Sau cơn bão Yagi, nhiều du khách e ngại ghé thăm miền Bắc do lo ngại an toàn. Nhưng giờ đây, Mù Cang Chải, Sa Pa và Hà Giang đã an toàn và sẵn sàng chào đón khách trở lại.
Những thửa ruộng bậc thang vàng óng, không khí se lạnh và văn hóa bản địa đặc sắc đang rất mong chờ đón du khách để vớt vát lại mùa du lịch thu – đông trải qua nhiều biến động.
Du lịch miền Bắc phục hồi mạnh mẽ
Hằng năm, từ đầu tháng 9 đến cuối năm, miền Bắc Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn với cảnh quan tuyệt đẹp và thời tiết dễ chịu. Tuy nhiên, năm 2024 đã chứng kiến những thách thức đáng kể khi cơn bão Yagi và lũ lụt gây ra nhiều thiệt hại, ảnh hưởng đến nhiều điểm du lịch và dịch vụ trong khu vực.
Mặc dù vậy, ngành du lịch miền Bắc đã thể hiện khả năng phục hồi đáng kinh ngạc. Theo thông tin từ các doanh nghiệp lữ hành và cơ quan quản lý du lịch địa phương, phần lớn các điểm du lịch tại Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng đã mở cửa trở lại và giao thông đã được khôi phục. Tuy nhiên, sự phục hồi này không đồng đều giữa khách nội địa và quốc tế.
Các công ty lữ hành ghi nhận sự thận trọng của khách nội địa, với nhiều nhóm lớn chọn cách dời lịch trình đến giữa hoặc cuối tháng 10 và tháng 11. Ngược lại, khách quốc tế, đặc biệt là các nhóm nhỏ, vẫn duy trì lượng đặt tour ổn định.
Bà Đoàn Thị Thanh Trà từ Saigontourist chia sẻ rằng du khách đang ưu tiên các tuyến du lịch truyền thống như Hà Nội, Ninh Bình, Hạ Long và Phú Thọ. Để đáp ứng nhu cầu đa dạng, công ty đã tích hợp các điểm tham quan mới và nâng cấp dịch vụ, bao gồm các tour đêm ở Hà Nội và trải nghiệm cao cấp như du thuyền 5 sao tại Hạ Long.
Ông Thi Quốc Duy từ Benthanh Tourist nhận định rằng mùa du lịch thu – đông năm nay gặp nhiều khó khăn do giá vé máy bay cao và ảnh hưởng của thiên tai. Lượng khách đến miền Bắc ước tính chỉ đạt 70 – 80% so với những năm trước.
Vietluxtour cũng phải điều chỉnh nhiều tour miền Bắc, với khách hàng chuyển hướng sang các tuyến khác hoặc dời lịch sang cuối năm. Tuy nhiên, công ty lạc quan về việc phục hồi kịp thời cho mùa du lịch cao điểm Tết Tây và Tết Nguyên đán.
Vietravel ghi nhận sự tăng nhẹ về lượng khách đến Hà Nội, trong khi các tour Đông – Tây Bắc có phần dè dặt hơn. Thời tiết Hà Nội nhanh chóng ổn định với không khí mùa thu mát mẻ vẫn là điểm hấp dẫn chính đối với du khách.
Về giá cả, các công ty lữ hành cố gắng duy trì mức giá ổn định so với năm trước, bất chấp biến động chi phí. Nhiều đơn vị còn đưa ra chương trình khuyến mãi để kích cầu du lịch, đặc biệt là ưu đãi cho đoàn khách đông và gia đình.
Tổng thể, ngành du lịch miền Bắc đang thể hiện sự linh hoạt và khả năng thích ứng cao. Mặc dù đối mặt với thách thức từ thiên tai, các doanh nghiệp du lịch đã nhanh chóng điều chỉnh chiến lược, tập trung vào an toàn và đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng xu hướng du lịch mới. Với những nỗ lực này, ngành du lịch miền Bắc đang từng bước phục hồi và hứa hẹn một mùa du lịch thu – đông sôi động trong thời gian tới.
Vào mùa đẹp nhất trong năm
Đến thời điểm hiện tại, thời tiết tại toàn miền Bắc cũng như tại các địa phương ở khu vực Tây Bắc, Đông Bắc đều rất thuận lợi cho hoạt động du lịch. Các điểm đến hấp dẫn như Mù Cang Chải, Sa Pa, Hà Giang đã bước vào mùa đẹp nhất trong năm với tiết trời dịu mát và nắng không quá gắt.
