Yên Bái: Phủ xanh đất bán ngập trên hồ Thác Bà tạo cảnh quan phát triển du lịch

Trong thời gian qua, để ngành nông nghiệp phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, huyện Yên Bình đã triển khai nhiều đề án phát triển nông nghiệp đã mang lại hiệu quả. Hiện nay, huyện tiếp tục xây dựng “Đề án trồng cây tràm lá dài dưới cốt 58 hồ Thác Bà, kết hợp nuôi ong mật gắn với du lịch trên địa bàn huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái”.

Cây tràm hiện sinh trưởng và phát triển rất tốt trên đất bán ngập hồ Thác Bà.

Trồng tràm mang lại lợi lích kép

Nhằm phát triển diện tích rừng trồng cảnh quan thu hút khách du lịch và tận dụng tối đa diện tích đất bán ngập trên vùng hồ Thác Bà, huyện Yên Bình đang xây dựng Đề án trồng cây tràm lá dài dưới cốt 58 hồ thác bà, kết hợp nuôi ong mật gắn với du lịch.

z4118433762714_35c1f562193b37cb884d3900360ef83d.jpg
Huyện đang xây dựng “Đề án trồng cây tràm lá dài dưới cốt 58 hồ Thác Bà, kết hợp nuôi ong mật gắn với du lịch trên địa bàn huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái”.

Ông An Hoàng Linh – Bí thư Huyện uỷ Yên Bình cho biết: Đề án được triển khai nhằm nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh rừng trồng và phát triển lâm nghiệp bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường; gắn kết theo chuỗi từ trồng rừng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao giá trị lâm sản hàng hóa, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 20/01/2021 Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIX về phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 – 2025 của Tỉnh ủy Yên Bái.

Đề án hướng tới đẩy mạnh công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt chú trọng trồng rừng sản xuất, rừng cảnh quan, giải quyết vấn đề đất sản xuất, tăng thu nhập cho các hộ dân, bảo vệ và sử dụng tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp một cách có hiệu quả; khai thác, tốt tiềm năng đất sản xuất lâm nghiệp hiện có trên địa bàn để phát triển kinh tế đi đôi với tăng cường khả năng phòng hộ của rừng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân được giao đất lâm nghiệp, góp phần giảm nghèo bền vững, gắn với thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng thông qua đẩy mạnh các hoạt động phát triển sinh kế cho người dân, để đa dạng hóa thu nhập, cải thiện năng lực tài chính tăng thu nhập từ trồng rừng, rừng cảnh quan phục vụ khách du lịch.

Thúc đẩy nghề nuôi ong như một hoạt động nhằm nâng cao thu nhập bền vững từ nuôi Ong mật tại các đảo thuộc hồ Thác Bà nói riêng và huyện Yên Bình nói chung.

Với mục tiêu phấn đấu trồng mới rừng cảnh quan đến năm 2028 đạt khoảng 200ha rừng trồng tràm lá dài dưới cốt 58 của hồ Thác Bà và 1.500 thùng ong lấy mật. Đặc biêt, đến năm 2028, với diện tích rừng trồng tràm này sẽ tham gia thị trường carbon. Dự kiến giai đoạn năm 2024-2025 điều tra, khảo sát đánh giá thị trường carbon trong nước và quốc tế; đăng ký, cấp mã rừng trồng cho hộ gia đình, cá nhân theo quy định trong nước, quốc tế và theo yêu cầu của thị trường carbon.

Giai đoạn năm 2026-2027 mời chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá và xây dựng đường carbon cơ sở làm căn cứ để tính khối lượng carbon dư thừa tiến tới bán tín chỉ carbon từ năm 2028.

Tận dụng tiềm năng sẵn có

Hồ Thác Bà vận hành hồ chứa để phục vụ phát điện và cấp nước cho vùng hạ du, mực nước của hồ Thác Bà có khoảng dao động khá lớn từ cốt 47 đến cốt 59, tức là khoảng cách dao động về mực nước hồ Thác Bà lên tới 12 mét. Khoảng dao động này đã tạo ra một diện tích bán ngập nước lên đến cả nghìn hécta.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hồ Thác Bà có khoảng hơn 1.200ha đất bán ngập. Ước tính mỗi năm, người dân cấy được 120 – 220ha lúa, trồng 200 – 400ha ngô và 300 – 600ha lạc (diện tích canh tác mỗi năm phụ thuộc vào độ dao động của mực nước trên hồ). Phần lớn diện tích lúa và màu đều được gieo trồng tại những vị trí bằng phẳng, cốt nước cao, còn lại đa số diện tích chân ven, đảo chìm bán ngập đều bị bỏ hoang hóa.

z5427417886303_106c1bd756a73fb124f9ccf7ab4ac29f.jpg
Hồ Thác Bà có tiềm năng phát triển du lịch.

