Hôm nay (23-5), Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, thực hành tiết kiệm

Theo chương trình Kỳ họp thứ bảy, hôm nay (23-5), Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ tư, thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế-xã hội, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Quang cảnh phiên họp ngày 22-5.
Chương trình làm việc của Quốc hội cụ thể hôm nay, thứ năm, ngày 23-5-2024:

Buổi sáng: Quốc hội thảo luận ở tổ về:

(1) Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.

(2) Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.

(3) Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.

Buổi chiều: Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV.

Hôm nay (23-5), Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, thực hành tiết kiệm

* Sáng qua (22-5), Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV bước vào ngày làm việc thứ ba tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội với các nội dung sau:

1. Từ 8 giờ 00 phút: Quốc hội họp riêng về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.

Dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiếp tục tiến hành thủ tục bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026.

– Quốc hội nghe Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại Đoàn về việc bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026.

– Quốc hội biểu quyết thông qua Danh sách bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026 đối với đồng chí Tô Lâm bằng hình thức biểu quyết điện tử. Kết quả như sau: Có 464 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95,28% tổng số đại biểu), trong đó có 463 đại biểu tán thành (bằng 95,07% tổng số đại biểu).

– Quốc hội tiến hành bỏ phiếu kín bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026 đối với đồng chí Tô Lâm.

2. Từ 8 giờ 15 phút: Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường.

Dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội nghe:

– Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.

3. Từ 8 giờ 45 phút: Quốc hội họp riêng về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.

Dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội nghe Ban kiểm phiếu báo cáo kết quả kiểm phiếu bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026 đối với đồng chí Tô Lâm.

4. Từ 8 giờ 55 phút: Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.

Dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội nghe Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày dự thảo Nghị quyết bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026 đối với đồng chí Tô Lâm.

Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026 bằng hình thức biểu quyết điện tử. Kết quả như sau: Có 473 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 97,13% tổng số đại biểu), trong đó có 472 đại biểu tán thành (bằng 96,92% tổng số đại biểu).

Từ 9 giờ 00 phút: Chủ tịch nước Tô Lâm tiến hành thủ tục tuyên thệ và phát biểu nhậm chức.

(Phiên họp toàn thể tại hội trường và Lễ tuyên thệ được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam).

5. Từ 9 giờ 25 phút: Quốc hội họp riêng về công tác nhân sự.

Dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội xem xét, phê chuẩn Ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh:

– Quốc hội nghe Chủ tịch nước Tô Lâm trình bày Tờ trình về việc đề nghị phê chuẩn Ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh.

– Quốc hội bỏ phiếu kín phê chuẩn Ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh đối với đồng chí Trần Thanh Mẫn.

– Quốc hội nghe Ban kiểm phiếu báo cáo kết quả kiểm phiếu phê chuẩn Ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh đối với đồng chí Trần Thanh Mẫn.

– Quốc hội nghe Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Dự thảo Nghị quyết về việc phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch nước về Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và an ninh.

– Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch nước về Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và an ninh đối với đồng chí Trần Thanh Mẫn bằng hình thức biểu quyết điện tử. Kết quả như sau: Có 463 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95,07% tổng số đại biểu), trong đó có 463 đại biểu tán thành (bằng 95,07% tổng số đại biểu).

6. Từ 9 giờ 55 phút: Quốc hội họp riêng về công tác nhân sự.

Dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội nghe Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến đại biểu thảo luận ở Đoàn và kết quả phiếu xin ý kiến về việc phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an nhiệm kỳ 2021-2026.

– Quốc hội thực hiện việc phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an bằng hình thức bỏ phiếu kín.

7. Từ 10 giờ 5 phút: Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường.

Dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe:

– Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước).

– Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước).

8. Từ 10 giờ 25 phút: Quốc hội họp riêng về công tác nhân sự.

Dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội nghe Ban kiểm phiếu báo cáo kết quả kiểm phiếu về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an.

Quốc hội nghe Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Dự thảo Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Công an nhiệm kỳ 2021-2026. Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an. Kết quả như sau: Có 465 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95,48% tổng số đại biểu), trong đó có 465 đại biểu tán thành (bằng 95,48% tổng số đại biểu).

9. Từ 10 giờ 35 phút: Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường.

Dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe:

– Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày Báo cáo thẩm tra về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

* Chiều qua, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Tại phiên thảo luận đã có 28 ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu, 1 ý kiến đại biểu tranh luận. Các ý kiến cơ bản tán thành với nội dung của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận về các nội dung: Phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; các quy định về bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông đường bộ; phân loại phương tiện giao thông đường bộ; các hành vi bị nghiêm cấm; về quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; trách nhiệm của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; đấu giá biển số xe cơ giới; cấp, thu hồi chứng nhận đăng ký xe và biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ; niên hạn sử dụng của xe cơ giới; điểm của Giấy phép lái xe; việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; việc bổ sung quy định trích một phần tỉ lệ tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ sau khi đã nộp vào ngân sách; hạng giấy phép lái xe; hiệu lực thi hành…

Kết thúc thảo luận, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 669742
  • Truy cập hôm nay: 624
  • Đang trực tuyến: 6