Là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lớn do hoàn lưu bão Yagi, Sa Pa (Lào Cai) đã nhanh chóng khắc phục thiệt hại sau mưa, lũ, khôi phục hoạt động của các điểm tham trên địa bàn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Hoàng Thị Vượng, trưởng Phòng Văn hóa thông tin thị xã Sa Pa, cho biết lượng khách du lịch đến với Sa Pa đã tăng trở lại đạt 70 – 80% so với mức bình thường, các điểm lưu trú đã bắt đầu có lượng khách ổn định.
Tuy nhiên, thời gian từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 10 hằng năm là thời điểm vắng khách của Sa Pa bởi hiện tại là thời điểm chuyển giao giữa mùa du lịch nội địa và mùa khách quốc tế.
“Chúng tôi đã có phương án về việc khôi phục du lịch và thông báo rộng rãi đến các doanh nghiệp lữ hành trong nước, quốc tế về sự an toàn của Sa Pa. Hiện tại, du khách hoàn toàn an tâm khi đến du lịch Sa Pa vào thời điểm này”, bà Vượng chia sẻ.
Còn tại Mù Cang Chải, nơi duy nhất còn lúa chín tại Tây Bắc, lượng khách du lịch đã quay trở lại đông hơn, nhưng chỉ còn khoảng một tuần nữa bà con sẽ gặt hết lúa. Du khách có thể lên kế hoạch sớm để kịp trải nghiệm mùa lúa năm nay.
Ông Trịnh Thế Bình, trưởng Phòng Văn hóa thông tin huyện Mù Cang Chải, chia sẻ khi hết mùa lúa, du khách vẫn có nhiều trải nghiệm để khám phá tại địa phương như trekking, tham quan rừng trúc, nhà ngô, trải nghiệm văn hóa của người dân bản địa.
Để đảm bảo an toàn, du khách có thể theo dõi các thông tin về thời tiết, tình hình lúa chín, các điểm đến an toàn tại Mù Cang Chải qua các trang mạng xã hội như Sắc màu Mù Cang Chải, Mù Cang Chải kết nối các miền danh thắng…
Theo bà Triệu Thị Tình – phó giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, trong tháng 10 lượng khách quay trở lại Hà Giang đã tăng lên. Trong thời gian tới, Hà Giang sẽ tiếp tục các hoạt động xúc tiến, quảng bá để thu hút khách du lịch đến Hà Giang với thông điệp “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á”.
Các điểm du lịch của Hà Giang vẫn đón khách bình thường, du khách chỉ cần theo dõi thông tin dự báo thời tiết trên các trang cung cấp thông tin chính thống để có được thông tin chính xác, tránh gây hoang mang.
Nhiều khách hủy tour Tây Bắc sau bão Yagi
Dù không chịu ảnh hưởng trực tiếp khi bão đổ bộ, nhưng những trận mưa lớn, kéo dài do hoàn lưu bão lại khiến tình trạng sạt lở, lũ lụt, lũ quét xảy ra ở nhiều nơi tại khu vực Đông Bắc, Tây Bắc khiến du khách e ngại về sự an toàn. Không ít du khách đã hủy tour ngắm lúa chín ngay trước thời điểm khởi hành. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trịnh Thế Bình, trưởng Phòng Văn hóa thông tin huyện Mù Cang Chải, cho biết trong mùa mưa năm nay Mù Cang Chải không bị ảnh hưởng nhiều bởi sạt lở nhưng do tâm lý lo ngại nhiều khách đã hủy lịch ngắm mùa vàng trong thời điểm từ giữa tháng 9 đến đầu tháng 10. Đợt mưa bão vừa qua Mù Cang Chải có khoảng 35.000 lượt khách hủy tour, 1.500 phòng bị hủy lịch đặt trong thời gian từ ngày 8-9 đến 30-9. Ước tính giảm thu hơn 40 tỉ đồng từ việc hủy phòng, chi phí cho các dịch vụ ăn uống, mua sắm… Còn tại Sa Pa (Lào Cai), trong thời gian từ ngày 8-9 đến 14-9, hoàn lưu bão Yagi đã làm sạt lở đất gần 80% các tuyến đường giao thông, gây ách tắc cục bộ, khó khăn cho việc di chuyển của nhân dân và khách du lịch trên địa bàn thị xã Sa Pa; các tuyến trekking được du khách quốc tế yêu thích đã bị tạm dừng hoạt động do nằm ở khu vực có địa hình phức tạp, không đảm bảo an toàn cho khách du lịch. Nhiều diện tích lúa của bà con bị mưa, gió làm đổ nên mùa vàng đã kết thúc từ sớm. |
Theo Báo Yên Bái