẽ tiếp tục làm phát sinh bù chéo giữa các nhóm khách hàng sử dụng điện, khi triển khai áp dụng có thể sẽ không phù hợp với chủ trương và lộ trình giảm bù chéo giá điện.

Còn phương án 2 được xây dựng trên cơ sở giá bán điện phản ánh chi phí của nhóm khách hàng sạc xe điện gây ra cho hệ thống điện.

Từ đó, Bộ Công Thương kiến nghị xem xét lựa chọn áp dụng theo phương án 2.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đề xuất tách khách hàng “cơ sở lưu trú du lịch” với các khách hàng kinh doanh khác và được áp dụng cơ cấu biểu giá ngang bằng với khách hàng sản xuất.

Nhà điều hành cho rằng phần thiếu hụt doanh thu do bổ sung nhóm khách hàng “cơ sở lưu trú du lịch” có thể được xem xét để bù từ giá bán điện của nhóm khách hàng sản xuất. Cụ thể, cơ cấu giá bán lẻ điện ngành sản xuất tăng 1-2% so với giá bán lẻ điện bình quân. Các doanh nghiệp sản xuất sẽ chịu tác động tăng giá điện 2,41-3,34% với phương án này.

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 681800
  • Truy cập hôm nay: 96
  • Đang trực tuyến: 2