Năm 2003 Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Thác Bà tỉnh Yên Bái đã trồng thử nghiệm 15ha tràm lá dài trên vùng bán ngập hồ Thác Bà. Năm 2005 của Ban quản lý điều tra xây dựng khu công nghiệp tỉnh Yên Bái đã tiến hành trồng cây tràm lá dài trên vùng bán ngập thuộc khu trung tâm du lịch hồ Thác Bà với diện tích là 30ha tại xã Tân Hương huyện Yên Bình. Sau 20 năm, cây tràm đã sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu trên vùng đất bán ngập hồ Thác Bà góp phần tạo môi trường cảnh quan và tạo điều kiện thuận lợi cho hệ động, thực vật phát triển phong phú.

Đến năm 2023 thực hiện dự án trồng, chăm sóc, bảo vệ cây tràm lá dài vùng bán ngập hồ Thác Bà đã trồng mới được 50ha tại 7 xã, thị trấn: xã Phúc An, Vĩnh Kiên, Hán Đà, Thịnh Hưng, Tân Hương, Thị Trấn Yên Bình và Thị Trấn Thác Bà.

Bí thư Huyện uỷ Yên Bình cho biết: Với diện tích đất có thể trồng rừng cảnh quan trên vùng bán ngập hồ Thác Bà còn tương đối lớn trên 200ha. Việc đưa cây tràm lá dài vào trồng sẽ góp phần phủ xanh diện tích đất bán ngập, chống lại sự xâm thực của cây mai dương làm nghèo kiệt đất. Hơn nữa, sẽ tăng độ che phủ rừng, giảm xói mòn, rửa trôi bồi lắng lòng hồ Thác Bà, góp phần cải thiện môi trường sinh thái và đa dạng sinh học, tạo những cánh rừng cảnh quan.

Việc trồng cây xanh bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan hệ sinh thái, góp phần thúc đẩy du lịch tại hồ Thác Bà, phù hợp với quy hoạch tổng thể Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà vừa được Thủ tướng phê duyệt vào ngày 12/7/2022.

Cùng với đó, Hồ Thác Bà có tiềm năng du lịch phong phú và đa dạng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, thảm thực vật phong phú. Khu vực hồ Thác Bà còn là nơi hội tụ các giá trị về di tích lịch sử, văn hóa, ẩm thực, lễ hội truyền thống và các phong tục, tập quán phong phú các dân tộc thiểu số Tày, Nùng, Dao, Cao Lan…Riêng trong năm 2023, huyện Yên Bình đón 347.438 lượt khách du lịch .

img_4152.jpg
Trong thời gian gần đây du khách đến với hồ Thác Bà ngày một tăng.

Hơn nữa, với lợi thế về rừng, đất rừng được bao quanh bởi cây ăn quả, với các loại cây ăn quả phổ biến như: Cam, Bưởi, Nhãn….là nguồn hoa đa dạng cho hoạt động nuôi ong lấy mật. Theo đề án huyện sẽ phấn đấu nuôi 1.500 thùng ong trên đảo hồ Thác Bà, tạo nguồn thu nhập bền vững cho người dân và được xem như một nguồn lâm sản ngoài gỗ

“Khi dự án được triển khai sẽ mang lại hiệu quả về kinh tế khi thị trường carbon trong nước được thí điểm từ năm 2025, chính thức vận hành năm 2028. Từ đó, sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp cũng như góp phần quan trọng trong phát triển và bảo vệ rừng. Đồng thời, tạo công việc, tăng thu nhập cho người dân địa phương, góp phần ổn định cuộc sống, xóa đói giảm nghèo. Hơn nữa, đề án mang lại hiệu quả về môi trường, giúp giảm lượng khí nhà kính, đóng góp vào nỗ lực chung cho cộng đồng quốc tế trong việc giảm biến đổi khí hậu”, Bí thư Huyện uỷ Yên Bình chia sẻ.

Theo Báo Yên Bái


Bài viết mới nhất:
Lượt truy cập
  • Số lượt truy cập: 669064
  • Truy cập hôm nay: 1073
  • Đang trực tuyến: 5