Trao đổi của đồng chí Vũ Thị Mai Oanh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Yên Bái với phóng viên Báo Yên Bái về những “chiến lược”, giải pháp để đưa du lịch địa phương phục hồi sau ảnh hưởng nặng nề do bão số 3.
Bức tranh du lịch Yên Bái từ đầu năm cho thấy sức bứt phá mạnh mẽ. Các chỉ số từ đầu năm 2024 tới nay đều tăng so với kịch bản và cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, những ảnh hưởng của thiên tai, nhất là cơn bão số 3 đã khiến ngành du lịch ảnh hưởng nặng nề, nhiều chương trình, kế hoạch phải tạm hoãn, dừng lại. Điều này đòi hỏi ngành du lịch cũng như các địa phương và người làm du lịch phải có những “chiến lược”, giải pháp để đưa du lịch phục hồi và cất cánh.
Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với đồng chí Vũ Thị Mai Oanh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh về vấn đề này.
P.V: Xin đồng chí cho biết những kết quả và điểm nhấn của du lịch Yên Bái từ đầu năm đến nay?
Đồng chí Vũ Thị Mai Oanh: Trong 9 tháng, toàn ngành du lịch đón phục vụ 1.770.000 lượt (đạt 104% kế hoạch; tăng 12% so với cùng kỳ); khách quốc tế ước đạt 229.125 lượt (đạt 76,4% kế hoạch, gấp gần 3 lần cùng kỳ; doanh thu đạt 1.468 tỷ đồng (đạt 98% kế hoạch, tăng 13,7% so với cùng kỳ). Có thể nói, từ đầu năm đến nay, ngành du lịch Yên Bái đã “cán đích” thành công.
Các địa phương trong tỉnh đã tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; xây dựng và làm mới các sản phẩm du lịch sẵn có, hình thành các sản phẩm du lịch mới độc đáo, hấp dẫn, khai thác tốt tiềm năng thế mạnh của vùng, địa phương; tổ chức nhiều các hoạt động, sự kiện vào dịp nghỉ lễ thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Các chỉ tiêu phục vụ khách và tổng thu từ khách du lịch tại các địa phương đều tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Song song với việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch được tăng cường với nhiều hình thức, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ số trong quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh tại các sự kiện du lịch trong và ngoài tỉnh.
P.V: Xin đồng chí cho biết, cơn bão số 3 đã gây thiệt hại, ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động du lịch trên địa bàn?
Đồng chí Vũ Thị Mai Oanh: Khi du lịch Yên Bái đang trên đà phát triển, nhiều hoạt động, sản phẩm văn hóa, du lịch hấp dẫn được triển khai, xây dựng công phu để thu hút du khách vào những tháng cuối năm thì sự tàn phá của hoàn lưu cơn bão số 3 đã gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng mọi mặt, giao thông bị chia cắt, các cơ sở lưu trú và các hoạt động du lịch phải tạm ngưng.
Trong tháng 9/2024, tổng lượng khách toàn ngành du lịch giảm 40% so với lượng khách tháng 9/2023. Doanh thu du lịch giảm trên 40% so với doanh thu tháng 9/2023. Các tour du lịch trong tháng 9 bị hủy, chỉ còn khách lẻ. Qua sơ bộ khảo sát các huyện, thị xã miền Tây đến 70 – 80% khách du lịch đã hủy đặt phòng. Thị xã Nghĩa Lộ, gần 70% khách du lịch đã hủy đặt phòng. Huyện Mù Cang Chải cũng chịu ảnh hưởng, dẫn đến 50% số khách đặt phòng đã hủy đặt phòng và 40% dời lịch sang tháng 10.
Huyện Văn Chấn gần 80% số khách đã hủy đặt phòng. Huyện Trạm Tấu cũng không tránh khỏi tác động tiêu cực của thiên tai khi 30% khách du lịch hủy đặt phòng. Tổng thiệt hại trực tiếp đối với ngành du lịch, thống kê sơ bộ ban đầu khoảng 7 tỷ đồng, có 15 cơ sở lưu trú bị sạt đất và ngập lụt, gây hỏng hóc các trang thiết bị và phương tiện.
P.V: Trước những khó khăn do ảnh hưởng của bão số 3 để lại, ngành sẽ tham mưu, triển khai những giải pháp như thế nào để hỗ trợ, khôi phục lại hoạt động du lịch trên địa bàn, thưa đồng chí?
Đồng chí Vũ Thị Mai Oanh: Ngay trong tháng 9, ngành đã khẩn trương ban hành Kế hoạch số 179 ngày 30/9/2024 về phục hồi phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái sau cơn bão số 3 (Yagi), theo đó đã đề ra 4 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu.
Thứ nhất, ngành tăng cường phối hợp với các địa phương để khắc phục, sửa chữa các tuyến đường sạt lở, để tạo thuận lợi, an toàn cho du khách, nhất là các tuyến giao thông đến địa bàn trọng điểm du lịch đường tỉnh lộ; rà soát các điểm đến du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn (cơ sở lưu trú, nhà hàng, điểm vui chơi, mua sắm…) phục vụ khách du lịch.
Thứ hai, ngành đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch của tỉnh tham gia các hội chợ, triển lãm, các chương trình giới thiệu điểm đến; tổ chức đoàn famtrip, presstrip (hình thức du lịch dành cho các đơn vị lữ hành, báo chí), KOLs (người có sức ảnh hưởng)…; giới thiệu và kết nối điểm đến du lịch Yên Bái đến các tỉnh, thành phố để thu hút khách du lịch nội địa; tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm du lịch Yên Bái trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước và các trang mạng xã hội về sản phẩm du lịch của địa phương, đặc biệt giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp của mùa vàng ruộng bậc thang Mù Cang Chải nhằm thu hút khách du lịch đến địa phương, để du khách yên tâm khi đến Mù Cang Chải vẫn là điểm đến an toàn, thân thiện sau bão lũ.
Thứ ba, ngành tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; xây dựng các sản phẩm, gói giảm giá kích cầu du lịch; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch kịp thời rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện cần thiết, nguồn nhân lực để sẵn sàng đón khách. Thứ tư, ngành tổ chức, tham gia các hoạt động, sự kiện thu hút khách; xây dựng các chương trình du lịch mới như: du lịch gắn với các hoạt động thiện nguyện; du lịch gắn với tham quan các vùng bị ảnh hưởng bởi bão lũ với chủ đề “Nơi mảnh đất hồi sinh”.
Đây là hình thức trải nghiệm và kết hợp hỗ trợ các bản làng bị thiệt hại nặng nề bởi thiên tai; du lịch gắn với tham quan các vùng bị ảnh hưởng bởi bão lũ.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!