Nửa chặng đường năm 2024, trong bối cảnh nhiều khó khăn, kinh tế Yên Bái vẫn có sự phát triển ổn định với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) đạt 5,36%. Tuy nhiên, đây được xem là mức tăng thấp nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Để thực hiện đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm là thách thức lớn, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị Yên Bái.
Tỉnh Yên Bái bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2024 trong bối cảnh tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, tình hình chính trị, kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Chung với những khó khăn, thách thức trên, phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh tiếp tục bị ảnh hưởng khi một số doanh nghiệp trong tỉnh gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, đặc biệt là các ngành khai khoáng và sản xuất điện.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế – xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm 2024 phát triển ổn định và đã đạt được một số kết quả quan trọng. Trong số 22 chỉ tiêu đánh giá, Yên Bái có 10 chỉ tiêu đạt và vượt kịch bản đề ra.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) ước đạt 5,36%, đứng thứ 10/14 tỉnh trong khu vực. Sản xuất nông – lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục có bước phát triển quan trọng, khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng đạt 5,10%, đứng thứ 2/14 tỉnh trong khu vực. Các động lực tăng trưởng như: sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại – dịch vụ tăng khá, khai thác, phát huy được tiềm năng và lợi thế, đóng góp quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp ghi nhận mức tăng 9,2%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 10,3%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10%; tổng vốn đầu tư phát triển tăng 10,2%; số lượt khách du lịch tăng 28%, doanh thu từ hoạt động du lịch tăng 28,4%.
Công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền tỉnh ngày càng linh hoạt, trách nhiệm, hiệu quả, được cộng đồng doanh nghiệp và người dân đánh giá cao. Điều này thể hiện ở hàng loạt các chỉ số đều có sự thăng hạng về thứ bậc: Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI) năm 2023 đứng ở vị trí 28/63 tỉnh, thành phố, tăng 8 bậc so với năm 2022; Chỉ số PAR INDEX năm 2023 tăng 4 bậc; Chỉ số hài lòng vì sự phục vụ hành chính cấp tỉnh (SIPAS) tăng 2 bậc (từ 11 lên Chỉ số PCI tăng 2,9 điểm so với năm 2022.
Bên cạnh những điểm sáng kể trên cũng phải nhìn nhận rằng, kết quả 6 tháng đầu năm dù tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước nhưng thấp nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Các động lực tăng trưởng kinh tế dù có chuyển biến nhưng chưa như kỳ vọng. Khu vực công nghiệp phục hồi chậm khi một số ngành công nghiệp chủ lực gặp khó như điện, khai thác khoáng sản. Đặc biệt là ngành điện do ảnh hưởng kéo dài của hiện tượng Elnino, lượng mưa ít, lưu lượng nước đổ về các hồ thủy điện giảm so với cùng kỳ năm trước, do đó các nhà máy thủy điện không chạy đủ công suất dẫn đến ngành sản xuất và phân phối điện tăng trưởng âm (-12,40%).
Khu vực dịch vụ, du lịch có chuyển biến nhưng thiếu yếu tố đột phá. Đầu tư công được coi là động năng tăng trưởng chính, dẫn dắt và thu hút các nguồn lực khác, song tỷ lệ giải ngân chưa như kỳ vọng, công tác chuẩn bị đầu tư của các đơn vị chủ đầu tư, các địa phương còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Thu ngân sách dù có chuyển biến nhưng vẫn thấp hơn kịch bản khi mà thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, doanh nghiệp còn gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu.
Năm 2024 là năm “tăng tốc” có ý nghĩa quan trọng, quyết định tới việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh. Tuy nhiên, theo dự báo thời gian tới, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường; kinh tế thế giới cũng như trong nước có xu hướng phục hồi nhưng chưa ổn định, khó khăn, thách thức còn rất lớn.
Mục tiêu tăng trưởng cả năm đạt 7,7% là rất nặng nề, đòi hỏi sự quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội để tạo sức bật cho tăng trưởng GRDP. Theo đó, các ngành, các cấp cần tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với tình huống phát sinh, kiên định thực hiện hiệu quả các mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng bền vững, hỗ trợ tối đa cho khu vực doanh nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống của người dân.
Đó là, cần tiếp tục triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh; tập trung phục hồi sản xuất công nghiệp, đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn, trọng điểm trên địa bàn, khai thác tốt các ngành động lực chính là công nghiệp chế biến, chế tạo và sản xuất, phân phối điện, khai khoáng. Tập trung sản xuất nông nghiệp, chủ động phòng ngừa, ứng phó với các tình huống thiên tai, thời tiết; trong đó, khai thác tốt các lĩnh vực còn dư địa như chăn nuôi và các cây trồng được coi là thế mạnh của tỉnh Yên Bái như: quế, chè, khai thác, chế biến gỗ rừng trồng. Đồng thời, cần chủ động theo dõi, dự báo tình hình thị trường, biến động cung cầu hàng hóa; triển khai đồng bộ các giải pháp phối hợp liên tỉnh, liên vùng về quảng bá, xúc tiến du lịch.
Cùng với đó, các cấp, các ngành cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công các dự án, công trình trọng điểm; chỉ đạo quyết liệt thu ngân sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Quan trọng hơn nữa là các cấp chính quyền cần tiếp tục đồng hành, nắm bắt, tạo mọi điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Khó khăn, thách thức còn nhiều, song quyết tâm cao cùng với những giải pháp toàn diện, Yên Bái hoàn toàn có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng, trở thành một trong những điểm sáng về phát triển kinh tế – xã hội của khu vực.