Ngân hàng Yên Bái phấn đấu hoàn thành kế hoạch tăng trưởng tín dụng

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) chủ động nắm bắt cơ chế, chính sách mới, những chỉ đạo có liên quan đến tiền tệ, hoạt động ngân hàng; gắn triển khai thực hiện nhiệm vụ của ngành với nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương; phấn đấu hoàn thành kế hoạch tăng trưởng và nâng cao chất lượng tín dụng.

Người dân giao dịch cuối năm tại Agribank Chi nhánh tỉnh Yên Bái .

Theo tổng hợp của Chi nhánh NHNN Yên Bái, tính đến 30/11/2024, dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 54.500 tỷ đồng, tăng 9,23% so với 31/12/2023, trong đó, nguồn vốn huy động tại địa phương đạt 33.700 tỷ đồng, tăng 6,68%. Các chi nhánh NHTM, quỹ tín dụng nhân dân đã tiếp tục chủ động được nguồn vốn, tăng trưởng nguồn vốn 11 tháng được duy trì đều, đáp ứng nhu cầu sử dụng vốn trên địa bàn tỉnh.

Tổng dư nợ cho vay trên toàn địa bàn đạt 48.250 tỷ đồng, tăng 16,18% so với 31/12/2023, trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 22.000 tỷ đồng, tăng 12,8% so với 31/12/2023, chiếm 45,5% tổng dư nợ; dư nợ cho vay trung và dài hạn đạt 25.600 tỷ đồng, tăng 16,1% so với 31/12/2023, chiếm 53% tổng dư nợ; cho vay khác đạt 650 tỷ đồng, chiếm 1,3% tổng dư nợ.

Trong 11 tháng qua, các NHTM trên địa bàn tỉnh đã chủ động nắm chắc diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong, ngoài nước và bám sát chỉ đạo của NHNN, thường xuyên rà soát tổng thể các mặt hoạt động, các quy định của pháp luật có liên quan để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản trị đồng thời tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, duy trì ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi và phấn đấu giảm lãi suất cho vay; tháo gỡ và thúc đẩy tín dụng phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, phục vụ đời sống, tiêu dùng; tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo đúng quy định.

Đặc biệt, các NHTM đã triển khai đồng bộ, kịp thời một số biện pháp khắc phục bão lụt, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng để khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh; triển khai mạnh các giải pháp kích cầu tiêu dùng, nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trên địa bàn. Để nâng cao chất lượng tín dụng, các NHTM còn chú trọng phân tích tình hình hoạt động của người vay; nghiên cứu, nâng cao chất lượng thẩm định các khoản vay, các dự án đầu tư và thực hiện tốt công tác kiểm tra tín dụng…

Ông Nguyễn Quang Đạt – Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Yên Bái cho biết, thực hiện sự chỉ đạo của NHNN Việt Nam triển khai các giải pháp để hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra, các NHTM, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 201 khách hàng với dư nợ trên 31,3 tỷ đồng; miễn giảm lãi vay cho 4.453 khách hàng với dư nợ là 4.866 tỷ đồng; cho vay mới 3.088 khách hàng với dư nợ là 544,3 tỷ đồng.

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã tập trung giải ngân nguồn vốn theo kế hoạch từ đầu năm cho vay 18 chương trình tín dụng ưu đãi đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách xã hội… Dư nợ đạt 5.327 tỷ đồng, tăng 9,43% so với 31/12/2023 trong đó, dư nợ cho vay hộ nghèo đạt 1.330 tỷ đồng; cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn đạt 758 tỷ đồng; cho vay hộ cận nghèo là 680 tỷ đồng; cho vay giải quyết việc làm đạt 878 tỷ đồng; cho vay hộ mới thoát nghèo đạt 773 tỷ đồng… Kết quả trên đã giúp hộ nghèo, đối tượng chính sách có vốn đầu tư vào sản xuất, nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống và từng bước thoát nghèo.

Để thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao chất lượng tín dụng, trong thời gian còn lại của năm 2024, Chi nhánh NHNN tỉnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn bám sát giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng của Chính phủ và NHNN Việt Nam, thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng trưởng tín dụng có hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng; giải ngân tín dụng vào một số lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; đơn giản hóa quy trình, thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay.

NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường minh bạch hóa thông tin tín dụng, công bố công khai thông tin về quy trình, thủ tục, hồ sơ, thời gian cung cấp dịch vụ, lãi suất, phí dịch vụ; triển khai hiệu quả công tác tín dụng gắn với chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trên địa bàn trong phát triển sản xuất, kinh doanh… phấn đấu hoàn thành mức tăng trưởng cả năm 2024.

Vốn tín dụng tiếp tục đầu tư cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, giải ngân các dự án đã cam kết, cho vay các đối tượng chính sách – xã hội, trong đó ước đến 30/11/2024 so với 31/12/2023: dư nợ cho vay lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ đạt 20.700 tỷ đồng, tăng 7,35%, chiếm 42,9% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đạt 14.150 tỷ đồng, tăng 8,62%, chiếm 29,33% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay lĩnh vực xuất khẩu đạt 900 tỷ đồng, chiếm 1,87% tổng dư nợ.

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 665202
  • Truy cập hôm nay: 469
  • Đang trực tuyến: 3